Ngoại tình không do áp lực nào cả
Những năm gần đây, số lượng và tỷ lệ ly hôn tại nước ta có dấu hiệu tăng đáng kể. Thống kê của ngành tòa án cho thấy, nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ; đến năm 2010, con số này lên tới 126.325 vụ. Trung bình, cứ ba vụ ly hôn thì có một vụ do nguyên nhân ngoại tình. Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), trên 1500 người trong vòng 2 tháng 5 và 6 của năm 2015, 16% số gia đình gặp vấn đề ngoại tình. Như vậy, ở Việt Nam, ngoại tình đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây bất hòa gia đình, ly hôn đúng như tổng kết của Trung tâm Tư vấn hạnh phúc gia đình – 1088 rằng các vụ ly hôn hiện nay ở Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính: không hợp về tính cách; thiếu hòa hợp về tình dục; ngoại tình.
Với quan điểm của mình, ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL cho rằng: “Ngoại tình không do áp lực nào cả”. Theo ông Vân, ngoại tình hay không nằm sâu trong sâu thẳm mỗi con người, không phải do áp lực nào cả. Nếu cứ nói do áp lực cuộc sống hay do định kiến để người ta ngoại tình thì đó là cách tiếp cận mang tính không chính thống. Bản thân sự định kiến về giá trị của gia đình truyền thống không dẫn đến tình trạng ngoại tình.
Ngoại tình là do bản thân nhận thức của mỗi người; gây ra những thảm họa cho gia đình, thậm chí là sự sống chết của nhiều cá nhân. Vì những lý do này mà pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã đưa hành vi ngoại tình trở thành một điều cấm, thậm chí là một tội nếu gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ở Việt Nam, các điều luật như: Khoản C Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999 và Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 (vừa có quyết định lùi thời hạn thi hành) là ví dụ.
Theo đó, ở Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 tội vi phạm chế độ một vợ một chồng có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; và nếu như vì hành vi ngoại tình mà làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát thì có thể phạt tù đến 3 năm… Các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về vấn đề này được đánh giá là chi tiết và rõ ràng về hơn Bộ luật Hình sự 1999.
Hóa giải “đánh đố” thì mới xử phạt được
Tuy nhiên, mấu chốt là cụm từ “chung sống như vợ chồng”. Thế nào là chung sống như vợ chồng? Ngay từ Bộ luật Hình sự năm 1999 về vấn đề “chung sống như vợ chồng” đã có hướng dẫn là khi hai người chung sống thực tế, thường xuyên, công khai và được nhiều người biết đến, chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó... Nói như vậy là ngoại tình công khai, mà ở đời mấy ai ngoại tình mà còn công khai?
“Chung sống như vợ chồng” “đánh đố” người thi hành luật” – đó là quan điểm của ông Phạm Vũ Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số. Theo ông Thiên, “ngoại trừ việc kết hôn (có giấy đăng ký kết hôn) là vi phạm chế độ một vợ một chồng thì cụm từ “chung sống như vợ chồng” là rất khó bắt được quả tang. Thế nào là “chung sống như vợ chồng”? Là người cùng một nhà hay người góp gạo thổi cơm chung hay người có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân?” . Đồng quan điểm, khi trả lời báo giới, Luật sư Vũ Thị Thanh - Công ty luật INTERCODE cho rằng, điều luật cần phải cụ thể hóa hành vi thế nào là sống chung như vợ chồng để gỡ khó trong việc xác định hành vi vi phạm bởi đó là một khái niệm mang yếu tố khoa học pháp lý không dễ áp dụng vào thực tiễn tư pháp.
Một vấn đề khác nữa là Điều 182 quy định xử phạt người ngoại tình dẫn đến ly hôn, một trong hai bên hoặc con cái của họ tự sát, đã bị tòa buộc hủy quan hệ nhưng vẫn tiếp tục... Nghe thì dễ nhưng trên thực tế chứng minh được hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngoại tình gây ra lại không dễ chút nào. Ở góc độ của mình, ThS. Lê Văn Sua - Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang có quan điểm: “Việc cơ quan điều tra phải chứng minh việc chung sống như vợ chồng với người khác là nguyên nhân dẫn đến vợ chồng ly hôn là điều không phải dễ. Bởi quy định này chỉ mang tính “định tính” còn thực tế khi áp dụng phải chứng minh đủ độ “định lượng” để có căn cứ, mà trên cơ sở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đủ “niềm tin nội tâm” áp dụng tội danh vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Nếu không rõ ràng thì rất có thể việc áp dụng sẽ theo cảm tính, “xử sao cũng được” thì vô hình trung lại rất nguy hiểm…”.