Được cưới vợ mà không biết
Đã sáu năm trôi qua nhưng khi nhắc lại chuyện mình vướng vào vòng lao lý, Thông vẫn nhớ như in. Anh kể trước đây từng ham chơi không lo làm ăn, khiến bố mẹ rất lo lắng.
Với mong muốn con trai có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, gia đình đã mua cho anh một chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng để lập nghiệp.
Năm 2009, trong một lần lái xe tải qua xã bên cạnh, anh bị người lái xe bên đó gây chuyện. “Vì tuổi trẻ bồng bột nên đã xảy ra cuộc ẩu đả, tôi và anh trai bị bắt vì tội cố ý gây thương tích”, anh hồi ức.
Ngày Thông thụ án cũng là lúc anh biết người yêu mang thai được một tháng. Nhìn cảnh bố mẹ và vợ sắp cưới nước mắt lưng tròng chạy theo chiếc xe của công an áp tải mình đi, anh cũng rưng rưng.
Những ngày trong trại giam đối diện với bốn bức tường lao, anh không ngừng dằn vặt nghĩ về gia đình, về lỗi lầm của bản thân, thương bố mẹ già yếu còn phải chạy vạy lo cho con, thương người yêu phải chịu tiếng “không chồng mà chửa”.
Sau đó, gia đình hai bên vẫn quyết định tổ chức đám cưới cho anh và người yêu dù anh vẫn đang thụ án. Cả làng ngày ấy đã xôn xao trước đám cưới chưa từng thấy, chỉ có cô dâu, không có chú rể.
Chị Nguyễn Thị Thơ (SN 1989, vợ anh Thông) ngậm ngùi tâm sự: “Đời người con gái, chỉ có một ngày trọng đại, thế nhưng với tôi ngày đó lại không trọn vẹn. Một mình lên xe hoa về nhà chồng mà không có chú rể lại phải nghe những lời bàn tán của dư luận, họ bảo tôi “có vấn đề” khi tổ chức đám cưới với một người đang ở tù. Tôi cũng tủi thân nhưng để ngoài tai tất cả những lời dị nghị đó, quyết tâm tin tưởng vào anh ấy”.
Thậm chí, chính anh Thông cũng không hề biết mình đang được tổ chức đám cưới ở nhà vì vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, người nhà không được gặp.
Sau lễ cưới gần một tháng, đại diện hai gia đình và vợ anh mới được đến thăm anh tại trại giam và thông báo tin mừng. Anh đã sửng sốt cảm động trước tình yêu của vợ dành cho mình. Cảm giác hối lỗi càng dâng trào.
Cuối năm 2011, Thông ra tù sau hơn hai năm trả án.
Bắt đầu lại
Ra tù với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không vốn liếng, ngay cả chiếc xe tải gia đình mua cho anh làm ăn trước đó cũng đã bán để trang trải cho cuộc sống gia đình thời gian qua.
Xưởng đóng gạch xi măng của vợ chồng anh Thông tại xã Song Lộc. |
Với cái lý lịch “có vết”, Thông cũng rất khó xin việc vì hầu như ai cũng e ngại. Anh không trách mọi người, chỉ cảm thấy buồn. Cuộc sống vợ chồng đối diện với bao lo toan. Không biết bao nhiêu đêm anh trằn trọc suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình.
Với quyết tâm “ngã ở đâu đứng dậy ở đấy”, Thông mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua lại chiếc ôtô cũ bốn chỗ bắt đầu công việc chạy taxi.
Mới đầu công việc cũng gặp khó khăn vì nhiều người biết anh từng đánh nhau phải đi tù, khách đi xe thưa thớt, chủ yếu là người quen. Có khi cả tuần không có nổi một vị khách.
Không có thu nhập lại thêm nợ nần, gia đình đã rơi vào cảnh túng quẫn, nhưng anh vẫn cố gắng vay mượn xoay sở với một niềm tin mạnh mẽ “chỉ cần mình cố gắng sẽ không bị phụ công”.
Dần dần thấy anh làm việc nhiệt tình, chu đáo, nhiều người không những thôi kì thị, còn tín nhiệm đi đâu cũng gọi anh chở đi.
Sau bốn năm phấn đấu, Thông giờ là ông chủ của xưởng sản xuất gạch xi măng, tạo công việc ổn định cho hàng chục công nhân với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, anh còn mua thêm bốn chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng cho người dân trên địa bàn huyện. Vợ anh mở cửa hàng tạp hóa. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu về hàng tỷ đồng.
Một người hàng xóm chia sẻ: “Người dân ở đây đều khâm phục ý chí của anh Thông. Anh ấy không chỉ đứng lên làm lại cuộc đời mà còn giúp đỡ nhiều người lao động nghèo ở quê hương có cái ăn cái mặc”.
Nhắc đến thành công ngày hôm nay, anh cho biết tất cả là nhờ sự động viên giúp đỡ của gia đình, nhất là người vợ hiền. “Khi tôi lầm lỡ, cô ấy không những không bỏ rơi mà còn luôn ở bên động viên, tin tưởng vào tôi. Cô ấy là chỗ dựa vững chắc để tôi có đủ can đảm làm lại cuộc đời”./.