Chuyện giờ mới kể của “Cô gái xấu xí” Ngọc Hiệp

(PLO) - Gai góc và thẳng thắn, dám nghĩ dám làm, chắc tay trong quản lý cuộc sống của mình là những gì mà khán giả màn ảnh nhỏ ngày nào còn chưa biết về “cô gái xấu xí” Ngọc Hiệp. 
Chuyện giờ mới kể của “Cô gái xấu xí” Ngọc Hiệp
Một tuổi thơ ngổ ngáo, lì đòn
Đã rời xa màn ảnh lâu như vậy mới quay trở lại trong phim điện ảnh “Đoạt hồn”, chị có ngỡ ngàng hoặc khó khăn khi vào vai Diệp?
- Ngọc Hiệp vốn được  đào tạo và tốt nghiệp khoa diễn viên thì việc trở lại với công việc của mình không có gì trở ngại hay ngỡ ngàng. Hiệp quá buồn cười vì tại sao bạn đặt câu hỏi như vậy? Hiệp đã được đào tạo để làm diễn viên chứ không phải một nghề nào khác. Chỉ có là niềm vui khi lại được sống trong không khí của trường quay và làm đúng nghề của mình thay vì chỉ làm đạo diễn,  nhà sản xuất. Hiệp hạnh phúc vì được trở lại nhưng vẫn không bỏ những nguyên tắc cơ bản là chọn lựa: Kịch bản hay và đạo diễn tốt.
Vào vai Diệp, vợ ông Vương (Trần Bảo Sơn) trong phim kinh dị Đoạt hồn, Ngọc Hiệp nói chưa có bộ phim nào có thể khiến chị run lên vì sợ.
Vào vai Diệp, vợ ông Vương (Trần Bảo Sơn) trong phim kinh dị Đoạt hồn, Ngọc Hiệp nói chưa có bộ phim nào có thể khiến chị run lên vì sợ. 
Phái nữ nhiều người sợ phim kinh dị lắm. Bản thân chị, nếu có một mình, chị có dám xem phim kinh dị không? 
- Là chị hai, mẹ muốn tôi đương đầu với những tình huống, mọi việc chỉ giải quyết một cách độc lập theo cách nghĩ của riêng mình…Tôi không có khoảng thời gian nhõng nhẽo hoặc dựa vào ai đó để khóc hay than thở. Mặc dù có lúc tôi cũng sợ hãi muốn bấu víu vào người lớn… 
Từ rất bé, mẹ tôi đã có những việc quá khắc khe với tôi để khống chế nỗi sợ của mình. Bà thường bắt tôi đi lần mò trong bóng đêm ở khu nhà hoang nhiều tầng, tôi đi từ tầng này đến khác mà không có đèn chỉ có ánh sáng của sao đêm để tìm em trai khi nó đi chơi quá giờ. Hay khi nhà cúp điện bà bắt tôi đến phòng thờ lớn để tìm hộp quẹt đèn cầy và thắp đèn lên cho cả nhà. Mẹ thường bắt cả nhà đi ngủ sớm và tắt tất cả đèn khi ngủ, nếu khuya muốn đi vệ sinh thì tự lần mò mà đi… 
Cảm giác ngồi trong nhà vệ sinh đối diện với chiếc gương và nhìn thấy chính mình thì rất kinh khủng… Mẹ không cho phép tôi bỏ cuộc bất cứ việc gì mà chưa hoàn thành …Tuổi thơ tôi trải qua nhiều thử thách, tôi lớn lên và dần dần thành dạng người ít biết sợ, ngổ ngáo, lì đòn, thích mạo hiểm, khám phá và đặc biệt là lì lợm. 
Tôi thích tìm xem các phim kinh dị để tìm cảm giác, với tôi đó là điều thú vị và thú thật tôi vẫn chưa tìm được phim có thể làm tôi có thể run lên vì sợ. Do đó, việc đóng phim kinh dị là một vấn đề khó khăn để nhập vai. Tôi quá bình tĩnh trong các tình huống sợ hãi đến nỗi đạo diễn phải nói: Chị phải làm cho người xem có cảm giác sợ hơn cả nhân vật chị đang sợ. Tôi cố gắng để trở nên yếu đuối, kinh hãi nhưng trong phim tôi cũng có một số cơ hội chứng tỏ sự kiên cường của người mẹ trước nỗi sợ để bảo vệ con mình.
