Chuyện ở miền đạo Mẫu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nói về tín ngưỡng thờ Mẫu, nhiều người nhớ ngay tới Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định) - một quần thể văn hóa với hơn 20 di tích là trung tâm của Đạo Mẫu Việt Nam. Lễ hội Phủ Dầy là một trong bảy lễ hội quy mô lớn nhất cả nước, được tổ chức vào tháng 3 Âm lịch hàng năm...
Phía trước Cung chính Phủ Dầy xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. (Ảnh: NVCC)
Phía trước Cung chính Phủ Dầy xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. (Ảnh: NVCC)

600 di tích liên quan tới thờ Mẫu

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nam Định có trên 600 di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, nổi tiếng nhất là Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) và di tích Phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên). Với gần 200 bản hội, hàng trăm thanh đồng và cung văn, hầu dâng... đang là những chủ thể nắm giữ di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” ở vùng đất này.

Chỉ riêng huyện Vụ Bản có tới 176 cơ sở văn hóa được xếp hạng bao gồm 9 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh, 136 di tích được UBND tỉnh thống kê trong hệ thống các di tích của tỉnh. Và có tới 3 Lễ hội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể gồm: Lễ hội Phủ Dầy, Nghi lễ Chầu Văn của người Việt và Thái Bình xướng ca.

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản Nguyễn Khắc Xung, “thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định những giá trị mang tính toàn cầu của di sản. Đó là đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại, phản ánh sự chủ động, hội nhập tích cực của đất nước với quốc tế. Nam Định tự hào đại diện các địa phương có cùng Di sản tổ chức xây dựng Hồ sơ trình UNESCO vinh danh và là địa phương có nhiều đóng góp tích cực nhất.

Để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, góp phần thực hiện Công ước 2003 của UNESCO tại Việt Nam, được sự nhất trí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nam Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tiến hành xây dựng Đề án “Bảo vệ và Phát huy giá trị Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030” trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-UBND phê duyệt Đề án, giao các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, TP tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” theo khuyến nghị tại Công ước 2003 của UNESCO, Luật Di sản văn hóa (2009) và Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (2016).

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội. (Ảnh: Viết Dư).

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội. (Ảnh: Viết Dư).

Mới đây, UBND tỉnh Nam Định cho phép thành lập “Hội Bảo vệ và phát huy di sản” nhằm tuyên truyền, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản qua các hoạt động như: Triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị” tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật quốc gia thành phố Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, tại khu vực sân vận động Thiên Trường. Trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022. Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về thực hiện Chương trình hành động quốc gia đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 - 2023; phối hợp với Cục Di sản văn hóa tổ chức thành công Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003 - 2023) và đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Đến nay, Hội đã thu hút được 300 thành viên và tổ chức thành lập thêm 03 Chi hội bảo vệ và phát huy di sản tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường... với tổng số hơn 600 hội viên. Các chi hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá di sản. Đó là tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng hát văn, dạy nhạc cụ dân tộc; sưu tầm và hiến tặng các tài liệu, tư liệu về di sản; tổ chức giao lưu thực hành nghi lễ để các hội viên gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; giúp đỡ và hỗ trợ cho các di tích liên quan đến thực hành di sản.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng quan tâm, vinh danh - khen thưởng các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định có 01 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và 05 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, qua đó đã khơi dậy niềm tự hào, khuyến khích các chủ thể chủ động tham gia bảo vệ di sản, đẩy mạnh việc quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa ra cộng đồng.

Những nghệ nhân yêu di sản

Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội. (Ảnh: Viết Dư)

Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội. (Ảnh: Viết Dư)

Một trong những nghệ nhân đi đầu trong Hội Bảo vệ và Phát huy di sản đó là Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ, hiện là thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Nam Định.

Bà Trần Thị Huệ sinh ra trong một gia đình có truyền thống “cha truyền con nối”, nhiều đời nối nghiệp hầu đồng. Cha của bà là cụ Trần Viết Đức, mẹ của bà là cố Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Duyên đều từng là thủ nhang của Phủ Tiên Hương. Từ năm 17 tuổi, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ đã được cha làm lễ để thực hành nghi lễ chầu văn, truyền dạy cho bà những phép tắc, chuẩn mực trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 2017, bà Huệ được mẹ làm lễ nhập tự và đảm nhận công việc thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương.

Trên con đường hoằng dương đạo Mẫu, bà luôn tâm niệm việc đạo phải luôn gắn với việc đời. Vào mỗi dịp Lễ hội Phủ Dầy, bà luôn chỉnh chu từng bông hoa, lễ vật dâng Mẫu; chuẩn bị các trang phục hầu truyền thống miễn phí cho nhiều người đến thực hành Di sản. Với cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” Nam Định, bà đã cùng tập thể Ban Chấp hành lãnh đạo Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực...

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ có nhiều chuyến “xuất ngoại” để quảng bá di sản. Trong đó, năm 2023, tại thành phố Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc), bà đã cùng một số Nghệ nhân Ưu tú trong hội tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại chuỗi sự kiện Hội thảo quốc tế về văn hóa Việt Nam lần thứ 3. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế, nhà quản lý đến từ Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc). Thông qua sự trao đổi văn hóa và học thuật giữa hai nước đã giúp đại biểu nước bạn hiểu thêm nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Tiếp đến phải kể tới Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thanh Bình, thủ nhang đền Bảo Ninh (Hải Hậu). Hiện ông Bình cũng là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, Chủ tịch Chi hội huyện Hải Hậu. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 thế hệ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nên từ nhỏ ông đã có duyên hầu Thánh. Năm 2000, ông được thụ pháp làm thầy (trình đồng, mở phủ).

Nắm giữ những yếu tố quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thanh Bình đã tích cực truyền dạy cho các học trò, đệ tử phép tắc chuẩn mực trong thực hành các nghi lễ, các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc. Hiện nay, học trò của ông đều là những đồng đền, thủ nhang, thanh đồng sinh hoạt tại khắp các đền, phủ, điện trong và ngoài tỉnh.

Năm 2021, Chi Hội Bảo vệ và Phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt huyện Hải Hậu được thành lập. Với trách nhiệm là Chủ tịch Chi hội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thanh Bình đã tham gia nhiều liên hoan thực hành Nghi lễ Chầu văn, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng này cho Nhân dân và du khách trong và ngoài nước; cùng Nhân dân các địa phương phát tâm trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử - văn hóa có dấu hiệu xuống cấp. Tâm niệm “gắn đạo (Mẫu) với đời”, từ năm 2009 đến nay năm nào ông cũng có những chương trình từ thiện riêng, tặng quà, xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin; tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cùng những nỗ lực của tập thể và cá nhân xuất sắc, các di sản văn hóa ở Việt Nam lần lượt được nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, góp phần quan trọng trong việc duy trì, kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội và con người Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước.