80% đương sự không đến nhận lại tiền
Thực tế này đang làm đau đầu các chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự Nha Trang (Khánh Hòa) – nơi mà chỉ 8 tháng đầu năm đã thụ lý đến hơn 1 ngàn vụ thi hành án ly hôn, chiếm khoảng 1/4 tổng số án đơn vị này thụ lý. Theo ông Ngô Đình Tô, Chi cục trưởng, án ly hôn ở TP này ngày càng gia tăng và độ tuổi cũng ngày càng trẻ hóa. Thế hệ 8X, 9X đệ đơn xin ly hôn ngày càng nhiều.
Bên cạnh việc thi hành khoản tiền cấp dưỡng nuôi con (thường từ 500 – 1 triệu/tháng), có nhiều vụ một bản án chấp hành viên phải “theo” đương sự đến cả 10,15 năm (vì cấp dưỡng đến năm 18 tuổi), thì việc hoàn trả tiền tạm ứng án phí là vấn đề nan giải nhất hiện nay.
Theo quy định, khi đệ đơn ly hôn ra tòa, người nộp đơn xin ly hôn phải nộp tạm ứng án phí 200 ngàn. Nếu ly hôn thành Nhà nước sẽ trả lại 100 ngàn.
Tuy nhiên theo chấp hành viên Hồ Văn Mai: “Thường đương sự không quan tâm đến số tiền này, cơ quan THA mời rất nhiều lần nhưng đương sự không tới. Nhiều khi chúng tôi phải “năn nỉ” đương sự đến nhận giùm để khép hồ sơ nhưng cũng vô cùng khó khăn”.
Ông Mai phân trần và lý giải thêm: “Nói là địa bàn thành phố nhưng nơi xa nhất cũng cách trung tâm khoảng 12km. Đặc thù trong đó có một số xã đảo như Bích Đầm thì phải đi ghe, đi thuyền về đây nhận 100 nghìn, ai rảnh như vậy. Nếu mình là đương sự mình cũng không đi”.
Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.
(Khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)
Đấy là những trường hợp đương sự có địa chỉ cư trú rõ ràng. Những trường hợp không cư trú ở địa phương, hay ly hôn xong di chuyển đến nơi khác sinh sống thì bắt buộc thi hành án phải ủy thác (nếu có địa chỉ cụ thể), còn nếu không thì đành chịu, không có cách nào trả được cho họ 100 ngàn mà nói như chấp hành viên Hồ Văn Mai “có đến hơn 80% đương sự không đến nhận lại tiền”.
Để giải quyết dứt điểm một vụ án phí ly hôn, quy trình thường được thực hiện như sau: Đầu tiên, chấp hành viên phải gửi giấy mời cho đương sự lên nhận lại tiền. Mời không lên thì xử lý bước thứ hai.
Thường trong biên lai thu tạm ứng án phí cán bộ thi hành án xin số điện thoại di động của người đó vì biết chắc chắn khi thu 200 ngàn sẽ phải hoàn lại cho họ 100 ngàn. Thông thường lúc cho số điện thoại đương sự khá thoải mái, vì họ đang muốn nhanh chóng ly hôn. Tuy nhiên sau đó, khi ly hôn xong rồi có những số điện thoại không liên lạc được, cũng có người từ chối luôn “THA muốn làm gì thì làm đi, tôi không lên. Tôi không thể nghỉ việc để đến lấy 100 ngàn được, Nhà nước lấy luôn đi”. “Nhưng không thể lấy được, vì luật không cho phép” - ông Mai than vãn. Đó là chưa kể các thủ tục trả 100 ngàn cũng phức tạp như trả…100 tỷ đồng.
Không phải trả lại là tốt nhất
Để giải quyết những vụ hoàn tiền án phí, theo Chi cục trưởng Ngô Đình Tô, không cách nào khác là phải nhờ chính quyền địa phương, nhờ thôn trưởng vận động. Muốn nhờ trưởng thôn, thi hành án phải có một công văn, rất trân trọng để nhờ họ động viên đương sự tới nhận tiền.
Tuy nhiên, tỷ lệ thành công rất thấp, dù vậy vẫn phải làm, để đầy đủ các thao tác lưu vào hồ sơ. Còn thực tế, nhiều vụ, chấp hành viên phải đi đến tận nhà đương sự, nhằm vào giờ ăn cơm để họ có nhà. “Xuống đưa tiền cho người ta, lập biên bản, ghi lại số chứng minh nhân dân. Cực ghê lắm, có nhiều lúc xuống hai, ba lần mới thối lại được 100 ngàn, xóa được hồ sơ” - ông Tô cho biết.
Hiện nay, theo quy định, nếu sau 3 năm khoản tiền hoàn trả án phí đương sự không nhận mới được sung công. Tuy nhiên, để sung công 100 ngàn ước tính chi phí bỏ ra mất gấp 5 lần như vậy vì muốn sung công phải làm thủ tục niêm yết, rồi thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng… Do đó, để sung công được 100 ngàn thì Nhà nước mất 500 ngàn nên không khả thi.
Vấn đề này, Chấp hành viên Hồ Văn Mai đề xuất: nên quy định án phí loại này là 100 ngàn. Nếu không cần quy định mỗi người nộp 100 ngàn, tính ra hai vợ chồng 200 ngàn và Nhà nước không phải trả lại. Ông Mai giải thích sở dĩ phải nộp tạm ứng án phí 200.000 đồng vì đây là mức tạm ứng thấp nhất đối với án phí không có giá ngạch (án có giá ngạch là đóng tạm ứng theo tỉ lệ phần trăm so với giá trị tài sản tranh chấp - PV). Do vậy, nếu muốn nộp tạm ứng 100.000 đồng thì buộc phải sửa quy định về mức tạm ứng án phí đối với án không có giá ngạch.