Nhân vật Diệp trong Đoạt hồn được biết như một người phụ nữ giấu giếm hết mọi sự thật có thể làm hại đến gia đình. Bản thân chị ngoài đời sẽ lựa chọn điều gì? Sự thật đau lòng hay giấu nhẹm đi để mọi thứ được êm đẹp?
- Diệp là dạng phụ nữ sống khép kín nên gia đình thứ cô vô cùng yêu quí và trân trọng hơn cả bản thân mình. Diệp dám vượt qua nỗi sợ để bảo vệ những người thân của cô và nếu nói dối để đạt dược điều đó thì cô cũng sẵn sàng.
Còn tôi, tôi nhìn cuộc đời đâu đến nỗi đau khổ như vậy? Tôi không đặt cuộc sống của mình vào suy nghĩ của nhân vật vì như thế tôi sẽ sống bao nhiêu cuộc sống đây. Tôi cũng không tự cho mình những câu hỏi không thể trả lời, vì cuộc sống của tôi đâu phải là kịch bản có đoạn kết mà ngay cả tôi cũng không biết kết thúc là thế nào?
Tôi không mù quáng theo đuổi đam mê
Trong 27 năm gắn bó với điện ảnh, gia tài 20 phim của chị được xem là ít so với bạn bè. Không những thế chị còn tham gia sang lĩnh vực sản xuất và đạo diễn. Có phải diễn xuất không còn là niềm đam mê lớn nhất của chị?
- Diễn xuất với tôi là đam mê duy nhất nên tôi mới theo học và làm việc kiên trì, say sưa, không mệt mỏi với nó. Nhưng tôi khác biệt ở chỗ luôn trân trọng đam mê của mình và biết chọn lựa. Tôi không theo đuổi đam mê một cách mù quáng mà không chọn lọc, tôi biết khả năng mình đến đâu và biết dừng khi cần thiết.
Chị có thấy một chút tiếc nuối khi Ngọc Hiệp không còn là một tên tuổi nóng trong làng điện ảnh và với khán giả như thời điểm sau thành công vang dội của bộ phim truyền hình “Cô gái xấu xí”?
- Tại sao bạn luôn đặt những câu hỏi bi quan như vậy? Tôi có gia đình, có bạn bè, có đồng nghiệp, có học trò của mình và công việc của tôi quá nhiều, nhiều đến mức để có thể hoàn thành đã là điều hạnh phúc. Tôi sống và làm việc vậy là quá tốt rồi. Mỗi giai đoạn của cuộc đời đều có những thăng trầm nên giai điệu cuộc sống của tôi không tẻ nhạt, đầy húng thú và bao gồm cả stress. Tôi nghĩ. đừng vì chút hào quang hay hư danh để rồi chạy theo nó … Điều đó không lâu dài, không đáng.
Những ngày đầu tiên đóng phim đã đến với chị như thế nào? Liệu cảm xúc ấy còn nguyên vẹn đến ngày nay?
- Ngày đầu tiên, lần đầu tiên đóng phim với tôi cảm xúc rất mới mẻ, bỡ ngỡ… Tôi nghiệm ra một điều học vẫn tốt nhưng thực tế cuộc sống là bài học rất lớn, chân thật nhất. Đến hôm nay, tôi đã có kinh nghiệm của mình nhưng cảm xúc đầu thì không bao giờ lặp lại. 
Chúng được gọi là ký ức – tôi vẫn giữ và nhớ về ký ức đẹp của mình trong những trang nhật ký diễn viên như sau: “Hôm nay là ngày quay cuối cùng, tôi biết tôi sẽ không bao giờ còn là nhân vật này nữa, không còn mặc lại bộ đồ hay gặp lại mọi người làm việc cùng nhau và tôi sẽ không còn bé bỏng như hôm nay”. Tôi khóc. Sau này tôi có dịp gặp lại những người cùng làm việc trước đây nhưng không khí, tình cảm đã khác xưa nhiều, rất nhiều.
Không ép nhau phải sống nhún nhường
Nhiều người nói khi người phụ nữ có gia đình, họ sẽ ưu tiên cho gia đình hơn là sự nghiệp. Chị có nghĩ mình rơi vào trường hợp này?
