Chuyên gia y tế 'mách' người dân cách tự bảo vệ trước biến chủng siêu lây nhiễm Delta

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ trong vài tháng, Delta đã trở thành chủng virus thống trị đại dịch ở gần như mọi lục địa trên thế giới vì tốc độ siêu lây nhiễm và nguy hiểm của nó.
Ảnh minh họa: Getty
Ảnh minh họa: Getty

Delta nguy hiểm ra sao?

Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Delta là một biến chủng được thay đổi cấu trúc di truyền trên 200% so với biến chủng gốc xuất phát từ Vũ Hán. Ngay cả những địa phương ở nước ta, mặc dù đã được chuẩn bị kịch bản kĩ lưỡng cũng không lường trước được những khó khăn trong công tác phòng chống dịch, bởi tốc độ lây lan của biến chủng Delta là khủng khiếp.

“Về cơ bản, những triệu chứng của bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta chưa có nhiều biểu hiện khác so với biến chủng cũ nhưng các diễn biến lâm sàng của nó lại nhanh hơn rất nhiều. Nếu như trước khi thời gian ủ bệnh lâu thì với biến chủng Delta lại nhanh hơn, gây nên việc phát tán bệnh trong ổ dịch nhiều và tăng mạnh”, bác sĩ Cấp cho biết thêm.

Người dân cần phải bảo vệ mình như thế nào?

Để giúp người dân bảo vệ mình và người xung quanh tốt hơn trước biến chủng siêu lây nhiễm này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, con đường lây truyền chính của virus SARS-CoV-2 là qua giọt bắn, khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Theo đó, virus sẽ bay trong không khí với khoảng cách dưới 2m. Nếu đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trên 2m thì tỉ lệ lây nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: truyenhinhthanhhoa)

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: truyenhinhthanhhoa)

“Không những vậy, khi chúng ta to, hắt hơi cũng làm vấy bẩn bề mặt và bàn tay nên việc vệ sinh bề mặt và bàn tay là quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc lây nhiễm qua bề mặt khá hạn chế so với việc lây qua đường hô hấp, tuy nhiên vẫn xảy ra. Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo về việc người dân nên hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, hoặc nếu cần thiết phải đảm bảo được việc phòng tránh lây nhiễm bằng việc rửa tay sát khuẩn thường xuyên”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, liên tục có những ổ dịch mới như hiện nay, bác sĩ Cấp cho rằng không chỉ người dân ở ngoài cộng đồng mà ngay cả những người ở trong khu cách ly tập trung cũng cần thực hiện nghiêm túc thông điệp 5k và giữ khoảng cách trên 2m.

Theo bác sĩ Cấp, không phải cứ ở trong khu cách ly là chúng ta sẽ không lây lan được cho người khác. Ngay kể cả ở trong phòng, người cách ly cũng cần phải đeo khẩu trang, hạn chế giao lưu giữa người với người, phòng này với phòng khác, đây cũng là việc cần thiết nhằm hạn chế việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Đối với việc khám sàng lọc, giữ khoảng cách càng quan trọng hơn. Khi người khám lấy mẫu sẽ phải bỏ khẩu trang. Như vậy việc virus ở trong không khí lây lan ra những người xung quanh rất cao. Do đó cần thực hiện đúng quy định giãn cách và tuyệt đối không tụ tâp đông người, nếu không sẽ càng khó khăn hơn cho ngành Y tế trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh.

“Tôi mong muốn mọi người hãy tham gia xét nghiệm sàng lọc đầy đủ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền tuân thủ tốt cách quy địch về cách ly để không làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nêu thêm.

Đọc thêm