Chuyện ít người biết về nữ 'hiệp sĩ đường phố' Hà Nội

(PLO) - Câu chuyện về một phụ nữ hơn 10 năm tình nguyện thực hiện công tác phân luồng giao thông tại Hà Nội khiến nhiều người phải nể phục.
Chuyện ít người biết về nữ 'hiệp sĩ đường phố' Hà Nội

Đó là bà Nguyễn Thị Tiến, năm nay ngoài 60 tuổi. Hơn 10 năm nay, người dân khu phố Cống Mọc, Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã vô cùng quen thuộc với hình ảnh bà Tiến bán nước điều khiển giao thông giữa dòng người tấp nập.

Bà Tiến và quán nước của mình
Bà Tiến và quán nước của mình

Bà mưu sinh bằng hàng nước ở ngã tư đầu cầu Cống Mọc – Quan Nhân đã ngót nghét 35 năm. Bà bắt đầu dọn hàng từ 6h sáng và kết thúc công việc khi đêm đã khuya. Vì thế mà bà nắm rất rõ tình hình giao thông ở khu vực này. 

Nhiều người gọi bà là bà Tiến “điên” vì bà “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng bà bỏ ngoài tai, vẫn gắn bó với việc điều phối giao thông tại đoạn đường này nhiều năm. “Lần đầu đi phân luồng, nhiều người ở khu vực này xì xèo cho rằng tôi bị bệnh, việc thiên hạ không được trả công mà vẫn đâm đầu vào làm. Thế rồi nhìn người dân đi lại dễ dàng hơn, nhiều người đã thay đổi suy nghĩ, ủng hộ việc tôi làm”, bà Tiến tâm sự.

10 năm “ vác tù và hàng tổng”

Nút giao cầu Cống Mọc- Quan Nhân từ lâu đã  là một trong những điểm đen báo động về ùn tắc giao thông của thành phố. “Đường này nhỏ, ô tô đi nhiều nên tắc thường xuyên chứ không cứ giờ cao điểm. Chỉ một ô tô rẽ ngang là tắc ngay, tắc thì ai cũng muốn chen lên trước nên lại càng tắc. Khổ nhất là những ngày mưa, có hôm 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa hết tắc”, bà Tiến chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên, cứ khoảng 17h mỗi ngày, dòng người lại ùn ùn đổ về. Những lúc như thế, bà Tiến đều bỏ hàng nước, cầm theo một chiếc gậy để giúp lực lượng công an phường phân luồng giao thông.

Bà Tiến cùng chiếc gậy gỗ tự chế phân luồng giao thông

Bà Tiến cùng chiếc gậy gỗ tự chế phân luồng giao thông

Gắn bó hơn 10 năm, công việc này dần trở thành một phần trong cuộc sống của bà: “Nhìn đường tắc mà ngồi không tôi thấy bứt rứt lắm, cứ ngồi đấy nhìn tắc đường, hít khói bụi khiến tôi còn điên hơn”. Điều lạ là dù không qua một trường lớp đào tạo nào nhưng bà Tiến chỉ huy, phân luồng giao thông rất khoa học và chuyên nghiệp. Bà dừng xe này, vẫy cho xe kia đi, giọng nói vốn nhỏ nhẹ bỗng trở nên đanh thép, sang sảng. Mọi người ai cũng vui vẻ làm theo sự chỉ huy của bà.

Người dân sống ở khu phố Quan Nhân, không ai là không biết đến bà. Giờ họ trìu gọi bà là "hiệp sỹ giao thông” hay “Bà Tiến phân luồng” vì nhờ hành động của bà mà con đường này bớt ùn tắc, các phương tiện di chuyển cũng dễ dàng hơn.

Ông Hùng, một người dân sống gần cầu Cống Mọc cho biết: “ Cứ lúc nào ùn tắc là bà ấy lại cầm gậy với còi chạy ra, mỗi lần đứng cả tiếng đồng hồ phân làn giao thông, nhờ có bà ấy mà khu này giao thông mới đỡ hỗn loạn”.

Mỗi ngày bà Tiến mất khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ để phân luồng giao thông.
Mỗi ngày bà Tiến mất khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ để phân luồng giao thông.

Gánh nặng mưu sinh

Ẩn sau vẻ ngoài hồ hởi, tươi cười là những nỗi niềm giấu kín mà phải gặng hỏi bà Tiến mới chia sẻ.

Lấy chồng năm 16 tuổi, hôn nhân là những chuỗi ngày bi kịch với bà Tiến vì người chồng cũ vũ phu, hay đánh đập bà. Bà bỏ quê hương, lên thành phố kiếm sống. Đi thêm bước nữa và có 2 con gái. Nhưng người chồng thứ 2 bị bệnh phổi, đau ốm liên miên “đi viện như đi chợ”.

Giông bão cuộc đời bà chưa dừng lại ở đó khi bác sĩ thông báo trong đầu bà có 1 khối u. Ban đầu bà định phó mặc nhưng chồng con khuyên can hết lời, bà mới vào viện chữa trị. Tất cả tài sản giá trị nhất trong nhà đều được mang đi cầm cố bởi nguồn thu nhập chính của bà từ quán hàng nước vỉa hè chẳng đáng là bao.

10 năm làm công việc phân luồng giao thông tự nguyện, nhiều người biết đến hoàn cảnh gia đình bà cũng có ý giúp đỡ. “Họ dúi 1 chiếc phong bì tỏ ý giúp đỡ tôi nhưng tất cả tôi đều từ chối. Hoàn cảnh tôi khó khăn thật nhưng nhiều người còn cần được giúp đỡ hơn”, bà Tiến bộc bạch lý do từ chối sự giúp đỡ vật chất của mọi người.

Từ chối làm cán bộ trật tự phường

Bà Tiến cho biết, đầu năm 2017, lãnh đạo phường Nhân Chính đã đề nghị bà tham gia đội trật tự phường, mỗi tháng trợ cấp một khoản tiền nhỏ nhưng bà từ chối. Bà chỉ nhận cây gậy điều tiết giao thông cùng chiếc còi sắt. “Tôi không mong nhận được gì cả, xin cây gậy với cái còi phân luồng giao thông cho tiện chứ gậy tre với còi nhựa có vẻ không chuyên nghiệp lắm”, bà cười. 

Tắc đường vốn trở thành "thương hiệu" của Hà Nội vào giờ tan tầm nên câu chuyện bà Tiến hơn 10 năm nay tự nguyện phân luồng giao thông khiến nhiều người phải nể phục.

Đọc thêm