Bắt đầu là việc tạm đình chỉ rồi dẫn đến cấm vĩnh viễn 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 với các lý do không có sức thuyết phục khiến dư luận bất bình. Nếu cứ áp những lý do để cấm những ca khúc này thì nhiều trường hợp khác cũng sẽ bị cấm tương tự như “Dạ cổ hoài lang” chẳng hạn vì không rõ bản gốc và bị sửa lời qua nhiều thế hệ. Những bài hát, ca khúc nổi tiếng, thịnh hành được hàng triệu người ưa thích, thuộc lòng hẳn cũng đang nơm nớp với trạng thái “sống trong sợ hãi”!
Tiếp tục, điều gây bất ngờ lớn cho đông đảo người Việt Nam yêu nước và yêu ca nhạc là bài hát “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn không được phép biểu diễn, lý do là “chưa xin phép”.
Thật khổ cho những người tổ chức đêm hát tưởng nhớ cố nhạc sỹ phải làm một thủ tục rất hình thức là gửi bản nhạc và “đơn xin” ra Hà Nội thì mới được cấp phép hát bài này. Nhà quản lý văn hóa bảo là không vấn đề gì, xin phép thì cấp phép thôi. Cái mà ông cho là đơn giản lại gây khó cho biết bao người cùng với cả sự phẫn nộ nữa!
Chưa hết, người ta phát hiện ra trong danh mục những bài hát đã được cấp phép lưu hành và biểu diễn không có bài hát nào của cố nhạc sỹ Văn Cao – tác giả của Quốc ca Việt Nam. Thay vào đó, các bài hát của ông được “chuyển” cho một tác giả khác đứng tên là Văn Chung.
Sự nhầm lẫn này, dù vô tình hay hữu ý đều đáng chê trách cả, quản lý văn hóa – nghệ thuật lại ở trong tay những người thờ ơ và tắc trách đến thế này ư?
Một minh chứng rất rõ cho sự tắc trách đã phải trả giá đó là việc cấm bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sỹ Thuận Yến của ông Giám đốc Sở Văn hóa Tiền Giang.
Sự kiện này gây phẫn nộ trong dư luận và không ít ý kiến cho rằng ông này không xứng đáng với vị trí lãnh đạo một ngành văn hóa ở tỉnh, đồng thời kêu gọi ông từ chức. Đó chẳng phải là một bài học cần nhớ với những người quản lý văn hóa – nghệ thuật sao? Một bài học cần nhớ khác là vào năm 2014, Cục Nghệ thuật Biểu diễn từng thua kiện trong việc thu hồi giấy phép cuộc thi “Nữ hoàng biển” tổ chức tại Nha Trang vào năm 2013 vì không đúng chức năng của mình.
Việc cấm đoán trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhiều khi lại gây tác dụng ngược. Thấy rất rõ rằng 5 ca khúc bị cấm xuất hiện với tần suất lớn trên các trang mạng xã hội và cấm người ta yêu thích hoặc hát những ca khúc này là bất khả thi!
Có ý kiến đề xuất rất xác đáng rằng thay vì đưa những bài hát được cấp phép lên danh mục thì nên đưa những ca khúc bị cấm. Như vậy, danh sách sẽ ngắn hơn, rõ ràng hơn, nhiều người biết đến hơn và thuận lợi rất nhiều cho việc tổ chức biểu diễn.
Hẳn là người quản lý văn hóa cũng biết điều đó, nhưng rõ ràng quá thì không còn tạo được cơ hội để người ta phải đi xin, có lẽ đó mới là mục đích nhằm làm sống dậy cơ chế xin – cho trong bối cảnh Nhà nước ta đang nỗ lực xóa bỏ cơ chế này để có một nền quản trị kiến tạo và xây dựng!