Hệ thống M142 HIMARS. Ảnh: Wikimedia Commons
Theo hãng tin TASS, chuyên gia Alexey Sakantsev, sĩ quan dự bị tên lửa và pháo binh Nga, đánh giá lực lượng Nga có khả năng phá hủy chúng.
Ông nói: “Trong số tất cả các loại vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, M270 MLRS (hệ thống tên lửa phóng loạt) và M142 HIMARS (Hệ thống tên lửa cơ động cao) là những vũ khí nguy hiểm nhất hiện có của các lực lượng vũ trang Ukraine, có thể ảnh hưởng đến các hoạt động chiến đấu”.
Đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo rằng Anh sẽ gửi đến Ukraine các hệ thống tên lửa M270 kèm đạn có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 80 km. Quyết định này được đưa ra khi Mỹ cũng định chuyển giao các hệ thống M142 HIMARS và đạn dược cho Ukraine.
Hệ thống tên lửa M270 của Anh và M142 của Mỹ sử dụng các loại đạn cùng loại. Điểm khác biệt duy nhất là M270 là một phương tiện bánh xích, còn M142 HIMARS là một bệ phóng bánh lốp.
Ông Sakantsev nói các hệ thống tên lửa này giúp Ukraine có thể tấn công các mục tiêu ở gần tiền tuyến và hậu phương của đối phương. Ông nói: “Nếu các lực lượng vũ trang Ukraine có được tên lửa tầm xa nhất, họ sẽ có thể bắn một số sân bay, căn cứ quân sự của Nga và rất nhiều kho đạn, sở chỉ huy, các khu vực tập trung binh lính, cả hệ thống phòng không và pháo binh dù không ở vị trí mà ở tại các nơi bảo dưỡng, vận chuyển, chuẩn bị”.
M142 HIMARS của Mỹ có tính cơ động cao nhờ có bánh xe và có thể được ngụy trang thành xe tải, khiến việc phát hiện và phá hủy phức tạp.
Chuyên gia Sakantsev chỉ ra rằng Nga có thể chống lại các bệ phóng tên lửa của phương Tây bằng hệ thống tên lửa của mình. Ông nói: “Tất cả các loại đạn dược của các hệ thống này đều có thể bị phát hiện khi bay và bị phá hủy bởi các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga như S-300, S-350, S-400, Buk, Tor-M2, Pantsyr-S và Tunguska đang hoạt động trong quân đội và tham gia vào hoạt động quân sự đặc biệt”.
Tuy nhiên, lực lượng phòng không và phòng không tên lửa của Nga cần được tổ chức hợp lý để tấn công vũ khí của Mỹ vì tên lửa là những mục tiêu nguy hiểm và phức tạp hơn máy bay.
Chuyên gia cho rằng gây nhiễu tên lửa của các hệ thống M270 và M142 vốn được dẫn đường bằng tín hiệu GPS là không thực tế.
Ông nói rằng hệ thống tên lửa M270 và M142 là những vũ khí hiệu quả và cần được huấn luyện nghiêm túc mới có thể chống lại chúng.
Ông nhấn mạnh: “Theo suy nghĩ của tôi, điều tối quan trọng là phải phá hủy các hệ thống như vậy tại nơi đóng quân trước khi chúng chuyển sang vị trí khai hỏa và Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga có thể hoàn thành nhiệm vụ này. Trong một số trường hợp, nhiệm vụ này có thể giao cho các hệ thống Iskander-M và không gây rủi ro cho các phi công”. Ông Sakantsev nhấn mạnh rằng Nga cần phát triển hơn nữa khả năng phòng không của mình. Tất cả các biện pháp này sẽ khiến đối phương không thể thực hiện các cuộc tấn công quan trọng.
M142 HIMARS (Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao) là một hệ thống tên lửa phóng loạt có tính cơ động cao do Lockheed Martin phát triển. Bệ phóng có sáu ống tên lửa 227mm hoặc một tên lửa đạn đạo ATACMS (Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội) được đặt trên khung gầm sáu bánh nặng 5 tấn của FMTV (Dòng xe chiến thuật hạng trung).
Bệ phóng bắn hơn 20 loại đạn có tầm tấn công từ 30 km đến 80 km (đối với tên lửa) và 300 km trở lên (đối với tên lửa chiến thuật). Hệ thống đã được sử dụng ở một số quốc gia, như Mỹ, Singapore, UAE, Canada, Ba Lan, Romania và Jordan.
M270 MLRS cũng do Lockheed Martin phát triển. Bệ phóng được đặt trên bệ Bradley của Mỹ và bắn được khoảng 20 loại đạn. Nó có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 32 km đến 500 km. Hệ thống này đang phục vụ cho quân đội của 17 quốc gia.