Ông Nguyễn Duy Sụn, sinh năm 1965, ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, bắt đầu về ngành Tư pháp từ năm 2002 với vai trò Phó Giám đốc. Trước khi về ngành, ông là cán bộ của UBND tỉnh. Gần 3 năm gắn bó với đồng bào Mông ở xã Sín Lủng, huyện Đồng Văn nên ông hiểu rất rõ đời sống, công việc của cán bộ cơ sở. Ngày ấy đường lên Đồng Văn còn toàn đá, chưa có điện và mỗi lần vào thôn bản là một lần phải thử thách độ cứng… thần kinh.
Ông kể, ngày mới về xã, trụ sở xã ngày nào cũng đóng kín, cán bộ xã bận làm nương, con dấu thì được cất trong nhà của Chủ tịch xã. Hỏi cán bộ xã việc gì cũng ú ớ, gần như không ai chịu học thêm để làm tốt hơn phần việc của mình.
Nhưng ở cùng dân bản lâu dần ông mới hiểu ra, sở dĩ cán bộ xã không được đi học vì “lệnh” cấm vận của Chủ tịch xã… Thế là một mình ông vừa phải sâu sát cùng dân bản để tìm người uy tín có thể thay thế đội ngũ làm việc ở xã, vừa phải đi vận động những người hiểu biết ra làm việc cho dân.
Ông cười chia sẻ: “May mà ngày ấy ở xã Sín Lủng có một trung tá về hưu, tôi phải đi lại đến cả chục lần, vài lần chuyện trò hết cả đêm ông mới đồng ý ra xã làm việc tiếp”. Từ việc vận động được một đồng chí bộ đội nghỉ hưu tiếp tục cống hiến cho xã hội, sau gần 3 năm tăng cường, bám sát cơ sở, ông Sụn mạnh dạn đề đạt lên cấp trên kế hoạch “thay máu” toàn bộ cán bộ xã, và thành công. Sau chuyến công tác tăng cường ở cơ sở đầy ấn tượng này, ông chính thức về làm việc trong ngành Tư pháp với vai trò Phó Giám đốc.
Một cuộc đấu tranh khác mà ông Sụn cho rằng, có thể cả đời ông không thể quên trong cuộc đời làm tư pháp của mình là một lần ông phải đấu tranh, vận động để một cán bộ tư pháp xã xin nghỉ việc. Đây là một xã của huyện Xín Mần.
Mỗi lần tập huấn, ông Sụn luôn thấy cán bộ này lúc nào cũng ngồi bàn đầu, rất chăm chú lắng nghe nhưng trong một lần xuống cơ sở thì “tôi thật sự xấu hổ vì đồng chí cán bộ tư pháp không biết gì. Hỏi công việc thường làm là gì thì đồng chí ấy thản nhiên trả lời, đi chợ, mua gà, làm cơm” – ông Sụn không ngần ngại cho biết.
Thêm vài lần xuống kiểm tra nhưng không thấy cán bộ này có sự thay đổi, ông quyết tâm vận động cho cán bộ này nghỉ việc, nhưng không hề dễ dàng. Vừa hiểu ra rằng mình có thể bị mất việc, cán bộ này đã thách thức vị Phó Giám đốc Sở: “Nếu bị nghỉ việc tôi sẽ xúi người dân theo đạo trái phép”.
Vừa nghe đến đạo trái phép ông Sụn đã giật mình. Cán bộ này “bám bản” lâu, chắc chắn dân sẽ nghe ông ấy. Thế là ông Sụn lại vừa phải xoa dịu, vừa nghĩ đến việc chuyển hướng, vận động cán bộ huyện, cán bộ xã tìm cho cán bộ kia công việc thích hợp để đưa cán bộ tư pháp có chuyên môn về làm việc. Cuối cùng vị này cũng đồng ý chuyển sang làm công tác chữ thập đỏ ở xã.
Sát dân, gần cơ sở
Có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt mà đích thân ông Sụn phải kiên quyết thực hiện bằng được như đổi lại họ chính xác cho người dân. Vị Phó Giám đốc kể, nhiều địa bàn ở tỉnh, bố họ Giàng, con lại mang họ Dương vì quan điểm của cán bộ cũ thì Dương và Giàng đọc giống nhau. Hoặc như họ Thào và họ Pào, họ Bàn và họ Phàn…
Đi kiểm tra mới nhận ra rất nhiều gia đình rơi vào trường hợp bố một họ, con một họ gây ra rất nhiều phiền toái, bất lợi cho bà con. Nhưng đến khi vận động người dân đi đổi lại họ, dân vẫn còn thản nhiên so sánh “những nhà kia cũng vậy, có ảnh hưởng gì đâu”. Ông lại phải kiên trì giải thích quyền lợi, giải thích chính sách để người dân vui vẻ “tìm lại con cho bố”.
Tư duy sắc sảo của một người nghiên cứu và hiểu luật khiến ông đọc ra ngay được những thuận lợi và khó khăn của mỗi cán bộ cơ sở mà chưa cần nghe họ… kêu ca. Ông bảo, chỉ cần kiểm tra sổ sách biết ngay sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tư pháp đến đâu. Trên cơ sở đó, ông đã thiết lập nhiều buổi làm việc thẳng thắn với các lãnh đạo để đề nghị xã tạo điều kiện để cán bộ tư pháp ở cơ sở được thực hiện tốt công việc chuyên môn của mình.
Tiếp xúc với Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang Nguyễn Duy Sụn, điều tôi cảm nhận được là trong con người ông lúc nào cũng đầy ắp nhiệt huyết và trăn trở với nghề. 13 năm gắn bó với ngành Tư pháp ông Sụn đã được tặng nhiều danh hiệu thi đua song điều ông luôn tâm niệm là làm sao có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của Tư pháp địa phương…