Chuyện tình Việt - Pháp của thi sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi

(PLVN) - Là một người tài hoa và đa tình, nhưng trong thâm tâm nhà thơ Nguyễn Đình Thi, ông chỉ có một tình yêu đẹp đẽ, thầm kín luôn ấp ủ trong lòng đến cuối đời, là nữ nhà báo cách mạng Pháp Madeleine Riffaud.
Nguyễn Đình Thi và Madeleine Riffaud trong bức ảnh hiếm hoi chụp cùng nhau. (Ảnh tư liệu)
Nguyễn Đình Thi và Madeleine Riffaud trong bức ảnh hiếm hoi chụp cùng nhau. (Ảnh tư liệu)

“Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”

Nguyễn Đình Thi không chỉ đơn giản là một nhà văn. Ông còn là một nhạc sĩ, nhà thơ, kịch tác gia, nhà nghiên cứu triết học với tài hoa thấm đẫm và vẻ ngoài đẹp trai đến xiêu lòng các cô gái, cả trong và ngoài nước.

Vào năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn phản công thì ở CHDC Đức tổ chức Đại hội liên hoan Thanh niên Quốc tế. Nguyễn Đình Thi được cử làm đại biểu của Việt Nam.

Tại đây, ông gặp Madeleine Riffaud, một nhà thơ đẹp, trẻ, duyên dáng, đại biểu thanh niên Pháp, nổi tiếng là một chiến sĩ chống phát xít Đức, từng bị Gestapo bắt giam năm 1944 và tuyên án tử hình rồi được giải cứu chỉ 6 ngày trước khi thi hành án. Lúc ấy, Madeleine Riffaud đang là nữ phóng viên của Báo Nhân Đạo.

Sau này nữ nhà báo kể lại: “Vừa chợt thấy Thi, tôi như bị thần Tình yêu bắn vào tim”. Tuy nhiên, thời điểm này, cả hai đều đã có gia đình riêng nên gìn giữ tình bạn tâm giao, không ai bước qua ranh giới. Kết thúc Đại hội, cả hai chia tay trong lưu luyến và trao nhau và những lá thư thắm thiết cả khi đã về nước.

Không lâu sau đó, bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga, vợ của Nguyễn Đình Thi qua đời tại Việt Bắc. Thời gian sau này, tình yêu lại nảy nở trong trái tim hai con người cô đơn. Những lá thư ngày càng nhiều, những dòng thương nhớ càng nồng nàn hơn bao giờ hết.

Nhà thơ Huy Cận trong bài “Thương và nhớ bạn Nguyễn Đình Thi” (Văn nghệ, số 17 - 18 năm 2003) đã kể rằng: “Cuối năm 1951, một hôm tôi nhận được bức thư của chị Ma-đơ-len Ri-phô gửi cho anh Thi, nhờ tôi chuyển. Ngoài phong bì có đề “Xin mở xem thư và nhớ học thuộc lòng càng tốt, để đọc lại cho anh Thi nghe, nhỡ mà thư có thể trôi mất hoặc ướt khi qua suối, qua đèo”. Tôi mở thư ra đọc, bắt đầu bằng hai câu ca dao Việt Nam: “Ông tơ ghét bỏ chi nhau - Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi” và “Đôi ta làm bạn thong dong - Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”, tiếp theo là thư bằng tiếng Pháp. Cuối tháng anh Thi mới gặp tôi, tôi đọc cả bức thư cho anh Thi nghe rồi mới giao thư...”.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi thời trẻ.(Ảnh tư liệu)

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi thời trẻ.(Ảnh tư liệu)

Còn với Nguyễn Đình Thi, trong rất nhiều vần thơ, bài hát của ông đều thấp thoáng bóng hình người con gái Pháp mà ông yêu thương. Chúng ta đến giờ đã quá quen thuộc với bài thơ “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi, nhưng ít ai biết, đó là những vần thơ ông dành tặng cho Madeleine Riffaud, trút cạn nỗi lòng thương nhớ da diết.

“Ngôi sao nhớ ai mà ngôi sao lấp lánh?/Sao sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/Ngọn lửa nhớ ai mà hong đêm lạnh?/Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn mây... Anh yêu em như yêu đất nước/Vất vả đau thương trong trắng vô ngần/Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn... Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ núi/Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”.

Những năm 1955, 1956, Madeleine Riffaud sang công tác tại Việt Nam nhiều lần để thăm “người trong mộng”. Chuyện đám cưới cũng được họ nghĩ đến. Nhưng thời cuộc và nhiều nguyên do khác, trong đó có sự khó khăn về khác biệt quốc tịch trong thời bấy giờ, họ không thể đến với nhau. Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai Nguyễn Đình thi, thì cha ông có lần nhắc đến, chính Bác Hồ là người khuyên Nguyễn Đình Thi và Madeleine Riffaud chỉ nên dừng lại ở tình bạn tâm giao. Bởi trong cái nhìn sâu sắc và rộng lớn của Bác, nếu Madeleine Riffaud kết hôn với Nguyễn Đình Thi và về Việt Nam sinh sống, Đảng Cộng sản Pháp sẽ mất một cán bộ tốt và e rằng bà sinh hoạt, ăn ở Việt Nam lâu dài sẽ rất vất vả. Bởi Bác nói rằng, nhiều năm sinh sống tại nước ngoài, Bác hiểu có sự cách biệt văn hóa, lối sống rất rõ giữa người phương Tây và người Á Đông. Madeleine Riffaud lại là một người con gái cực kì mạnh mẽ, luôn phản kháng quyết liệt với những gì bà cho là “trái tai, gai mắt”, trong khi ông Thi thì đa tình. Bác sợ rằng khi “về một nhà”, cả hai sẽ không dung hòa được, rồi mối tình đẹp ấy sẽ tan vỡ và ông Nguyễn Đình Thi nghe lời Bác, vì cân nhắc nhiều điều và có lẽ cũng vì muốn giữ cho mối tình tuyệt đẹp ấy luôn còn đẹp mãi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nước ta, Madeleine Riffaud lại sang Việt Nam. Hai người có gặp gỡ nhưng lại chia tay, nữ nhà báo lặn lội vào chiến trường miền Nam khói lửa. Từ đó, Madeleine có những tác phẩm nổi tiếng, đánh động dư luận thế giới. Người phụ nữ Pháp còn dịch qua tiếng Pháp và giới thiệu tiểu thuyết “Mặt trận trên cao” của Nguyễn Đình Thi ở Paris (1968).

