Theo Tổng Giám đốc (TGĐ) Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Tá Tùng, đây là bước đệm để cổ phần hóa 2 Cty này trong năm 2015. Năm 2015, ngành đường sắt xác định là một năm đột phá về tái cơ cấu nhằm tăng năng lực cạnh tranh, tăng thị phần và thu nhập cho người lao động…
Ảnh minh họa |
“Thành công lớn nhất của năm 2014 không phải là mái che, cầu vượt, là tăng doanh thu hay tăng thu nhập của người lao động…, mà đó chính là tư duy. Chúng ta đã làm được nhiều việc mà đầu năm không nghĩ là sẽ làm được…”- ông Phạm Công Trịnh, Phó TGĐ VNR đúc kết.
Quan trọng nhất, theo lãnh đạo VNR, đó là đã định hình được mô hình phát triển và bước đầu đã thực hiện xắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp trong Tổng Cty, và lớn hơn tất cả là hơn 3 vạn cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt đã tin tưởng, đã có niềm tin trong đổi mới và đóng góp công sức vào sự phát triển chung.
“Từ mục tiêu, đề xuất ý tưởng, từ đó bàn cách làm chứ không phải bàn có làm được hay không, bởi đó là sự sống còn của đường sắt!”- ông Trịnh quả quyết. Ông cũng lưu ý, những ý tưởng này không phải chỉ từ ban lãnh đạo mà cả từ đội ngũ cán bộ, công nhân viên.
Năm 2014 khép lại với ngành đường sắt, nói như Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông tại Hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của VNR, là năm chuyển động và thay đổi về nhận thức và tư duy con người của khối đường sắt nói chung và VNR nói riêng.
Theo ông Đông, ngành đường sắt đã nhận thức tốt hơn vai trò, khó khăn, thách thức của ngành và thể hiện quyết tâm thực hiện các mục tiêu đã đề ra và bản thân ông cũng thừa nhận là hồi đầu năm, ông cũng không tin là sự phát triển của ngành đường sắt lớn như vậy: Doanh thu tăng 4,6%, trong đó doanh thu vận tải tăng 11%; quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt tăng 6% so với năm 2013; hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách 1.100 tỷ đồng; lợi nhuận 180 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2013; thu nhập bình quân người lao động tăng 7,5% (đạt 6,6 triệu đồng/người/tháng) so với năm 2013, trong đó khối vận tải tăng 12,04%, khối quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt tăng 2,14%...
Dấu ấn tái cơ cấu
Cũng chính từ nhận thức đổi mới là sự sống còn của mình, năm 2014 VNR đã ghi dấu ấn trong công tác quản trị doanh nghiệp (DN), tái cơ cấu DN. Theo ông Trịnh, ngành đường sắt đã có sự đổi mới đột phá trong tư duy kinh doanh, theo định hướng khách hàng với phương châm “An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả”, lấy sự hài lòng của khách hàng là thước đo chất lượng dịch vụ của Tổng Cty.
Nhờ áp dụng Biểu đồ chạy tàu mới, tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ tăng cao, riêng tàu khách Thống Nhất đến ga đúng giờ đạt xấp xỉ 100% trong quí 4 năm 2014. Tai nạn giao thông đường sắt giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.
Đặc biệt, với việc chính thức khai trương Hệ thống bán vé điện tử ngày 21/11/2014 đã tạo sự thuận tiện cho hành khách khi mua vé tàu. Hành khách có thể “Mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi” thông qua kết nối internet, chấm dứt cảnh nằm chờ, xếp hàng để mua vé như những năm trước…
Đặc biệt, công tác tái cơ cấu cũng đã được thực hiện một cách mạnh mẽ, khẩn trương, quyết liệt. Bộ máy lãnh đạo từ cấp Tổng Cty đến các đơn vị được đổi mới, sắp xếp lại tổ chức khối vận tải từ 4 đơn vị trước đây (2 Cty vận tải hành khách, 1 Cty vận tải hàng hoá và Liên hiệp sức kéo) còn 2 Cty vận tải và 2 đơn vị này sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Cty TNHH MTV kể từ 1/1/2015 tới đây. VNR cũng đã thoái vốn 5/13 Cty đúng quy định, công khai, minh bạch với giá trị thoái vốn tại các Cty đều cao hơn giá sàn khởi điểm; 8/13 Cty đang thực hiện quy định điều chỉnh phương án thoái vốn để phù hợp với điều kiện thực tế quản lý sản xuất kinh doanh của Tổng Cty cũng như nguyện vọng của CB, CNV tại các Cty…
Theo kế hoạch, trong năm 2015, VNR sẽ hoàn thành công tác thoái vốn đợt 1 tại 8 Cty (trước 31/3) và thoái vốn đợt 2 tại 14 Cty (trước 30/6); hoàn thành cổ phần hóa Cty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An (trước 30/9); Cty TNHH MTV Xe lửa Gia Lâm, 2 Cty TNHH MTV Vận tải đường sắt: Hà Nội và Sài Gòn và 20 Cty TNHH MTV Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (trước 31/12). “Chúng tôi khẳng định một điều là không ai làm thay VNR và VNR không thể làm một mình nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan… - Phó TGĐ Phạm Công Trịnh quả quyết.
“Với việc chuyển đổi 2 Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn thành Cty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn do Tổng Cty nắm giữ 100% vốn điều lệ và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2015, về hình thức tách bạch giữa vận tải và hạ tầng, DN chủ động kế hoạch kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt và thống nhất trong điều hành. Dù cổ phần hay hạch toán độc lập thì an toàn chạy tàu vẫn là yêu cầu hàng đầu…”- TGĐ Tùng khẳng định.