Chuyện về món quà đặc biệt 10 năm mới sử dụng để chúc mừng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nữ Luật sư người Mỹ - bà Nancy Hollander có một món quà đặc biệt năm 1965. Đó là một chai rượu. Khi đó, bà là đại biểu trẻ tuổi nhất tham gia phái đoàn gặp mặt ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ tại Jakarta, Indonesia. Bà Nancy Hollander không uống ngay mà để dành tới 10 năm sau mới uống bởi một lý do…
Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Paris ngày 27/1/1973.
Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Paris ngày 27/1/1973.

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 9/1, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Ban Di sản Ký ức tổ chức sự kiện “Khát vọng hòa bình” bao gồm triển lãm và giao lưu với các chứng nhân lịch sử.

Lời hẹn gặp lại trong hòa bình

Có mặt trong buổi giao lưu, nữ Luật sư người Mỹ - bà Nancy Hollander đã chia sẻ ý nghĩa về quá trình tham gia các hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ và cho biết bà luôn dành tình cảm đặc biệt cho đất nước và nhân dân Việt Nam.

Theo dòng lịch sử, năm 1965 tại Jakarta - Indonesia, từ ngày 13 đến 18/7, Phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ tham gia cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Khi ấy, Tổ chức phụ nữ đấu tranh vì hòa bình (WSP) chọn ra 10 phụ nữ Hoa Kỳ ở các vị trí khác nhau thay mặt họ để đảm nhận trách nhiệm đưa ra ý kiến. Bà Nancy Hollander là đại biểu trẻ tuổi nhất tham gia phái đoàn. Phái đoàn Việt Nam bao gồm 8 thành viên được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam lựa chọn.

Cuộc gặp năm 1965 tại Jakarta chính là cuộc ngoại giao nhân dân đầu tiên thông qua nước thứ 3, giữa Tổ chức Phụ nữ đấu tranh cho hòa bình (WSP) với Phái đoàn Phụ nữ Việt Nam. Trong tuyên bố chung sau 3 ngày làm việc, cả 3 bên đều đồng ý rằng Mỹ đã vi phạm Hiệp định Genève, trách nhiệm của phụ nữ Mỹ là phải tạo nên sự tôn trọng nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, phụ nữ Mỹ tổ chức nhiều chiến dịch hoạt động phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình ở Việt Nam.

Nữ Luật sư Nancy Hollander kể lại: “Cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng trong ngoại giao nhân dân giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Hoa Kỳ. Năm 1965, chúng tôi chỉ tâm niệm là làm mọi cách để có thể chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, nhưng chúng tôi không biết sự thật đang diễn ra, cuộc gặp này giúp chúng tôi hiểu và giúp cho công chúng ở nước mình biết được sự thật đó”. Sau cuộc gặp mặt, bà Nancy Hollander đã tham gia tích cực vào các hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ và luôn dành tình cảm đặc biệt cho đất nước Việt Nam và phụ nữ Việt Nam.

Cũng trong cuộc gặp gỡ lịch sử năm 1965 đó, nữ Luật sư người Mỹ Nancy Hollander có một món quà đặc biệt. Đó là một chai rượu. Nhưng bà Nancy Hollander không uống ngay mà để dành tới 10 năm sau. “Khi đó, tôi nói sẽ chờ khi nào Việt Nam được giải phóng thì tôi sẽ uống. Và tôi đã chờ tới năm 1975 mới uống chai rượu này để chúc mừng”, bà Nancy Hollander kể lại trong buổi tọa đàm của sự kiện Khát vọng hòa bình.

Sau hơn nửa thế kỷ từ cuộc gặp gỡ ở Jakarta, Indonesia, ngày 7/3/2019, bà Nancy Hollander lần đầu tiên đến Việt Nam và có một cuộc gặp gỡ lịch sử tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người có vai trò đặc biệt trong đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Bà cũng trao tặng bảo tàng 450 tài liệu hiện vật quý bà đã lưu giữ hơn nửa thế kỷ từ cuộc gặp mặt giữa phụ nữ Mỹ với phụ nữ hai miền Nam, Bắc Việt Nam năm xưa.

Trước khi diễn ra buổi lễ tiếp nhận hiện vật của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Nancy Hollander cùng anh trai của mình có mặt từ sớm để chờ đợi sự xuất hiện của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Vài phút sau, bà Nguyễn Thị Bình xuất hiện. Gặp gỡ nhau, cử chỉ đầu tiên họ dành cho nhau là những cái bắt tay, cái ôm đầy tình cảm. Bên cạnh nhau gần như trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, hai người phụ nữ ân cần hỏi thăm nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm cũ.

Trong số tài liệu, hiện vật do bà Nancy Hollander mang sang Việt Nam, hiện vật đầu tiên bà Nguyễn Thị Bình cầm lên xem là Bản Tuyên bố chung có chữ ký của 8 đại diện phái đoàn Phụ nữ Việt Nam và 10 đại diện phái đoàn Phụ nữ Mỹ tại cuộc gặp ở Indonesia. Lật từng trang tư liệu đã ố vàng vì thời gian, bà Nancy Hollander ghé vào tai nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói: “Đây là chữ ký của bà”. “Đây đúng là chữ ký của tôi, cảm ơn bà vì đã lưu lại tài liệu quý này và mang đến Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Bình xúc động đáp lại.

