Quyết sách LEZ

(PLVN) - Thủ đô Hà Nội mỗi năm lại có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế Hà Nội hơn 6,5%, là địa phương dẫn đầu cả nước về tổng thu ngân sách nhà nước với hơn 500.000 tỷ đồng… Hà Nội như một “thỏi nam châm” thu hút người và xe. Nhưng mặt trái của sự tăng trưởng cũng ngày càng trầm trọng, chất lượng không khí nhiều ngày trong năm luôn ở mức ô nhiễm báo động.
Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP Hà Nội khoá XVI thông qua Nghị quyết 47.
Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP Hà Nội khoá XVI thông qua Nghị quyết 47.

Có thể mãi sống cảnh hít thở ngột ngạt với nhiều triệu xe cộ xả thải vô tội vạ hay không? Ngày 12/12/2024, tại Kỳ họp lần thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã có câu trả lời, khi đa số đại biểu đã bấm nút đồng ý thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn TP, có hiệu lực từ 1/1/2025. Hà Nội là địa phương đầu tiên tại Việt Nam thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường mang tính quyết liệt này, nhằm giành lại một Hà Nội thực sự xanh – sạch – đẹp, bảo vệ sức khỏe người dân.

Mặt trái của sự phát triển

Nhìn lại quyết định của HĐND TP, những ngày đầu năm 2025, trò chuyện với Báo PLVN, PGĐ Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Tấn đánh giá, đó là một quyết sách đúng đắn.

Hà Nội hiện quản lý hơn 8 triệu xe cộ, trong đó 1,1 triệu ô tô, 6,9 triệu xe máy.

Hà Nội hiện quản lý hơn 8 triệu xe cộ, trong đó 1,1 triệu ô tô, 6,9 triệu xe máy.

Ông Tấn dẫn chứng một số chứng cứ khoa học rõ ràng. Các kết quả quan trắc cho thấy, số ngày chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội ở mức kém và xấu chiếm hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vượt gần 2 lần quy chuẩn.

“Thủ phạm” chính làm ô nhiễm không khí, là các phương tiện giao thông vận tải. Đây là nguồn phát thải PM2.5 chiếm 58-74%, chưa nói tới vấn đề xả khí độc CO (carbon monoxide), gây bụi mịn PM10. Số liệu thu thập trong 6 tháng liên tiếp cho thấy xe máy là nguồn phát thải lớn nhất, tiếp theo là ô tô, xe tải hạng nặng, xe buýt, xe tải hạng nhẹ.

Cùng với việc người dân giàu lên, kinh tế - xã hội phát triển, số phương tiện tăng nhanh, ô nhiễm không khí càng nặng nề. Chỉ sau 5 năm (2018 – 2023), số ô tô đăng ký tại Hà Nội tăng gần gấp đôi. Tính đến tháng 4/2024, Hà Nội quản lý hơn 8 triệu xe cộ, trong đó 1,1 triệu ô tô, 6,9 triệu xe máy.

Có hai điều đáng lưu ý. Thứ nhất, có đến 72,58% trong số xe này đã sử dụng trên 10 năm, càng cũ càng xả thải nhiều. Thứ hai, ước tính còn cả triệu phương tiện đăng ký tại các tỉnh thành khác, nhưng đang lưu thông tại Hà Nội.

Trước thực trạng này, ngày 2/3/2024, UBND Hà Nội đã có Quyết định 1142/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP đến 2030, tầm nhìn 2035. Tuy nhiên ở thẩm quyền UBND TP, thì các giải pháp trong quyết định này vẫn chỉ được đánh giá là “giải quyết phần ngọn của vấn đề”.

“Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”

Để giải quyết tận gốc vấn đề, phải là một đạo luật. Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 28/6/2024, đã khơi thông quyết tâm phải bảo vệ môi trường Hà Nội.

Kỳ vọng Thủ đô, trái tim của cả nước, sẽ lại sớm xanh - sạch - đẹp từ quyết sách "dũng cảm" - Nghị quyết 47 (Ảnh: Nguyễn Thị Kim Thịnh).

Kỳ vọng Thủ đô, trái tim của cả nước, sẽ lại sớm xanh - sạch - đẹp từ quyết sách "dũng cảm" - Nghị quyết 47 (Ảnh: Nguyễn Thị Kim Thịnh).

