Cơ chế mua bán điện trực tiếp: Hướng tới phát triển thị trường điện cạnh tranh

(PLVN) - Hôm qua (14/5), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được xác định trong Luật Điện lực, là nền tảng tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh. (Ảnh: VGP).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự thảo Nghị định quy định mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia; trình tự thực hiện, trách nhiệm các đơn vị có liên quan… Quan điểm xây dựng Nghị định là bảo đảm khả thi, thực hiện được ngay, hạn chế văn bản hướng dẫn.

Theo đó, mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng áp dụng cho các khách hàng ở gần nguồn phát và thực hiện mua bán điện không sử dụng lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Việc mua bán điện trong trường hợp này được thực hiện đơn giản, giá điện được thỏa thuận giữa đơn vị phát điện và khách hàng. Hiện hình thức mua bán điện trực tiếp này đã và đang được triển khai tại các khu công nghiệp.

Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia áp dụng cho các khách hàng ở xa nguồn phát thực hiện mua điện qua thị trường điện giao ngay. Theo đó, khách hàng có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ (bao gồm giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) và các chi phí thanh toán khác.

Các ý kiến tại cuộc họp tiếp tục làm rõ quy định chi tiết đối với tiêu chí xác định phạm vi, đối tượng tham gia cơ chế DPPA theo công suất phát, sản lượng tiêu thụ, điện áp truyền tải; làm rõ nội hàm, định nghĩa các khái niệm, như khách hàng lớn, mua bán trực tiếp; trình tự, thủ tục xác định mức độ tiêu thụ và cấp tín chỉ xanh đối với doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo… Đại diện hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài mong muốn Nghị định sớm được ban hành với những cơ chế, chính sách được cụ thể hóa.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết, cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được xác định trong Luật Điện lực là nền tảng tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Vì vậy, Nghị định cần làm rõ đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên tham gia mua bán điện trực tiếp về lợi ích kinh tế, bảo đảm an toàn lưới điện; chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tiêu dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để nhận được tín chỉ xanh…

Đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, hoặc đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện, Phó Thủ tướng gợi mở hướng không quy định về giới hạn quy mô công suất, không phụ thuộc vào quy hoạch, được quản lý theo các quy định pháp luật về thuế, môi trường, phòng, chống cháy nổ, an toàn xây dựng… Hình thức mua bán điện trực tiếp sử dụng lưới điện quốc gia phải được tính đúng, tính đủ các chi phí sử dụng hạ tầng vận hành, truyền tải, bảo đảm an toàn hệ thống, phù hợp với các quy hoạch điện lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán, công bố công suất điện tái tạo có thể huy động, truyền tải trên công suất nguồn điện nền, làm căn cứ để điều chỉnh giảm các nguồn điện than, điện khí trong quy hoạch. Bên cạnh đó, Nghị định cần quy định quy trình minh bạch, công khai về hiện trạng các nguồn điện mà các doanh nghiệp đang sử dụng để cơ quan nhà nước quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện cung cấp tín chỉ xanh.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về nội dung liên quan mua bán trực tiếp đối với điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp; nguồn điện tái tạo có thiết bị, pin lưu trữ điện; đánh giá tác động đối với giá thành, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sử dụng nguồn điện tái tạo đối với khả năng chi trả của người dân…

Đọc thêm