Chuyện về những giấc mơ âm nhạc

(PLVN) -  Giữa thành phố xô bồ, những bạn trẻ có tài năng, có nhiệt huyết và đam mê âm nhạc vẫn âm thầm nuôi dưỡng ước mơ của mình. Các phòng trà, quán cà phê, lề đường, công viên, quán nhậu... chính là nơi họ “trổ tài”, rèn luyện và nuôi nghề.
Các bạn trẻ hát cho công chúng nghe tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Âm nhạc là đam mê

Có mặt tại khu vực công viên bến Bạch Đằng, nhóm nhạc 3 người gồm các bạn trẻ Lê Thi Quỳnh Hoa, Nguyễn Kim Sang và Hoàng Tấn Phát say sưa biểu diễn những ca khúc đang được giới trẻ ưa chuộng hiện nay như “Đâu ai chung tình được mãi”, “Hết thương cạn nhớ”, “Ánh nắng của anh”... Hai bạn trai đánh đàn, bạn nữ say sưa hát, chung quanh có hơn 10 khán giả, người ngồi, người đứng, đều là khách đi chơi ở khu vực trung tâm, thấy hay dừng chân ghé xem. Cứ mỗi khi bài hát kết thúc, tràng vỗ tay từ phía các khán giả trẻ tuổi lại vang lên, cùng với lời yêu cầu những bài hát khác. Nhóm nhạc ba bạn trẻ lại say mê hát tiếp.

Quỳnh Hoa chia sẻ, họ là ba người bạn cùng quê ở Bình Thuận, vào TP HCM học. Quỳnh Hoa học Đại học Văn hóa TP HCM, hai bạn còn lại, người thì đã đi làm, người thì học một trường cao đẳng về nghệ thuật. Họ có điểm chung là rất mê ca hát, mong muốn được trau dồi, rèn luyện giọng hát của mình. “Tụi em từ cấp ba học chung đã thích hát, thường cùng nhau biểu diễn văn nghệ ở trường. Vào Sài Gòn tuy mỗi đứa mỗi trường, nhưng vẫn mong muốn nuôi dưỡng đam mê, đã đăng kí lớp luyện thanh, học nhạc cụ. Tụi em biết giọng hát của mình còn nhiều hạn chế nên thường đến những điểm hát công cộng để phục vụ mọi người, rèn luyện giọng hát, tập giao lưu với khán giả... Mong muốn khi hoàn thiện, nhóm em sẽ tiến vào hát tại các quán cà phê, phòng trà, rồi lập kênh riêng để đến với công chúng”.

Có không ít bạn trẻ đang nuôi dưỡng ước mơ âm nhạc giữa những thành phố rộng lớn. Hiện nay, vào mỗi buổi tối, đông nhất là hai ngày cuối tuần, khu vực bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ là khu vực tập trung nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật đường phố của giới trẻ Sài thành. Các hoạt động được thường xuyên tổ chức như âm nhạc acoustic, nhảy Flashmob, nhảy Kpop, Dancesport… thu hút nhiều người tập trung đến xem và hưởng ứng. Các hoạt động âm nhạc này đều hoàn toàn miễn phí.

Cạnh đó, Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM cũng thường tổ chức những đêm nhạc vào các ngày cuối tuần với ca sĩ trình diễn là các bạn trẻ không chuyên, mới bước chân vào nghề hát.

Bạn Nguyễn Thảo Ngân, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, cuối tuần, Ngân và các bạn thường ra khu vực bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ hoặc Nhà văn hóa Thanh niên để nghe các bạn trẻ biểu diễn âm nhạc. Thảo Ngân cho biết, những hoạt động âm nhạc này rất thú vị, có những bạn hát chưa hay lắm, nhưng có những bạn hát hay, nhảy đẹp không thua kém gì ca sĩ. “Quan trọng là không khí rất vui, các bạn hát có thể hay hoặc chưa hay nhưng tràn đầy năng lượng tuổi trẻ, rất sôi động, đầy nhiệt huyết, tụi mình như được truyền ngọn lửa đam mê chung với bạn. Thi thoảng, còn có thể gặp bạn bè cùng trường của mình ra biểu diễn nữa”, Thảo Ngân chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ, trong khi đeo đuổi ước mơ, cũng đã bắt đầu kiếm được những đồng tiền từ việc đi hát. Nhiều quán cà phê nho nhỏ, tụ điểm hát với nhau trong thành phố chính là môi trường để các bạn trẻ chập chững bước vào làng nghệ thuật thể hiện tài năng, thỏa mãn đam mê âm nhạc của mình. Cát xê dù không cao, nhưng cũng là một nguồn thu nhập, nguồn động viên tinh thần cho các bạn.

Một số bạn trẻ khác, ít điều kiện hơn còn lựa chọn con đường... hát rong bằng loa kẹo kéo. Phan Tấn Phong, 21 tuổi, quê Quảng Ngãi cho biết mình đi hát rong bằng loa kẹo kéo đã 2 năm nay. Phong nói mình rất mê ca hát nhưng nhà quá nghèo, sau lưng còn đàn em ăn học, điều kiện không cho phép theo đuổi con đường nghệ thuật nên học cấp 3 xong đã chọn vào Sài Gòn bán kẹo kéo để mưu sinh và được ca hát. Thường xuất hiện tại khu vực bờ kè Hoàng Sa, Phú Nhuận hát phục vụ các quán nhậu, Phong được thực khách yêu thích vì hát các bài bolero rất ngọt ngào. Phong cho biết, mỗi tháng mình có thu nhập trên 15 triệu nhờ đi hát kẹo kéo. Mong muốn của Phong là sau khi hai em học hành tử tế, Phong sẽ đi học thanh nhạc để theo đuổi con đường nghệ thuật, bởi vì “đeo đuổi ước mơ không bao giờ là muộn”.

