Chuyển dịch năng lượng: Lao động than, nhiệt điện than đối mặt nhiều mối nguy cơ khôn lường

(PLVN) -  Trước làn sóng chuyển dịch từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo ngày càng mạnh mẽ ở nước ta nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, lực lượng lao động trong các lĩnh vực năng lượng hoá thạch đang đứng trước nhiều mối rủi ro và thách thức chưa từng có trong quá khứ.

Xu hướng giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo đi kèm với một hệ quả tất yếu: hình thành một xu hướng chuyển dịch lao động trong ngành năng lượng. Cụ thể, các ngành nhiên liệu hóa thạch sẽ mất tới vài triệu việc làm kể từ thập niên hiện tại, trong khi đó số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ tăng vượt bậc. Hiện tượng này đã và đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, gồm cả Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Xu hướng giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tiềm ẩn những hệ quả khôn lường. (Nguồn: Environmental Defence)

Gần 100.000 lao động có thể bị ảnh hưởng

Tại Việt Nam, gần 100.000 người làm việc trong lĩnh vực khai thác nhiên liệu hóa thạch hoặc các nhà máy điện than sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi chuyển dịch năng lượng. Trong đó, khu vực vực khai thác than có khoảng 78.000 lao động, giảm khoảng 3% mỗi năm; khu vực khai thác dầu khí có khoảng 8.000 lao động, và khoảng 9.000 lao động trong các nhà máy điện than trên tổng số 146.000 lao động trong ngành điện nói chung.

Đó là số liệu ước tính được đưa ra bởi bà Jay Rutovitz, Giám đốc nghiên cứu – Viện Tương lai bền vững, Đại học Công nghệ Sydney, tại Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng” vào tháng 9.

Nói cách khác, lực lượng lao động trong ngành than, ngành nhiệt điện than nói riêng và nhiệt điện nói chung sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xu hướng chuyển dịch năng lượng trong vài thập kỷ tới.

Các công việc liên quan đến khai thác mỏ thường được xác định là công việc nặng nhọc, độc hại, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. (Ảnh: Cao Xuân Thìn/Công ty Than Hòn Gai – TKV)

Nhiều rủi ro, rào cản mang tính đặc thù nghề nghiệp

Ngành Than là một ngành đặc thù tại Việt Nam, nơi sản xuất tập trung lớn ở khu vực tỉnh Quảng Ninh với truyền thống, bề dày lịch sử trên 180 năm. Các công việc liên quan đến khai thác mỏ thường được xác định là công việc nặng nhọc, độc hại, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Đơn cử, đặc điểm môi trường làm việc dưới các mỏ hầm lò thường có các đặc điểm như: nơi làm việc chật hẹp, thiếu dưỡng khí, chịu tác động của bụi, ồn, CO2, nhiệt độ cao, hoá chất độc,…

Mặc dù điều kiện làm việc liên tục được cải thiện, nhưng để khai thác trực tiếp ra những tấn than mất rất nhiều công đoạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chưa kể, yêu cầu công việc đòi hỏi ngày càng cao, điều kiện sản xuất ngày càng xuống sâu, vào xa, theo anh Phạm Đình Duẩn - người đã gắn bó 18 năm với nghề khai thác than trực tiếp trong hầm lò và hiện đang làm việc tại phân xưởng khai thác 14, Công ty Cổ phần than Vàng Danh – Vinacomin.

Điều kiện địa lý cũng là một trong những khó khăn đối với nghề mỏ. Theo chia sẻ của anh Cao Xuân Thìn, Chuyên viên phòng Kỹ thuật mỏ, Công ty Than Hòn Gai – TKV, cũng là người cống hiến hơn 10 năm cho ngành Than, một đặc thù khác của nguồn lao động ngành Than là tập trung chủ yếu từ các tỉnh thành khu vực phía Bắc. Nếu trước đây là các tỉnh đồng bằng giáp Quảng Ninh như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định; thì nay nguồn lao động chuyển dịch dần sang các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đặc biệt các tỉnh Tây Bắc. Bởi vậy, người lao động thường ở xa gia đình, phải tập trung, thuê trọ tại nơi sản xuất.

Lao động có chuyên môn cao trong ngành Than và nhiệt điện than đang đứng trước nhiều rủi ro chưa từng có trước đây bởi xu hướng chuyển đổi năng lượng. (Ảnh: PV)

Cũng giống như phần lớn công việc trong ngành Than, đặc điểm công việc trong ngành nhiệt điện than có những tính chất đặc thù, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động. Đơn cử như đa số phải làm việc ca kíp nên thời gian nghỉ ngơi ít hơn, đồng thời phải trải qua môi trường làm việc khắc nghiệt, thường xuyên tiếp xúc với nguồn nhiệt, nguồn hơi có nhiệt độ cao, tiếng ồn, khói bụi, hóa chất…

Một đặc thù khác của lao động trong ngành nhiệt điện nói chung và trong ngành nhiệt điện than nói riêng, là lao động có chất lượng cao, đạt thu nhập ở mức trung bình cao. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dịch năng lượng, họ khó thể chuyển đổi sang các ngành năng lượng tái tạo bởi rào cản khác biệt về vị trí địa lý và chuyên môn, nghiệp vụ giữa việc làm trong lĩnh vực năng lượng hoá thạch và năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với những lao động kỹ thuật cao.

