Chuyển đổi xanh và tín chỉ carbon - Tương lai của kinh tế toàn cầu

(PLVN) - Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho thị trường carbon Việt Nam. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế, Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trong nền kinh tế xanh toàn cầu mà còn đang tiến gần hơn tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây không chỉ là cam kết về môi trường mà còn là cơ hội để xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững và hòa hợp với thiên nhiên.
Chuyển đổi xanh trở thành xu thế bắt buộc để bảo đảm sự tồn tại và phát triển bền vững của thế giới. (Ảnh minh họa: Getty Image)

Áp lực từ khí hậu và động lực toàn cầu

Chuyển đổi xanh không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành một xu thế bắt buộc để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của nhân loại. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu, từ các cơn bão lớn đến hạn hán kéo dài, các quốc gia và doanh nghiệp đang đẩy mạnh hành động vì một nền kinh tế xanh, trung hòa carbon.

Theo Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm nếu các quốc gia không nhanh chóng hành động. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 2024 cho thấy, các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh đã tăng lên mức 1,7 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 70% tổng đầu tư năng lượng toàn cầu. Những con số này nhấn mạnh rằng thế giới đang hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính và phát triển các ngành công nghiệp tái tạo.

Liên minh châu Âu (EU) đã dẫn đầu với Kế hoạch Xanh châu Âu, đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Tại Mỹ, các chính sách ưu tiên năng lượng tái tạo đã được tăng cường với các gói đầu tư hàng trăm tỷ USD. Trung Quốc, quốc gia thải nhiều CO2 nhất thế giới, cũng đang chuyển mình mạnh mẽ với cam kết đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.

Tín chỉ carbon đang nổi lên như một giải pháp tài chính hiệu quả trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Đây là đơn vị đo lường lượng khí thải mà một tổ chức có thể phát ra, với mỗi tín chỉ tương đương một tấn CO2 được giảm hoặc bù đắp. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đã đạt giá trị 850 tỷ USD vào năm 2024, tăng gần 40% so với năm trước. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam, đang được kỳ vọng trở thành trung tâm tiềm năng cho các giao dịch tín chỉ carbon nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các dự án năng lượng tái tạo và bảo tồn thiên nhiên.

Dấu mốc 2025 chính thức thí điểm thị trường carbon

Trong thập kỷ qua, các chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đã tập trung vào việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và xã hội. Cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, được đưa ra tại Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc, đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định quyết tâm đối phó với biến đổi khí hậu. Một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này là thúc đẩy phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đây không chỉ là công cụ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư vào các dự án xanh, như tham gia hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS) và các sáng kiến toàn cầu khác.

Các văn bản pháp luật và chính sách của Việt Nam đã từng bước định hình thị trường tín chỉ carbon, điển hình như Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết số 55-NQ/TW, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 06/2022/NĐ-CP,… Chính phủ đã đặt nền tảng pháp lý vững chắc để giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có mục tiêu giảm 563,8 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030. Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập thị trường carbon và phát triển cơ chế trao đổi quyền phát thải theo hướng đồng bộ. Dựa trên các quy định hiện hành, Việt Nam đã xác định lộ trình cụ thể: thí điểm thị trường tín chỉ carbon vào năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và chính thức triển khai sàn giao dịch carbon vào năm 2028. Các bước này thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Đáng chú ý, từ trước thời điểm này, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi xanh trong chiến lược phát triển dài hạn. Ví dụ như Tập đoàn Vingroup, với các dự án xe điện VinFast không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang các quốc gia phát triển. Tập đoàn này đã cam kết giảm lượng khí thải carbon trong toàn bộ chuỗi sản xuất, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào các nhà máy năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp - một trong những trụ cột kinh tế của Việt Nam - cũng đang áp dụng các mô hình canh tác bền vững, như việc sử dụng phân bón hữu cơ và phương pháp tưới tiết kiệm nước. Cụ thể, các mô hình canh tác bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao năng suất lúa gạo. Các sáng kiến này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.

Với diện tích rừng gần 15 triệu ha và khả năng hấp thụ carbon vượt trội, ngành Lâm nghiệp Việt Nam cũng sở hữu tiềm năng lớn để tham gia thị trường này. Ước tính giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam có thể cung cấp từ 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng, tương đương hàng chục nghìn tỷ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ trên thị trường quốc tế. Năm 2023, Việt Nam lần đầu tiên chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon từ rừng tự nhiên giai đoạn 2018 - 2024 cho Ngân hàng Thế giới với giá 5 USD/tấn CO2, thu về 51,5 triệu USD. Khoản tài chính này được sử dụng để hỗ trợ các tỉnh Bắc Trung Bộ bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế cộng đồng.

Nhiều doanh nghiệp tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh quốc gia. (Ảnh: VinBus)

Hành trang bền vững bước vào kỷ nguyên mới

Thị trường carbon đang mở ra một chương mới cho nền kinh tế Việt Nam, với tiềm năng to lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam không chỉ gia tăng nguồn thu mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp cụ thể, tạo cơ chế minh bạch và đồng bộ trong vận hành thị trường.

Một trong những bước đầu tiên là hoàn thiện khung pháp lý và quy định cụ thể cho thị trường carbon. Dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản, nhưng việc ban hành các hướng dẫn chi tiết về kiểm kê, thẩm định và báo cáo vẫn là thách thức lớn. Các doanh nghiệp cần biết rõ hạn ngạch phát thải và cách thức giao dịch tín chỉ carbon. Theo kinh nghiệm triển khai thành công thị trường này trên thế giới như tại Indonesia, EU cho thấy, Chính phủ cần xây dựng các công cụ đo lường, báo cáo và giám sát phù hợp với thực tiễn quốc gia. Đồng thời, việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực carbon là cấp thiết, rất cần sự hợp tác giữa Chính phủ và các tổ chức giáo dục nhằm xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho cả cán bộ quản lý và doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất lớn như ngành công nghiệp nặng cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm phát thải. Những công nghệ như sử dụng nhiên liệu thay thế, cải thiện hiệu suất năng lượng và thu giữ CO2 sẽ giúp giảm thiểu lượng khí nhà kính. Tuy nhiên, để thúc đẩy các giải pháp này, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, giảm chi phí đầu tư ban đầu và khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại.

Đối với các lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, khả năng phát triển tín chỉ carbon là rất lớn. Với tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, Việt Nam có thể tận dụng các dự án bảo tồn và trồng rừng để tạo ra hàng triệu tín chỉ carbon. Cùng với đó, việc áp dụng các phương pháp canh tác bền vững trong nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa, sẽ không chỉ giúp giảm phát thải mà còn tăng thu nhập cho người nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030, đồng thời thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo và kiểm định hiệu quả giảm phát thải.

Hơn hết, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và học hỏi kinh nghiệm. Các chương trình như ERPA tại Bắc Trung Bộ, nơi đã chuyển nhượng thành công tín chỉ carbon với Ngân hàng Thế giới, là minh chứng rõ ràng về tiềm năng to lớn mà thị trường này mang lại. Hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng giúp Việt Nam xây dựng được các tiêu chuẩn và công cụ đo đếm phù hợp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.