Chuyện đào tạo luật sư ’tăng nhiệt’

 Câu chuyện đào tạo luật sư (LS) đặt ra từ lâu, với những quan điểm chưa đồng nhất. Và đề tài trở nên “nóng hổi” khi Bộ Tư pháp dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 02/2007/TT-BTP (ngày 25/4/2007) hướng dẫn một số qui định của Luật LS.

Câu chuyện đào tạo luật sư (LS) đặt ra từ lâu, với những quan điểm chưa đồng nhất. Và đề tài trở nên “nóng hổi” khi Bộ Tư pháp dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 02/2007/TT-BTP (ngày 25/4/2007) hướng dẫn một số qui định của Luật LS.

LS muốn tự đào tạo

Tại nghị trường, không ít ĐBQH đánh giá, chất lượng đào tạo của ta là vấn đề yếu nhất trong công tác cán bộ. Đến nay, khi ta đã hội nhập được ngót nghét 4 năm, nhưng “vẫn chưa có LS nào đủ trình độ để tranh tụng quốc tế”. Vấn đề này đã làm “đau đầu” các nhà quản lý và Liên đoàn LS Việt Nam – những thiết chế có chức năng về đào tạo LS theo pháp luật hiện hành.

Các chương trình, đề án đào tạo cấp tốc, dài hạn đã được thực hiện nhưng để đội ngũ LS hội nhập được với đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới quả là một tham vọng chưa biết khi nào thực sự đạt được. Quá nóng ruột trước thực trạng này, LS. Lê Thanh Sơn (Trưởng VPLS AIC, Đoàn LS Hà Nội) mạnh dạn kiến nghị “để LS (tổ chức hành nghề LS) tự đào tạo đội ngũ kế cận” như kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới.

Và để làm được điều này, pháp luật (cụ thể là Thông tư đang được dự thảo) cần qui định để chính LS đưa ra được tiêu chuẩn cần thiết cho việc đào tạo (các tổ chức hành nghề LS có trách nhiệm đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo, Liên đoàn LS Việt Nam tập hợp và thành lập Ban Đào tạo để nghiên cứu, xây dựng chương trình tổng thể), thực hiện việc đào tạo, còn Học viện Tư pháp hoặc Trường đào tạo LS của Liên đoàn (trong tương lai) chỉ đóng vai trò tuyển sinh, phối hợp tổ chức đào tạo, mà không đưa ra đề thi, không chấm thi…

Theo LS này, đó là vì đào tạo LS khác đào tạo cử nhân luật. LS phải được đào tạo theo yêu cầu của thị trường, mà “giảng viên của ĐH Luật hay Học viện Tư pháp đều không phải là LS, do đó, không thể hiểu LS và có kinh nghiệm về hành nghề LS bằng chính LS”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Đoàn LS TP.Hải Phòng Nguyễn Cẩm cho rằng, LS làm giảng viên phải có kinh nghiệm ít nhất 10 năm hành nghề. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng LS, luật cũng cần qui định sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề bao lâu, LS mới được thành lập VPLS, được nhận hướng dẫn người tập sự hành nghề, chứ không phải vừa cầm chứng chỉ xong đã thành lập VPLS ngay hay nhận vài “em” về hướng dẫn…

Nhưng không dễ để “gánh”

Trái ngược với quan điểm của LS.Sơn, đại diện một số Sở Tư pháp và các các LS lại cho rằng, “tự đào tạo là không thực tế”. Bởi, nếu giới LS thực hiện tự đào tạo “từ A đến Z”, thì liệu Liên đoàn LS có đủ sức và nếu vậy thì liệu có bao nhiêu LS “tương đối” giỏi (có trình độ, năng lực và nghiệp vụ sư phạm nhất định) dành thời gian cho việc xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy chuyên trách LS, trong khi thu nhập từ hành nghề LS và giảng dạy là khoảng cách tương đối xa? Còn LS. Phan Thị Hương Thủy (Trưởng VPLS Hoàng Long) băn khoăn về cơ quan có thẩm quyền xác định phê chuẩn trình độ giảng viên đào tạo LS.

Khách quan đánh giá, do hệ thống đào tạo ngành luật, sinh viên luật rất ít được va chạm thực tế nên nếu muốn theo đuổi nghề LS, họ gần như phải “học lại” từ đầu. Do đó, ngoài thời gian đào tạo ở các cơ sở, 18 tháng tập sự tại các tổ chức hành nghề LS chính là thời gian để“truyền nghề” đầy hiệu quả.

Cũng từ đó, muốn đào tạo LS kế cận thì các LS “gạo cội” không nhất thiết phải đứng trên bục giảng mới là dạy nghề. Ông Nguyễn Văn Bốn (Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp) nhận thấy, không phải cứ LS là có thể dạy tốt vì mỗi người có kỹ năng riêng. Chủ nhiệm Đoàn LS Ninh Bình dung hòa bằng quan điểm, “không phải LS lâu năm đều có thể làm giảng viên vì còn nhiều yêu cầu về đạo đức, phẩm chất chính trị, kỹ năng sư phạm. Nhưng nếu đủ điều kiện thì nên ưu cho LS lâu năm làm giảng viên tại các cơ sở đào tạo LS”.

Thực tế, để có 1 LS đúng nghĩa thì cần một quá trình “học nữa, học mãi” chứ không chỉ vài tháng đào tạo hay vài năm tập sự. Bởi vậy, cơ sở nào đào tạo LS không quan trọng bằng việc thay đổi về cả một hệ thống, từ phương pháp đến chất lượng đào tạo để đạt mục tiêu LS “hội nhập” trong thời gian tới.

Huy Anh

Đọc thêm