Là một lao động làm việc lâu năm, anh Vũ Đức Việt, Kíp trưởng lò máy Phân xưởng vận hành, Công ty CP Nhiệt điện Đông Triều – TKV, chia sẻ nhiều lý do khiến người lao động còn “e ngại” tìm kiếm cơ hội trong ngành năng lượng tái tạo. Đó là, lao động nhiệt điện than chưa được đào tạo kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp cho ngành năng lượng tái tạo mới. Trong khi đó, vị trí địa lý của các công việc ngành năng lượng tái tạo thường tập trung ở miền Nam Trung Bộ, không phù hợp với điều kiện gia đình hiện đang sinh sống. Nhiều lao động lớn tuổi còn có sức ỳ trước những thách thức khi phải đổi nghề nghiệp.

Anh Việt cho rằng xu hướng chuyển dịch năng lượng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới lao động trong ngành nhiệt điện than. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đối với lao động ở các nhà máy mới xây dựng, lao động sắp đến tuổi nghỉ hưu có thể ít hơn. Đối với những lao động trẻ và lao động ở các nhà máy điện đã hết khấu hao, hiệu suất kém, thiết bị cũ lạc hậu bắt buộc phải dừng, họ có thể phải đối diện với nguy cơ mất việc làm và mất thu nhập.

Cần giải pháp căn cơ, tổng thể và toàn diện cho người lao động trong lộ trình chuyển dịch năng lượng quốc gia. (Ảnh: PV)

Đứng trước nhiều thách thức, rủi ro chưa từng có trong quá khứ, phần lớn người lao động vẫn chưa được tiếp cận với các chính sách về chuyển đổi năng lượng công bằng. Họ cũng chưa nhận thức được hết những tác động trực tiếp và gián tiếp từ quá trình này đến cuộc sống và sinh kế hiện tại. Tuy vậy, người lao động vẫn luôn mong đợi, chính phủ sẽ có những cơ chế phù hợp để đảm bảo quyền lợi bị ảnh hưởng của lao động cũng như gia đình của họ.

Tìm kiếm việc làm mới, thay đổi nghề nghiệp và bắt đầu một sự nghiệp mới không hề là một quá trình dễ dàng, nhất là với những người có chuyên môn tốt trong ngành nhiệt điện than. Họ cần tham gia các khóa đào tạo và tự đào tạo để thích nghi với công việc mới, trong khi bản thân đã có một quá trình làm việc ổn định, có sức ỳ trong công việc, kiến thức cũng một phần mai một,…

Những thách thức này có thể còn tạo ra nhiều rào cản hơn với lao động nữ vì họ thường phải gắn với trách nhiệm nuôi dạy con cái, chăm lo nội trợ gia đình.

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về chuyển dịch năng lượng sẽ đặt ra vô vàn thách thức, rủi ro đối với ngành năng lượng hoá thạch. (Ảnh: PV)

Việt Nam cam kết có cơ chế hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng

Hiện, Việt Nam đang là một trong những quốc gia tốp đầu Đông Nam Á về chuyển dịch năng lượng, sau cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021. Tham vọng này tiếp tục được củng cố sau khi Việt Nam trở thành nước thứ ba, sau Nam Phi và Indonesia, thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP) với các nước trong và ngoài G7.

Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31/08/2023, trong đó nêu bật các nhiệm vụ trọng tâm về “bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng”.

Cụ thể, Đề án nêu rõ phải có cơ chế hỗ trợ an sinh xã hội cho các nhóm lao động chịu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm giải quyết các chế độ nghỉ hưu, chế độ với người gần đủ điều kiện nghỉ hưu, chế độ thất nghiệp, cùng với các chế độ khác tương ứng với mức độ bị ảnh hưởng về công việc và thu nhập.

Mục tiêu cần đạt được là đảm bảo chất lượng cuộc sống và sinh kế của người lao động, cũng như gia đình của họ, hậu chuyển dịch năng lượng. Theo đó, việc đảm bảo thực hiện chương trình về đào tạo, đào tạo lại cho các lao động bị ảnh hưởng đóng vai trò rất quan trọng và cấp thiết.

Chuyển đổi năng lượng xanh cần đảm bảo người lao động trong ngành nhiệt điện than không bị bỏ lại phía sau. (Ảnh: PV)

“Chuyển đổi năng lượng xanh là yêu cầu tất yếu của chính phủ Việt Nam, để người lao động trong ngành nhiệt điện than không bị bỏ lại phía sau, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, lộ trình chuyển đổi có chính sách đào tạo, chính sách an sinh xã hội cụ thể đối với các doanh nghiệp nhiệt điện than trong quá trình chuyển đổi năng lượng.”, ông Đỗ Đình Đạt, Phó phòng An toàn – Môi trường, Công ty Nhiệt điện Uông Bí, đề xuất.

Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ than Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tường, cũng nhấn mạnh, việc xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng để thực hiện Cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 là cần thiết. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ có tác động rất lớn tới đời sống kinh tế xã hội, an ninh năng lượng và người lao động nên cần phải có những giải pháp căn cơ, tổng thể, toàn diện và phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng thấu đáo, nhất là trong bối cảnh thực tại nước ta thuộc nhóm các nước đang phát triển, có nền công nghiệp và trình độ khoa học kỹ thuật tương đối thấp so với nhóm các nước phát triển và tiệm cận phát triển.

Logo chính thức của Hội nghị COP28 là biểu tượng hành tinh xanh miêu tả sự sống trên trái đất với các loại sinh vật và hiện tượng thiên nhiên. (Nguồn: cop28.com)

Hội nghị lần thứ 28 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12/2023 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023. Dự kiến sẽ có hơn 70.000 đại biểu, bao gồm cả Nguyên thủ quốc gia, Người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia, EU và hàng nghìn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan khác. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị COP28.

Tại Hội nghị này, vấn đề chuyển đổi năng lượng công bằng, trong đó đảm bảo những cộng đồng, lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quá trình này không bị bỏ lại phía sau, được xem là một trong những vấn đề nổi cộm.

Đọc thêm