Chuyên gia kinh tế nói gì về đề xuất “lạ” của Trung Quốc?

(PLO) - Trước kiến nghị cho thanh toán đồng Nhân dân tệ trực tiếp ở Việt Nam từ phia doanh nghiệp Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đề xuất “lạ” của Trung Quốc
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp Trung quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thanh toán đồng Nhân dân tệ (NDT) trực tiếp ở Việt Nam. 
Theo phía Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc và ICBC, nhu cầu giao địch thanh toán bằng NDT tại Việt Nam là khá lớn và tăng lên rõ rệt theo đà phát triển không ngừng của thương mại Việt - Trung nhưng hiện phương thức lưu thông NDT chưa được pháp luật Việt Nam quy định.
Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể mở rộng phạm vi sử dụng NDT tại Việt Nam hơn ở mức độ hợp lý, đồng ý cho ICBC thực hiện hợp tác về nghiệp vụ Nhân dân tệ với Ngân hàng thương mại Việt Nam (như BIDV) hiện đang thực hiện nghiệp vụ Nhân dân tệ (CNY).
Theo 2 cơ quan này, tại thị trường biên mậu Việt - Trung, cuối năm 2013, ước tính kim ngạch thanh toán bằng Nhân dân tệ đã đạt khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, đa số giao dịch thanh toán biên mậu bằng Nhân dân tệ nói trên được thực hiện ở Việt Nam thông qua con đường không chính ngạch.
"Nếu thị trường thanh toán Nhân dân tệ từ biên giới được mở rộng đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, thì Ngân hàng Nhà nuớc Việt Nam có thể quản lý giám sát nguồn vốn này một cách có hiệu quả. Đồng thời có thể tăng cường đóng góp trong việc thu thuế cũng như công tác phòng, chống rửa tiền", kiến nghị cho biết. 
Kiến nghị cũng cho biết, hiện tại đã có ngân hàng của Việt Nam thực hiện nghiệp vụ đổi CNY-VND nhưng chưa có ngân hàng Trung Quốc được thực hiện nghiệp vụ này. Theo đó, nếu đồng tiền thanh toán thương mại từ đồng USD... được thay bằng NDT chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu.
Trên thực tế, kể từ khi Hồng Kông trở thành thành phố đầu tiên ngoài Trung Quốc cho phép các ngân hàng địa phương có thể chấp nhận tiền gửi bằng đồng NDT vào năm 2004. Trung Quốc đã nỗ lực không ngừng để thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa đồng NDT với mục tiêu trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới.
Chuyên gia kinh tế nói gì?
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hệ thống hoán đổi tiền tệ trực tiếp này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa TQ và những nước này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng tiền của hai bên trong các hoạt động thương mại và đầu tư song phương. Đồng thời, thúc đẩy các nước đối tác mua hàng xuất khẩu của TQ và nhận tín dụng bằng NDT. Ngoài ra cũng không loại trừ yếu tố chính trị.
Theo TS. Kiêm, việc sử dụng đồng NDT trong quan hệ thanh toán song phương VN – TQ cần được xem xét dưới nhiều góc độ, một là độ tin cậy và sức mạnh của đồng NDT và hai là sức đề kháng của kinh tế VN.
Cán cân thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Cán cân thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc. 
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Bao giờ đồng NDT có thể chuyển đổi được ra vàng hay USD, hay EURO thì đó lại là chuyện khác. Bối cảnh hiện nay, NDT chưa làm được điều đó nên chúng ta sẽ phải chờ thêm.
Thậm chí, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị thanh toán bằng NDT tại Việt Nam chính là vi phạm chủ quyền của Việt Nam: "Đề nghị này của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một đồng tiền của Việt Nam là Việt Nam đồng, còn tất cả những đồng tiền khác đều phải chuyển đổi sang đồng tiền của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta không cho phép lưu hành song song một đồng tiền nào khác" - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ quan điểm với Một Thế Giới.
Theo ông Doanh, hiện nay NHNN đã dần dần thu hẹp phạm vi cấp tín dụng bằng đồng đô la và đã nghiêm cấm việc sử dụng vàng, cho nên đề nghị này của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc là không thể chấp nhận được.
"Phía Trung Quốc lập luận rằng ở biên giới Việt - Trung đã sử dụng rộng rãi đồng Nhân dân tệ nên bây giờ kiến nghị Việt Nam cho phép thanh toán bằng đồng tiền này thì tôi cho rằng NHNN và các tỉnh biên giới cần phải có một câu trả lời rõ ràng là tại sao lại có thể có giao dịch lên đến 15 tỷ USD bằng đồng Nhân dân tệ ở biên giới được? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?" - ông Doanh nhấn mạnh.
Một vấn đề khác mà chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra là hiện nay Việt Nam đang nhập siêu rất nặng từ Trung Quốc. Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam còn có hy vọng để trả cho Trung Quốc, ví dụ như Việt Nam có thể kiếm được đồng USD từ việc xuất khẩu sang Mỹ, sang Nhật... Nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ thì Việt Nam chỉ có một cách là vay của Ngân hàng Trung Quốc. 
"Tức là ngoài nhập siêu, chúng ta còn phụ thuộc thêm về mặt tài chính đối với Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại, cần phải xem xét kỹ" - ông Doanh nói
Về mặt pháp lý, theo TS. Phan Minh Ngọc, NHNN đã có Quyết định số 11/VBHN-NHNN ngày 21/5/2014 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. 
Theo đó, kiến nghị trên là không chính xác khi nói “phương thức lưu thông NDT chưa được pháp luật Việt Nam quy định”. Với quy định này thì không phải là “pháp luật Việt Nam chưa có quy định” (về phương thức lưu thông NDT), mà chính xác ra thì pháp luật Việt Nam đã có quy định cụ thể chỉ cho phép lưu thông NDT một cách hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam.
Do đó, chuyện đa phần trong số 15 tỷ USD kim ngạch thanh toán biên mậu bằng NDT nêu trên được thực hiện thông qua con đường không chính ngạch là do (một số) lý do khác nào đó chứ không phải là do pháp luật Việt Nam chưa có quy định về lưu thông NDT. 
Nói cách khác, sẽ là không xác đáng khi các tổ chức trên vin vào lý do nếu cho phép NDT (tự do) lưu thông trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (ngoài khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc) thì NHNN sẽ hạn việc thanh toán biên mậu không chính ngạch nói riêng, và/hoặc quản lý giám sát được một cách hiệu quả việc thanh toán biên mậu nói chung./.

Đọc thêm