Nỗ lực được đền đáp

Hàng ngàn bạn trẻ đang loay hoay trên con đường đến với giấc mơ nghệ thuật của mình. Có những người, vì vất vả nhiều mà không được “Tổ nghề” đến đáp, vì cuộc mưu sinh, hoàn cảnh bắt buộc đã phải rời bỏ mơ ước.

Như chuyện của Lâm Hữu Phong, một ca sĩ từng hát ở nhiều quán cà phê nhạc trẻ trên địa bàn quận Gò Vấp, TP HCM. Lâm Hữu Phong là nghệ danh, còn tên thật là Lâm Văn Định, quê ở Quảng Bình, có chất giọng khỏe, truyền cảm. Tốt nghiệp trung cấp kế toán, Phong ngày đi làm kế toán viên tại một công ty giày da, đêm đêm xin đi hát tại các quán cà phê. Ban đầu, để được nhận, Phong xin hát miễn phí, sau đó mức cát xê tăng dần. Những khán giả nghe giọng Phong đều khen chất giọng hay, có triển vọng. Thế nhưng, vận may không đến khi Phong tham gia rất nhiều cuộc thi ca hát, gameshow âm nhạc mà chưa khi nào lọt vào qua vòng sơ khảo. 29 tuổi, Phong lập gia đình và đón con trai đầu lòng. Đầu năm nay, Phong quyết định bỏ nghề vì trước mắt anh còn cả một gia đình cần chăm lo. Những ước mơ thuở trai trẻ đành phải xếp lại trước thực tế cuộc sống.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thất bại trên con đường đeo đuổi ước mơ nghệ thuật. Ngày nay, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ có tài năng, có nỗ lực và sự năng động đã biến ước mơ thành hiện thực. Có những bạn trẻ lập ra những kênh mạng xã hội để đăng tải các tiết mục trình diễn đường phố của mình lên mạng, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, trở thành “hiện tượng mạng”. Nhiều ngôi sao nhạc Rap hiện nay cũng xuất thân từ những nhóm nhạc đường phố, hát cho cộng đồng nghe.

Đen Vâu từ công nhân vệ sinh đã thành công chạm đến giấc mơ, trở thành ngôi sao nhạc rap.

Trong giới trẻ, Đen Vâu là một cái tên đình đám, anh được yêu thích không chỉ bởi tài năng âm nhạc, là người sáng tác ra những ca khúc nhạc rap hay và ý nghĩa mà còn bởi Đen Vâu là một “biểu tượng” của tinh thần vượt khó, nỗ lực không ngừng và thành công chạm đến giấc mơ nghệ thuật.

Đen Vâu tên thật là Nguyễn Đức Cường, quê Quảng Ninh. Rap với anh là đam mê từ thuở cắp sách đến trường. Khi còn đi học, Đen Vâu thường ngồi tập viết lời rap kín các quyển vở, đọc đi đọc lại và nghêu ngao hát, tham gia tất cả các chương trình văn nghệ tại trường với các bài hát của mình.

Tốt nghiệp cấp 3, Đen Vâu trở thành một công nhân vệ sinh bãi biển ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và gắn bó với nghề này suốt 7 năm. Anh từng mở quán cà phê ca nhạc với bạn bè, nhưng rồi thất bại, quay trở lại với nghề công nhân vệ sinh. Nhưng Đen Vâu chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình.

Năm ấy, Đen Vâu nghỉ làm, cùng bạn bè đi xuyên Việt. Đó là một hành trình “vừa đi vừa hát” dọc mọi nẻo đường Tổ quốc của anh và nhóm bạn. Tình cờ, anh được mời đi hát ở Huế, có cát xê. Rồi đến năm 2014, anh viết ca khúc “Đưa nhau đi trốn” và gửi cho Linh Cáo, một người bạn ở Huế quen trên diễn đàn. Họ thu âm, sau đó bài hát lan tỏa, nhanh chóng trở thành “hiện tượng mạng”. Sự nghiệp âm nhạc của Đen Vâu bắt đầu khởi sắc từ đó, cho đến khi trở thành một Đen Vâu sở hữu hàng loạt ca khúc triệu view, có hàng triệu fan hâm mộ như ngày nay.

Trên hành trình tìm kiếm mục đích sống, chạm tay đến với ước mơ, các bạn trẻ đã có biết bao nỗ lực, bao giọt mồ hôi, bao nhiêu giọt nước mắt, vì vất vả, vì cay đắng, hay xúc động, mừng vui. Nhưng dù kết quả có thế nào đi nữa, dù họ có thành danh, nổi tiếng, hay phải từ bỏ cuộc chơi, thì đó vẫn là một hành trình đẹp, được đốt lên bởi ngọn lửa nhiệt huyết, yêu và sống hết mình của tuổi trẻ. Mà tuổi trẻ ai cũng chỉ sống một lần...

Đọc thêm