Đột phá về cải cách hành chính
Việc triển khai Cơ chế MCQG, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính. Thông qua Cơ chế MCQG, DN không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, của nền kinh tế, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Bên cạnh lợi ích đối với DN, việc triển khai Cơ chế MCQG cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, giúp các cơ quan nhà nước làm quen và dần chuyển đổi sang thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phi giấy tờ và có nhiều kinh nghiệm hơn trong đơn giản hóa, cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính; giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thỏa thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính tại nước nhập khẩu; giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, giảm sự tiếp xúc giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra, góp phần phòng, chống tham nhũng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh: Năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, DN tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu). Kết quả này phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới. Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 04 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
Tổng cục Hải quan khẳng định, từ nay đến cuối năm 2018, các Bộ, ngành sẽ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế MCQG, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Cơ chế MCQG, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại. Trên cơ sở Kế hoạch hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động của đơn vị mình và tổ chức thực hiện Cơ chế MCQG.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng đẩy nhanh việc rà soát, thống nhất thủ tục hành chính; xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế MCQG, Cơ chế một cửa ASEAN cũng như tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN thực hiện Cơ chế MCQG, Cơ chế một cửa ASEAN.
Với vai trò là cơ quan thường trực, bên cạnh việc tập trung nguồn lực xây dựng và nâng cấp Cổng thông tin MCQG để kết nối với các Bộ, ngành, Tổng cục Hải quan luôn phối hợp chặt chẽ và làm cầu nối giữa các Bộ, ngành trong việc triển khai các mục tiêu đặt ra tại kế hoạch hành động cũng như có cơ chế giám sát triển khai và báo cáo Ủy ban chỉ đạo 1899.