Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh chủ trương Chính phủ kiến tạo, cải cách TTHC, thay dần tư duy quản lý, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Theo đó, trong năm qua, việc rà soát tất cả các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, tập trung những vấn đề liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách, TTHC... Bộ trưởng Dũng cho biết, lần đầu tiên Chính phủ không nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Trong 3 tháng 2016, Chính phủ đã tập trung xây dựng 49 Nghị định thực hiện luật đầu tư, tập trung điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc triển khai ở nhiều nơi vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế như công tác triển khai tại địa phương còn lúng túng, hình thức, tổ chức một cửa nhưng vẫn nhiều dấu, nhận – trả hồ sơ chậm trễ, chất lượng giải quyết công việc còn thấp vì vướng kết nối kỹ thuật, năng lực cán bộ bộ phận một cửa không cao…
Bộ trưởng Dũng lưu ý đến 5 tồn tại lớn cần khắc phục nhằm triển khai tốt hơn cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đó là phải làm rõ nguyên tắc người dân, tổ chức có quyền lựa chọn dịch vụ, nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất; người dân được tham gia giám sát cán bộ công chức trong việc thực thi công vụ; mở rộng mô hình bộ phận một cửa tới cả các bộ, ngành; đặt bộ phận này dưới sự phụ trách trực tiếp của Bộ trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch UBND các cấp…
Nhắc đến vấn đề áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết, xử lý công việc, Bộ trưởng Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ (VPCP) quyết tâm đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin. Mỗi một tháng, VPCP nhận được khoảng 14-15 nghìn văn bản từ các bộ, ngành, địa phương chuyển đến. Trong xử lý văn bản để lập hồ sơ chiếm khoảng 65%-66%, văn bản khi được chuyển đến VPCP được nhập dữ liệu sau đó chuyển đến các vụ, cục, đơn vị trực thuộc.
Hồ sơ văn bản nhận được tại VPCP được tính từ ngày văn thư nhận và chuyển đến các vụ, cục, đơn vị. Hồ sơ nếu chậm trả lời các bộ, ngành, địa phương được lưu cụ thể trong hệ thống của VPCP. Năm 2016, VPCP đã kiểm tra nhiều lần việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức và khi kiểm tra vẫn còn tình trạng để chậm trễ. “Ta cứ sòng phẳng nói thẳng với nhau cả những yếu kém, tồn tại như thế. Qua theo dõi bằng cách này, chuyên viên mà mắc lỗi 2 lần trong quá trình giải quyết công việc sẽ phải điều chuyển công tác. Làm cách này thì không thể giấu lỗi được vì văn bản hiện rõ những thông số như đang nằm ở đâu, nằm ở bàn chuyên viên bao nhiêu ngày, ở phòng lãnh đạo vụ/cục bao nhiêu ngày. Có những chuyên viên dùng xảo thuật để đánh lừa lãnh đạo nhưng việc đó cũng vẫn để lại vết, có thể thấy hết những lắt léo” - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, Nghị định cần mở rộng phạm vi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm cả các bộ, ngành, thay vì chỉ ở các địa phương như trước. Tuy nhiên, phải tính đến “đặc thù” trong tổ chức và hoạt động của mỗi bộ, ngành.