Ông Vĩnh đang hướng dẫn người dân làm thủ tục thừa kế tài sản |
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, ông Doãn Ngọc Vĩnh tham gia hoạt động đoàn thanh niên. Từ năm 1991, ông được phân công làm Phó Công an xã kiêm cán bộ hộ tịch của địa phương. Cùng với sự cố gắng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ cán bộ công an xã, ông được chuyển qua đảm nhận công việc của một cán bộ tư pháp xã.
Thời điểm đó, phụ cấp chưa đến 200 ngàn đồng/tháng, nhiều người đã khuyên ông nên nghỉ việc về kinh doanh buôn bán có thu nhập hơn. Nhưng với sự tận tụy, cần cù, không quản ngại khó khăn, ông vẫn quyết tâm ở lại gắn bó với nghề tư pháp.
Qua thời gian, ông Vĩnh đúc kết ra rằng, muốn pháp luật đến với người dân thì cần thiết phải có kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể một cách phù hợp. Bản thân người cán bộ tư pháp phải luôn tìm tòi, học hỏi nâng cao trình độ, từ đó có tham mưu đề xuất đổi mới cả nội dung và cách thức tuyên truyền pháp luật.
Trong nhiều năm qua, tư pháp xã đã phối hợp với các ban, ngành thành lập được 11/11 xóm có câu lạc bộ (CLB) phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; CLB vì sự tiến bộ của phụ nữ; CLB nuôi con khỏe, dạy con ngoan…
“Thông qua những CLB, nhân dân sẽ được phổ biến những điều luật, từ đó từng người có ý thức tôn trọng và tuân thủ theo pháp luật. Ngoài các CLB trên thì xã còn tổ chức phát tờ rơi, thông tin trên đài phát thanh xã mỗi ngày 2 lần…”, ông Vĩnh chia sẻ.
Cán bộ được dân tin yêu
Hơn 24 năm gắn bó với tư pháp, có rất nhiều những kỷ niệm buồn vui trải qua trong nghề, nhưng mỗi trường hợp ông luôn có những cách giải quyết hợp lòng dân, đẹp tình làng nghĩa xóm.
Những chủ trương mà Ban Tư pháp xã tham mưu cho lãnh đạo địa phương luôn được nhân dân đồng thuận và ủng hộ cao. Có người dân đi khiếu kiện đòi đất vô căn cứ được ông Vĩnh khuyên chân tình nhưng không nghe, sau khi mất nhiều thời gian cho việc kiện cáo, tỉnh ngộ ra đã đến gặp ông Vĩnh giãi bày: “Biết rứa tui nghe chú Vĩnh thì mần chi mất nhiều thời gian và tiền của rứa”.
Tương tự, có nhiều người dân có vướng mắc về pháp luật đã tin cậy tìm đến ông Vĩnh để được tư vấn, hướng dẫn để có cách giải quyết thấu đáo. Một gia đình trẻ đến bây giờ vẫn thầm cảm ơn cán bộ tư pháp Doãn Ngọc Vĩnh vì những giải thích cặn kẽ, những lời khuyên về cuộc sống gia đình.
Chuyện là, một cặp vợ chồng trẻ vì mâu thuẫn gia đình mà người vợ quyết đâm đơn ly hôn. Thôn xóm và các hội đã tổ chức nhiều buổi hòa giải nhưng người vợ vẫn không thay đổi quyết định. Ông Vĩnh đã mời hai vợ chồng lên để làm việc, qua nhiều giải thích cặn kẽ, khuyên giải thiệt hơn, cuối cùng người vợ đã chủ động tìm gặp ông Vĩnh và quyết định rút đơn ly hôn. Đến nay, hai vợ chồng có cuộc sống khá ổn định, đã sinh con và kinh tế khá giả.
Trong suốt 24 năm gắn bó với công tác tư pháp, ông Vĩnh đã tham gia hòa giải thành công 60 vụ, góp phần hóa giải nhiều mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai…Điển hình là vụ việc hai nhà hàng xóm tranh chấp đất nhiều năm, mâu thuẫn sâu sắc. Ông Vĩnh đã lắng nghe ý kiến của hai bên, kiên trì hòa giải, thuyết phục hai nhà tìm được “tiếng nói chung”.
Sau khi được ông Vĩnh giải quyết vụ tranh chấp có tình, có lý, hai gia đình đã trở nên thân thiết đúng nghĩa “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”.
“Cái khó nhất trong công tác tư pháp là giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Để giải quyết vụ việc công bằng, cần thiết phải học hỏi nắm bắt các văn bản quy phạm pháp luật nhưng cũng cần phải hợp lòng dân…” - ông Vĩnh tâm sự.
Cách đây 10 năm về trước, Nghi Thái từ một xã thuộc diện nghèo nhất huyện Nghi Lộc nay đã vươn lên thành xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện, trong đó có sự đóng góp của tư pháp xã nói chung, ông Vĩnh nói riêng.
Với những cố gắng trong công tác, ông Doãn Ngọc Vĩnh đã có nhiều thành tích được ghi nhận, với nhiều Bằng khen, Giấy khen… của tỉnh, huyện và Sở Tư pháp Nghệ An. Năm 2014 vừa qua ông được UBND tỉnh vinh danh Hòa giải viên cơ sở có thành tích xuất sắc…