Luật gia Chu Văn Quân - Hội Luật gia Việt Nam trả lời: Căn cứ theo qui định tại điểm g, khoản 1, Điều 24, Luật cư trú năm 2020 thì một trong các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú, đó là: Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này.
Như vậy, khi bán nhà bạn chưa bị xóa đăng ký thường trú ngay tại thời điểm đó. Nhưng nếu sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu nhà ở mà bạn vẫn chưa đăng ký thường trú tại nơi ở mới, đồng thời người mua nhà không đồng ý cho bạn tiếp tục được giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó thì bạn sẽ bị xóa đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật.
Do đó, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký thường trú tại nơi ở mới (nếu đủ điều kiện) theo đúng qui định. Căn cứ theo khoản 4, Điều 22, Luật cư trú 2020 qui định rõ: Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo qui định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
Nếu không thực hiện đúng qui định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, bạn sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo qui định tại điểm a, khoản 1, Điều 9, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.