Chuyên gia nói gì sau 'tiếng súng cải cách' của Bộ Công thương?

(PLO) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trao đổi xung quanh sự kiện Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mới ký quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (ĐKKD).
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Thưa bà, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký Quyết định ban hành phương án cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Bà có đánh giá như thế nào về việc làm này?

- Tôi hết sức vui và mừng, bởi sau thời gian dài, VCCI cùng rất nhiều cơ quan nghiên cứu khác, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận và báo chí lên tiếng thì Bộ Công thương đã "nổ phát súng" đầu tiên. Tôi tin rằng các doanh nghiệp cũng rất hào hứng.

Nhiều năm nay, các ĐKKD đã ăn mòn sức lực và tâm huyết của các doanh nghiệp, việc làm này của Bộ trưởng Bộ Công thương đã mở đường cho doanh nghiệp phát triển. Tất nhiên quá trình thực hiện còn rất vất vả, còn liên quan đến các Bộ khác còn phải trao đổi, bàn bạc cùng nhau thực hiện nhưng việc làm đó hết sức có ý nghĩa.

Tuy nhiên, các giấy phép kinh doanh của Bộ Công thương vẫn còn rất nhiều, hơn 500 giấy phép. Như vậy, nên tiếp tục xem xét và bãi bỏ đi những giấy phép không hợp lý và không thực sự cần thiết. Bộ Công thương hiểu rõ hơn những bộ khác là hiện nay khó khăn của kinh tế Việt Nam trong việc tiêu thụ hàng hóa là như thế nào?. Chiều nhập khẩu quá dễ, nhập siêu càng ngày càng tăng, sức ép của các nước tràn vào Việt Nam, cạnh tranh trên thị trường nội địa cực kỳ lớn, nhưng khả năng xuất khẩu ra ngoài càng ngày càng khó khăn hơn, càng bị siết chặt hơn. Cho nên phải mở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì mới phát triển được. Nếu không cứ trói doanh nghiệp, chính Bộ Công thương cũng phải chịu trách nhiệm về việc góp phần làm cho nền kinh tế bị trì chệ.

Nhiều người hồ hởi khi Bộ Công thương có những quyết định đúng đắn, liên tiếp tiếp từ bỏ quy định thương nhân xuất khẩu gạo, đến nay là hơn 675 ĐKKD đặc thù. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, "có vấn đề" trong việc quản lý nhà nước khi có quá nhiều điều kiện phải cắt giảm như vậy?

- Câu trả lời là: Nếu trở lại thì phải tự thấy là mình có lỗi trong việc đó, làm sao mà đã "đẻ" ra quá nhiều điều kiện như vậy, để đến bây giờ phải thúc đẩy cắt đi. Việc cắt đi như thế này cũng có sự tác động mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội… và sức ép từ trên. Từ năm 2014 đến giờ năm nào Thủ tướng cũng có 1 Nghị Quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và trong Nghị quyết 19/NQ-CP đó, Điểm số 1 vẫn là tháo gỡ rào cản về mặt phép tắc thế mà vẫn duy trì bao nhiêu lâu nay. Cần xem xét sau này đừng "đẻ" tiếp các ĐKKD nữa, bởi vì cũng từng có trường hợp như: Luật năm 1999, nhà nước đã cắt bỏ hơn 200 giấy phép nhưng sau đó các ngành các bộ khác nhau khôi phục nó và làm nó tăng lên rất nhiều lần so với con số cắt giảm đi.

Bà có tin rằng, mọi việc sẽ được thực hiện như cam kết?.

- Tôi tin rằng đây là cam kết nghiêm túc, kết quả này là bước đầu, nhưng quan trọng vì Quyết định đưa ra mục đích rõ ràng, phương án cụ thể. Thực tiễn cho thấy trong hơn 1 năm qua, Bộ Công thương cũng đã đi đầu trong gỡ bỏ rào cho doanh nghiệp, như bãi bỏ quy định về kiểm tra formaldehyt với các sản phẩm dệt may, bãi bỏ quy định về dán nhãn năng lượng với các sản phẩm sử dụng năng lượng… Và để tạo lòng tin cho người dân, tôi tin là Bộ Công thương sẽ thực hiện tốt những điều mình cam kết.

Sau Quyết định “lịch sử’ của Tư lệnh ngành Công thương, bà dự liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với các đề xuất cắt bỏ hơn 2.000 điều kiện kinh doanh mà Bộ kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ?

- Đề xuất của Bộ kế hoạch và Đầu tư là trên cơ sở cùng làm việc với VCCI, với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lắng nghe ý kiến của người ta để đưa ra yêu cầu cắt giảm đó, Bộ Công thương là Bộ đầu tiên đang thực hiện. Tôi nghĩ các nơi khác sẽ làm tiếp thôi, tuy nhiên từ điển hình của Bộ Công Thương này, việc làm đi đầu này sẽ tạo động lực hoặc sức ép buộc các bộ khác làm cùng và không có lý do gì để chần chừ thêm nữa. Các doanh nghiệp Việt Nam và cả nền kinh tế cũng không thể chờ đợi hơn nữa.

Đây mới là bước đầu, thế giới thông qua WTO đã có hiệp định về thuận lợi hóa thương mại, bây giờ cả thế giới đặt vấn đề môi trường chung phải tạo thuận lợi, mình vẫn chỉ lẹt đẹt ở gỡ rào cản. Vậy, trước mắt phải gỡ rào cản nhưng trong khi gỡ dào cản thì cái gì tạo thuận lợi được thì nên cố gắng tiếp.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bộ Công thương vừa ra quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng. Tổng số điều kiện kinh doanh mà các đơn vị tiến hành rà soát là 1.216 trên 27 ngành, nghề, chưa tính đến ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28. Như vậy, sau khi cắt giảm, số điều kiện kinh doanh trong ngành công thương còn lại là 541.

Trước đó, vào tháng 10/2016. Bộ Công thương cũng tiến hành một đợt cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo quyết định số 4846, gồm: bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục, tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công thương”.

Đọc thêm