- Khi sắp kết hôn thì cả hai vợ chồng đều hoạt động nghệ thuật. Chồng tôi cũng là thầy của tôi. Anh ấy nói rằng “phải có sự hy sinh”, tôi còn hỏi rất ngây thơ “ vì sao?”.
Vì thời chúng tôi nếu cùng làm nghệ thuật thì sẽ rất khó khăn về kinh tế. Chồng tôi chuyển nghề. Anh học ngoại ngữ và thành hướng dẫn viên du lịch. Đó là lý do tôi phải yêu và quý trọng gia đình mình nhiều hơn mọi thứ. Chồng tôi luôn chăm lo mọi việc để tôi tập trung cho sự nghiệp và tôi thì không vì quá coi trọng công việc mà quên gia đình. Vậy là tôi trở thành người phụ nữ may mắn có thể lo toan cả hai thứ.
"Tôi và chồng luôn bày tỏ quan điểm và luôn bất đồng" - Ngọc Hiệp thẳng thắn.
"Tôi và chồng luôn bày tỏ quan điểm và luôn bất đồng" - Ngọc Hiệp thẳng thắn. 
Trong 22 năm kết hôn xin hỏi thật, không biết có lúc nào cơm không lành canh không ngọt? Hai anh chị thường xử lý những bất đồng quan điểm hoặc sự thiếu hòa hợp như thế nào?
- Cá nhân là cá nhân làm sao có thể hòa hợp. Chúng tôi không hợp nhau rất nhiều điểm nên không gượng ép người này sống nhún nhường vì người kia để rồi cam chịu lặng lẽ, không có hạnh phúc. Tôi và chồng luôn bày tỏ quan điểm và luôn bất đồng, vậy là im lặng một thời gian ngắn rồi lại cùng nói về quan điểm… Tôi lại bất đồng khi thì trên bàn ăn, trong phòng ngủ, lúc đi nhậu, lúc dạy con, lúc xem tivi... ngay cả việc nuôi thú cưng cũng vậy. Luôn luôn có chuyện để nói, để cãi nhau. Vui mà. Thật tệ, nếu như một ngày nào chúng tôi không còn gì để nói với nhau, mỗi người theo đuổi thế giới riêng của mình, chẳng ai hiểu ai nữa, không còn chia sẻ, cảm thông
Người ta cũng nói về những cột mốc "nguy hiểm" 3 năm, 5 năm và 7 năm sau hôn nhân, thậm chí là 15 năm. Chị có vướng vào những thời điểm “nguy hiểm” này?
- Tôi chưa tham khảo ý kiến này nhưng chẳng tìm hiểu để làm gì vì với tôi không thực tế. Theo kinh nghiệm riêng, tôi chỉ hiểu không có cột mốc chính xác nào cho hôn nhân cả, tôi cảm thấy mỗi ngày những mầm mống nguy hiểm đều có thể xảy ra cho cuộc sống vợ chồng. Một tin nhắn hay một lời nói, cử chỉ hiểu sai cũng làm nên sóng gió. Nên chúng tôi sống và dành tình cảm cho nhau nhiều hơn khi có những phút giây vui vẻ.
Lạc quan và làm chủ cuộc sống
Chị từng chia sẻ trên báo rằng bé Như Quỳnh chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Chị có từng muốn quản lý con cái chặt hơn và đòi hỏi con làm một số điều mà mình muốn? Quan điểm của chị trong việc nuôi dạy con cái tự do đến đâu và quản lý/ định hướng đến đâu?
- Tôi nghiêm khắc với con mình khi Quỳnh được 10 tháng tuổi cho đến lúc 18 tuổi. Sau đó, tôi không quản lý chặt cuộc sống của con mà chỉ đưa ra ý kiến và dẫn dắt con đi đúng hướng. Tôi nghĩ,quan trọng để con mình tin tưởng vào sự góp ý của cha mẹ hơn cả bạn bè. Dạy con ở thế chủ động, làm chủ bản thân, tự lo việc học, vì theo tôi những người như vậy sẽ ít bị người khác lôi kéo theo ý tưởng của ai đó mà ngược lại. Việc chọn trường để học cấp ba là tự do của Quỳnh, em phải tự học không đi học thêm, tự biết bản thân để đừng quá ảo tưởng về khả năng của mình. 
Gia đình Ngọc Hiệp - Thanh Danh và cô con gái Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong một chuyến du lịch nước ngoài.