Xúc động khi gặp lại bà Nancy Hollander sau nửa thế kỷ, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Trưởng phái đoàn Phụ nữ Việt Nam ngày ấy cho biết: “Cuộc gặp gỡ năm 1965 là một sự kiện rất quan trọng, vì đó là cuộc gặp đầu tiên của phụ nữ, cũng là của nhân dân Hoa Kỳ với những đại biểu của nhân dân Việt Nam, sau đó mở ra nhiều cuộc gặp gỡ của các giới khác giữa hai nước. Phụ nữ Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam luôn biết ơn những người bạn đã đấu tranh để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”.

Bà Nancy Hollander và bà Nguyễn Thị Bình hội ngộ tại Hà Nội. (Ảnh Bảo Hân)

Bà Nancy Hollander và bà Nguyễn Thị Bình hội ngộ tại Hà Nội. (Ảnh Bảo Hân)

Tình yêu công việc gìn giữ hòa bình

Triển lãm “Khát vọng hòa bình” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam bao gồm hai chủ đề trưng bày: “Đường tới hòa bình” và “Hiệp định Paris - Chiến thắng của khát vọng hòa bình”. Triển lãm dẫn dắt người xem đến những câu chuyện về ý chí, sự kiên cường và anh dũng, bản lĩnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam trên mọi mặt trận từ chính trị, quân sự, ngoại giao nhân dân... Qua đó cũng cho thấy bài học lịch sử về một Việt Nam anh dũng với những người phụ nữ bản lĩnh và đầy trí tuệ, đã, đang và sẽ cùng chung tay vun đắp, dựng xây vì một nền hòa bình cho nhân loại.

Có mặt trong buổi giao lưu chia sẻ về công việc của mình tại Nam Sudan, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam bày tỏ niềm tự hào vì được đứng trong hàng ngũ của những chiến sĩ góp phần bảo vệ hòa bình của Liên Hợp quốc.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga là sĩ quan thứ 20 của Việt Nam nhận nhiệm vụ đặc biệt này nhưng là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên. Theo quyết định, Hằng Nga có nhiệm kỳ 12 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Giữ gìn hòa bình Liên Hợp quốc (GGHB LHQ) với vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự. “Tôi quyết tâm tham gia vì yêu công việc gìn giữ hòa bình. Biết là sẽ đầy gian khổ, nhưng tôi vẫn quyết đi. Trong hơn một năm sau khi được chọn, tôi được cử đi học, bồi dưỡng các khóa tập huấn về sĩ quan tham mưu các hoạt động quân sự, liên lạc, quan sát viên, thông tin, quan hệ quân – dân sự Liên Hợp quốc tại Uganda, Hàn Quốc, Sri Lanka, Trung Quốc, Hà Lan… Trước đó, chưa bao giờ tôi được học nhiều thứ đến vậy. Tôi học không vì thành tích mà học để đảm nhận nhiệm vụ. Sợ bị gia đình ngăn cản nên tôi im lặng giấu cả nhà” - Trung tá Nga chia sẻ với phóng viên trong sự kiện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hiện vật từ các nữ quân nhân mũ nồi xanh thuộc Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam, đã trực tiếp tham gia công tác tại các Phái bộ GGHB LHQ ở Cộng hòa Nam Sudan và Trung Phi vào tháng 4/2022.

Đặt chân lên đất nước Nam Sudan, mặc dù được huấn luyện kỹ càng, được tìm hiểu trước về tình hình, tuy nhiên nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam vẫn không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu khi bắt tay vào công việc, tận mắt chứng kiến những khó khăn mà đồng nghiệp và người dân nơi đây phải vượt qua. Theo sự phân công nhiệm vụ của Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan, Trung tá Nga sẽ đảm nhiệm vị trí của một sỹ quan tham mưu các hoạt động quân sự. Một ngày làm việc của chị khá vất vả, với cường độ làm việc liên tục 14 đến 16 tiếng. Cũng giống như các đồng nghiệp khác, một khi đã nhận bàn giao nhiệm vụ, chị sẽ không được nghỉ về ăn bữa trưa hoặc tối, mà phải mang theo đồ ăn chuẩn bị trước. “Hai tháng đầu tôi trực gần như suốt ngày đêm. Ca đêm rất dài vì trực từ 16h chiều hôm nay đến 8h sáng hôm sau. Một ngày cứ 14 - 16 tiếng làm việc không ngủ không nghỉ, cứ phải theo dõi email gửi đến. Ăn uống ngay tại chỗ. Đêm chợp mắt chỉ được 30 phút đến một tiếng” – chị kể.

“Một năm thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan giúp tôi học được rất nhiều kiến thức bổ ích. Quan trọng nhất là tôi đã góp được một phần nhỏ bé của mình vào việc giới thiệu hình ảnh con người Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đến với bạn bè thế giới”, Trung tá Hằng Nga tâm sự.

Đọc thêm