Dẫu không đến được với nhau...

Rồi sau đó, thời bình, hai người vẫn dành cho nhau tình yêu thương tha thiết. Khi thì Madeleine Riffaud sang Việt Nam, khi thì họ “hẹn hò lãng mạn” ở Pháp. Madeleine Riffaud vẫn luôn nói, dẫu chưa cưới nhau, bà vẫn coi Nguyễn Đình Thi là chồng mình. Bà ở vậy cả đời, gìn giữ, trân trọng từng kỉ vật về ông. Ở Paris, trong căn hộ của bà có riêng một căn phòng dành để hồi tưởng những kỷ niệm của hai người suốt hơn nửa thế kỷ. Ảnh chân dung Nguyễn Đình Thi được phóng to bằng người thật treo trên tường. Và bên dưới bức chân dung ấy có rất nhiều kỉ vật thời hai người bên nhau hoặc yêu nhau trong xa cách.

Con trai nhà thơ Nguyễn Đình Thi - nhà văn Nguyễn Đình Chính từng chia sẻ, bà Madeleine coi những đứa con của ông Nguyễn Đình Thi như con mình. Bà từng gọi ông Chính sang Pháp, muốn tặng 2 ngôi nhà, một ở Paris, một ở bờ biển Manche để làm nhà lưu niệm mang tên Nguyễn Đình Thi.

Nữ chiến sĩ cách mạng Madeleine Riffaud thời trẻ. (Ảnh tư liệu)

Nữ chiến sĩ cách mạng Madeleine Riffaud thời trẻ. (Ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, Nguyễn Đình Thi thì không “nhất nhất thủy chung” với Madeleine Riffaud như cách bà đối với ông. Người đàn ông tài hoa, đẹp trai ấy có tâm hồn lãng mạn và bay bướm. Ông từng có nhiều bóng hồng đi qua cuộc đời, ông cũng từng kết hôn sau cuộc hôn nhân không thành với Madeleine Riffaud, ông cũng từng bị nhiều người phụ nữ làm cho khổ sở. Biết tất cả, nhưng Madeleine Riffaud vẫn một lòng, một dạ yêu thương và chung thủy. Với bà, ông như một “chàng trai dại dột” và bà luôn ở đấy, chờ ông quay về sau những cuộc phiêu lưu. Có lần, bà Madeleine Riffaud đã thốt lên với con trai ông Nguyễn Đình Thi sau khi biết về những mối tình mới của ông: “Thi đang bước từ cạm bẫy này sang cạm bẫy khác”.

Lang thang qua các mối tình là thế, nhưng theo người con trai kể lại, trong thâm tâm ông Thi, ông luôn ấp ủ một tình yêu đẹp đẽ trong lòng đến cuối đời, là Madeleine Riffaud. Trong di cảo của nhà văn Nguyễn Đình Thi có hơn 1.000 bức thư tình viết tay của Nguyễn Đình Thi và nữ thi sĩ Madeleine Riffaud gửi cho nhau. Khi già yếu, Nguyễn Đình Thi đã trao di cảo ấy cho người con trai thứ và dặn dò: “Sau khi bố mất mới được mở ra. Tùy con định liệu...”. Ông mất ngày 18/4/2003, con trai ông đã như lời dặn, mở chiếc cặp chứa tài liệu ra, trong ấy là những thư từ, ảnh chụp, những bài báo được cắt dán... Những kỉ vật ấy ố vàng, sờn mốc, lưu dấu những nhà văn Nguyễn Đình Thi và nữ ký giả Madeleine Riffaud trao đổi với nhau hơn nửa thế kỷ, từ bức thư tình đầu tiên cho đến bức thư tình cuối cùng vào những năm tháng ông gần đất xa trời. Trong những kỉ vật ấy là cuộc đối thoại giữa hai tâm hồn yêu nhau trọn đời mà không đến được với nhau, giữa hai tri thức lớn về thời cuộc, về chiến tranh, về lý tưởng và về thân phận con người.

Ông Nguyễn Đình Chính từng kể lại với báo chí rằng sau khi bố mất, bà Madeleine Riffaud còn gửi cho ông bức thư dài 7 trang nói lên sự tiếc thương, đau đớn trước cái chết của ông. Bà còn ngỏ ý xin lại 1.000 bức thư hai người đã viết cho nhau trong hơn nửa thế kỉ.

Ông Nguyễn Đình Chính, khi được hỏi nhận xét ngắn gọn về Madeleine Riffaud đã nói rằng, bà là một người vợ tồi và là một bà mẹ tốt. Một người tình chung thủy, một người Đông phương hơn cả người phương Đông.

Đọc thêm