Chuyện vỉa hè lát đá 70 năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2016, UBND TP Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ 70 năm. Một số lãnh đạo sở, ngành khi ấy tuyên bố “chắc như đinh đóng cột” rằng vỉa hè lát đá sẽ có tuổi thọ bằng cả đời người.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: Báo Xây dựng
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: Báo Xây dựng

Đến nay, Hà Nội đã có khoảng 255 tuyến phố, vỉa hè được lát đá tự nhiên, chủ yếu tập trung ở một số quận như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân. Tuy nhiên, khi hoàn tất thi công và đưa vào sử dụng, một số vỉa hè lát loại đá này bị xuống cấp chỉ trong vài năm.

Năm nay cũng vậy, tại một số tuyến đường như: Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa), Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Giảng Võ (Ba Đình)..., hiện trạng cho thấy vỉa hè được lát đá tự nhiên đều xuống cấp. Nhiều đoạn dài nhan nhản vết nứt, vỡ. Có chỗ các viên đá lát bung ra, vỡ nát khiến vỉa hè lồi lõm, lởm chởm. Chưa biết đến khi nào “điệp khúc” lát đá – vỡ - sửa chữa này mới ngưng lại.

Một giảng viên cao cấp Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến nhiều đoạn vỉa hè Hà Nội dù lát đá tự nhiên có tuổi thọ 50 - 70 năm nhưng lại xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng.

Đầu tiên, kích thước và công nghệ lát đá vô cùng quan trọng. Vỉa hè Hà Nội, theo quan sát, đa số lát bằng đá khổ rộng nhưng chỉ dày vài cm. Ngoài ra, việc quản lý, thi công và giám sát thi công cũng có thể là nguyên nhân khiến vỉa hè xuống cấp nhanh chóng. Tuổi thọ 50 - 70 năm chỉ thể hiện độ bền của vật liệu. Nhưng chủng loại đá, kích thước và công nghệ lát như thế nào mới là vấn đề quan trọng, tác động đến độ bền của vỉa hè sau khi được lát.

Còn một nguyên nhân nữa, chức năng số một của vỉa hè là chỉ phục vụ người đi bộ. Ở Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung, ngoài phục vụ đi bộ, vỉa hè còn phục vụ nhu cầu vận tải. Có những nơi, vỉa hè còn bị tận dụng để đỗ ô tô, xe cơ giới. Thế nên “đá 70 năm” chịu không nổi.

Sâu xa hơn, theo một chuyên gia, đá lát được cưa xẻ từ những tảng đá lớn. Những tảng đá lớn đó phải kích nổ để lấy từ núi về, sau đó trải qua hàng loạt công đoạn mới cho ra được những viên đá lát. “Ra lò” từ tảng đá bị kích nổ, có viên đá còn nguyên vẹn, nhưng có những viên được lấy từ phần đá chỗ gần thuốc nổ sẽ bị “om”, tức là có những vết nứt ngầm rất nhỏ, dù nhìn bằng mắt vẫn bình thường; sẽ nhanh chóng bị nứt, vỡ. Bên cạnh đó, lát đá quan trọng là lớp lót nền phải phẳng, không được lún, nếu có sự chênh lệch cốt nền dẫn đến nứt, vỡ đá.

Bên cạnh đó, một số ý kiến băn khoăn việc lát tất cả vỉa hè bằng đá liệu đã phù hợp. Ngay ở các nước phát triển trên thế giới, thường kết hợp nhiều vật liệu lát vỉa hè khác nhau để hài hòa yếu tố bền bỉ, tiện lợi, thẩm mỹ, chứ không nhất thiết đồng nhất một loại vật liệu.

Vì vậy, cần dung hòa các yếu tố để tìm kiếm phương án vỉa hè Hà Nội nên làm bằng gì để vừa đảm bảo tính mỹ quan, bền vững lại vừa tránh lãng phí.

Đọc thêm