Điều 28 Luật Thủ đô nêu rõ: “Quản lý, bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử Thủ đô”.

Lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật Việt Nam, xuất hiện khái niệm vùng phát thải thấp (tên tiếng Anh là Low Emission Zone - LEZ). Khoản 2 Điều 28 quy định HĐND Hà Nội có trách nhiệm “quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định LEZ; quyết định phạm vi LEZ, các biện pháp áp dụng trong vùng (...). Quyết định chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm”.

PGĐ Sở TN&MT Nguyễn Minh Tấn cho biết, LEZ là mô hình mang lại hiệu quả cao, được nhiều TP lớn trên thế giới áp dụng từ 1996. Bắt đầu từ Thụy Điển, mô hình LEZ đã được triển khai tại Đức, Hà Lan, Italia, Anh. Đến nay, LEZ đã được triển khai tại 320 TP. Các tổng kết cho thấy triển khai LEZ cùng chính sách giảm ùn tắc đã mang lại các lợi ích to lớn về nâng cao chất lượng môi trường không khí cho các TP áp dụng.

Không thể để ô nhiễm không khí gây hại cho Thủ đô lâu hơn, các cơ quan chức năng Hà Nội đã ráo riết vào cuộc. Dự thảo Nghị quyết về LEZ khi được lấy ý kiến người dân, ban đầu đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều, dư luận xôn xao. Nhưng đa số cử tri đều đánh giá tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã rất đáng báo động, phải có giải pháp xử lý căn cơ.

Ngày 12/12/2024, Nghị quyết 47/2024/NQ-HĐND được HĐND TP thông qua. Công việc bảo vệ môi trường ở Hà Nội đã chính thức bước lên một tầm cao mới, kỳ vọng hiệu quả hơn, nhưng chắc chắn cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn khi là địa phương “tiên phong” lập các LEZ.

Theo Nghị quyết 47, từ 2025 - 2030, TP sẽ thí điểm lập LEZ ở một số khu vực quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các quận huyện khác lập LEZ. Giai đoạn từ 2031, các khu vực trên địa bàn nếu có đủ các tiêu chí quy định sẽ thực hiện LEZ.

Không khí Hà Nội trong một ngày chất lượng xấu.

Không khí Hà Nội trong một ngày chất lượng xấu.

PGĐ Sở TN&MT Nguyễn Minh Tấn giải thích, LEZ là khu vực được xác định hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Mục tiêu là giảm phát thải chất gây ô nhiễm không khí; bảo vệ sức khỏe cộng đồng; cải thiện tình trạng giao thông tại khu vực/thời gian cụ thể; ưu tiên khuyến khích các phương tiện giao thông xanh.

LEZ áp dụng các biện pháp phù hợp đặc thù với địa phương, có thể sử dụng biện pháp kỹ thuật thực thi tự động (dựa vào công nghệ), và thực thi thủ công trên đường. Trong đó có việc lắp đặt các camera đọc, kiểm tra biển số xe để bảo đảm tuân thủ; cảm biến phát thải; hệ thống thu phí tự động dựa trên phát thải của phương tiện; đặt các điểm kiểm tra, xử phạt tại chỗ…

Vẫn biết sẽ còn bộn bề công việc để LEZ đi vào thực tế, nhưng với quyết tâm của Hà Nội, kỳ vọng Thủ đô, trái tim của cả nước, sẽ lại sớm xanh - sạch - đẹp từ quyết sách “dũng cảm” - Nghị quyết 47. Cũng từ sự việc này, càng thấy tầm nhìn của Hà Nội về vấn đề nâng cao chất lượng sống; phù hợp với quan điểm trong Quyết định 450/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050, là “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

UBND TP Hà Nội cho biết, tới đây sẽ triển khai nhiều chương trình cụ thể để khuyến khích người dân nơi thí điểm LEZ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh. Cụ thể, Hà Nội sẽ phối hợp các DN sản xuất để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào LEZ; nghiên cứu phương án giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, vốn vay mua xe mới để người dân sống tại LEZ chuyển đổi xe. Việc áp dụng phí và lệ phí với phương tiện gây ô nhiễm khi vào LEZ cũng sẽ được xem xét tính toán