Có bồi hoàn được danh dự cho cảnh sát bị tố nhận hối lộ tiền tỷ?

Sau 4 năm điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can đối với Nguyễn Thành Nam - một cảnh sát giao thông ở Vĩnh Long bị tố cáo nhận hối lộ 1,2 tỷ đồng - theo điều 25 Bộ luật Hình sự. 

Sau 4 năm điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can đối với Nguyễn Thành Nam - một cảnh sát giao thông ở Vĩnh Long bị tố cáo nhận hối lộ 1,2 tỷ đồng - theo điều 25 Bộ luật Hình sự. Nguyên nhân do trong lúc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh khám xét nhà riêng của Nguyễn Thành Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Vĩnh Long đã không thực hiện đúng trình tự thủ tục, chứng cứ phạm tội còn non, thiếu cơ sở... 
Anh Nguyễn Thành Nam với đơn kêu cứu các cơ quan chức năng phục hồi danh dự cho mình.
Anh Nguyễn Thành Nam với đơn kêu cứu các cơ quan chức năng phục hồi danh dự cho mình.
Có hay không tội “Vu khống”?
Theo đơn tố cáo, khoảng đầu năm 2007 đến tháng 6/2008, do sợ bị cảnh sát giao thông (CSGT) bắt và phạt khi chở hàng quá tải qua địa phận tỉnh Vĩnh Long nên các lái xe và chủ xe gồm Nguyễn Tấn Thọ, Ngô Văn Đảm, Trần Thanh Tân, Đoàn Quốc Vinh, Huỳnh Hữu Hoàng, Nguyễn Văn Minh Nên, Lương Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Văn Minh Lý chở hàng đông lạnh tuyến Cần Thơ - TP.Hồ Chí Minh đã trao đổi với nhau: Nên tìm người quen CSGT trạm 19.1 Mỹ Thuận - Vĩnh Long (trực thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Long) đặt vấn đề chung chi tiền tháng... 
Trong lúc này, Đặng Minh Cường (chủ xe 63L-4998 và 57K-0999) đồng thời là chủ các mối hàng đông lạnh giao cho các lái xe trên chở hàng đã nhận lời gặp CSGT Nguyễn Thành Nam đặt vấn đề chung chi. Sau khi thống nhất số tiền chung chi sẽ thông báo cho các chủ xe, lái xe biết..., Cường biết được một lái xe cũ tên Tống Từ Linh biết nhà Nam nên Cường nhờ Linh dẫn đến nhà để thỏa thuận. 
Ngày 27/6/2008, Linh chở Cường đến nhà Nam (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ). Tại đây, Cường nói dối với Nam là mình có đến 14 xe, nhưng thực chất Cường chỉ có hai xe, 12 xe kia là của người khác. Cả hai thỏa thuận giá mỗi chiếc 1,5 triệu đồng/tháng và Cường đưa cho Nam 18 triệu đồng. 
Sáng hôm sau, Cường viết danh sách 14 biển số xe, chủ xe trên và tự mang đến nhà đưa cho Nam. Sau đó, Cường thông báo cho các lái xe, chủ xe trên biết số tiền chung chi cho CSGT là mỗi xe 1,5 triệu đồng/tháng. Các lái xe, chủ xe đều đồng ý và đã đưa tiền trực tiếp cho Cường hoặc để Cường trừ vào cước vận chuyển hàng...
Sau đó, Cường đã tố cáo CSGT Nam tội nhận hối lộ và số tiền chung chi lên đến hàng tỉ đồng. Ngày 30/12/2008, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của Nguyễn Thành Nam. 
Ngày 25/5/2010, VKSND tỉnh Vĩnh Long đề nghị chuyển vụ án lên cấp trên. Ngày 18/6/2010, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự và quyết định phục hồi điều tra bị can. Đến ngày 11/11/2010, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định đình chỉ vụ án số 01/C44B và Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01/C44B.
Điều tra của Công an tỉnh Vĩnh Long vi phạm thủ tục
Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Vĩnh Long, Đặng Minh Cường thừa nhận đã trực tiếp đến nhà Nam thỏa thuận việc chung chi do bị CSGT kiểm tra tải trọng quá gắt gao và liên tục. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án lại cho thấy: Trước khi thỏa thuận chung chi thì trong năm 2007, 14 xe mà Cường cho danh sách đều không có xe nào bị bắt; năm 2008 chỉ có 5 trường hợp bị xử lý. Đồng thời, các chủ xe và lái xe đưa tiền cho Cường, đa số họ không biết Cường có chung chi cho Nam hay không.
Ngoài ra, Đặng Minh Cường còn khai 3 lần đưa 53 triệu đồng và 1 máy phát điện cho Nam nhưng không đủ căn cứ chứng minh. Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định xử lý vật chứng, trả lại 1 máy phát điện cho anh Huỳnh Minh Tuấn...
Đặc biệt, tại Báo cáo số 346/BC-CQ.CSĐT (PC15) ngày 1/9/2009 của Công an tỉnh Vĩnh Long thể hiện: Nguyễn Thành Nam phạm tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” (44 triệu đồng) thông qua hành vi xin miễn hình phạt bổ sung cho các lái xe bị vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, nghiên cứu báo cáo và tài liệu trong hồ sơ vụ án cho thấy: Việc giao - nhận tiền không có nhân chứng, không có tài liệu chứng minh, hồ sơ xử lý vi phạm chỉ có 5/15 trường hợp xin miễn hình phạt liên quan đến Nguyễn Thành Nam. Lời khai của người đưa tiền, nhân chứng không thống nhất và hiện đã bỏ trốn khỏi địa phương...  
Trong cuộc họp cấp chuyên viên 3 ngành Trung ương về vụ án này, Đồng chí Hoàng Doãn Đức - Phó Chánh án hình sự TAND TC nói: Việc khám xét không có mặt Nam, người làm chứng không chứng kiến quá trình khám xét và không ký vào biên bản khám xét. Điều tra viên chủ trì khám xét không được ủy nhiệm trong lệnh khám xét đã được phê chuẩn, không được phân công điều tra...  Vấn đề này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không thể khắc phục được.

Trong bản kết luận điều tra bổ sung do Thiếu tướng Cao Minh Nhạn - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ký đưa ra nhiều vấn đề sai sót do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long thực hiện.

Cụ thể như ngày 30/12/2008, Điều tra viên Nguyễn Văn Chính đã chủ trì việc khám xét theo lệnh khám xét số 01 ngày 29/12/2008 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long, nhưng Chinh không có tên trong quyết định phân công điều tra do Thủ trưởng đơn vị ký và không có tên trong lệnh khám xét đã được VKSND phê chuẩn; biên bản khám xét không ghi cụ thể tình trạng, đặc điểm và nơi phát hiện miếng giấy ghi 14 biển số xe theo đúng quy định; ông Nguyễn Văn Trác được mời làm nhân chứng khám xét, kê biên tài sản, nhưng chỉ ngồi ngoài hiên nhà Nam, không ký tên trong biên bản...

Mặc dù đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, vụ án Nguyễn Thành Nam vẫn còn nhiều khuất tất trong quá trình xử lý. Bởi anh đã bị tước quận tịch, khai trừ Đảng, ngồi tù hơn 3 tháng và danh dự của Đảng viên, của chiến sĩ công an đã trong anh đã bị chà đạp... Mong rằng, cơ quan chức năng nhanh chóng kết thúc vụ án, trả lại sự công bằng, nỗi oan ức mà Nam phải gánh chịu trong thời gian qua.
Ngọc Long

Đọc thêm