Gia đình Ngọc Hiệp - Thanh Danh và cô con gái Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong một chuyến du lịch nước ngoài.  
Con tôi không bị ảnh hưởng của phương Tây, chỉ là Quỳnh học trường Quốc tế nên cách học, cách làm bài, cách suy nghĩ được thể hiện có phần tự chủ hơn. Tôi chỉ con cách học nhưng không khảo bài, thường nhấn mạnh “bản thân phải chịu trách nhiệm về cách sống của chính mình”. Bây giờ Quỳnh đã học năm thứ ba Đại học và hình như ngược lại con tôi đang quản lý nhắc nhở tôi nhiều thứ. 
Ví dụ khi tôi chưa kịp trả lời cho học trò về bài giảng thì con tôi đã vội phê bình rằng người học trò đó đang chờ và tôi nên trả lời ngay đi. Nếu tôi lên Facebook quá nhiều thì Quỳnh nhắc mẹ đừng dành thời gian quá nhiều cho chuyện này. Khi có bộ phim hay, một vở kịch hay, Quỳnh sẽ chờ tôi cùng xem. Khi Quỳnh đọc sách và khen tác giả viết tốt thì tôi cảm thấy an tâm hơn khi nhìn vào bìa sách, đúng là cuốn sách hay. Du lịch thì chọn đi Bảo tàng hơn là shopping. 
Quỳnh cho rằng rất thú vị khi tham quan Bảo tàng và đây là điểm chung của hai mẹ con. Cả hai luôn đối xử với nhau như hai người bạn nên cách nói chuyện bình đẳng. Chuyện bất đồng quan điểm cũng đôi lúc làm tôi “sốc” và tôi thường ngồi suy nghĩ lại việc dạy con theo cách của mình có hợp lý không nhưng có lẽ muộn rồi.
Là một người phụ nữ năng động từ công việc xã hội đến tất bật lo cho gia đình, chị có thấy áp lực cho người phụ nữ trong xã hội hiện đại là lớn? Chồng chị có hỗ trợ chị với những việc người ta thường nói là dành cho phụ nữ như nấu ăn, coi sóc nhà cửa?
- Do nhà không có người giúp việc, tôi làm tất cả như nấu ăn, dọn dẹp, coi sóc nhà cửa nhưng phân công ít việc cho chồng như lau nhà, giặt đồ. Tôi sắp xếp công việc nhà cũng giống như việc cơ quan cũng có quy trình và kế hoạch, vì tôi còn phải dành thời gian để đọc, để theo dõi công việc ngay khi ở nhà, thời gian dạy học và soạn giáo án. Nếu mọi thứ sắp xếp một cách tốt thì thời gian để tôi giải trí, thư giãn cũng còn khá nhiều, không đến nỗi tất bật, áp lực như mọi người nghĩ.
"Một diễn viên chuyên nghiệp thì không tự cho mình cơ hội thứ hai" là một phát biểu mà tôi rất ấn tượng từ chị. Tôi nghĩ cuộc đời cũng vậy. Có sự nuối tiếc nào của chị về điều mình chưa hài lòng hoặc chưa làm được cho đến thời điểm hiện tại?
- Những gì tôi đã trả lời bạn thì đó cách thể hiện suy nghĩ của tôi. Tôi đã bỏ qua thời sống với quá nhiều suy nghĩ. Khi tôi nghiệm ra một điều hãy lạc quan để sống thì mọi thứ xung quanh cũng nhẹ nhàng hơn. Với mỗi việc, vừa làm vừa có đam mê thì rất thú vị.
Cô giáo dạy văn hồi cấp ba đã nói việc rửa chén sau bữa ăn sẽ làm mọi người chán ngán nhưng các em thử làm việc này bằng sự thư giãn, cầm chén lên, rửa cẩn thận trôn chén, xong quay lại rửa phần trên trong, sau đó rửa cả cái chén. Tôi buồn cười về sự dài dòng của cô “rửa chén thôi mà cô như làm thơ”. Nhưng giờ đây tôi cảm ơn vì đã gặp người thầy giỏi khi cô dạy tôi về việc nhìn mọi việc bằng sự đơn giản. Tôi không có gì để hối tiếc cả.
Xin cảm ơn diễn viên Ngọc Hiệp!
"Tôi và chồng luôn bày tỏ quan điểm và luôn bất đồng" - Ngọc Hiệp thẳng thắ