Đáng nói, theo nhận định của Hội đồng GĐT thì hành vi của người liên quan có dấu hiệu phạm tội hình sự, cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ.
Tiền cho vay, chuyển thành “mua cổ phần”
Tranh chấp xuất phát từ việc Cty Hà Tĩnh (thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vay vốn của Cty TNHH Thiết bị Điện Đông Hưng (sau này chuyển thành Cty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội) theo 3 hợp đồng vào các năm 2007, 2008 và 2009.
Trong quá trình thực hiện vay vốn, hai Cty đã nhiều lần đối chiếu công nợ và thỏa thuận chuyển một phần tiền nợ thành tiền mà Cty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (Cty Đông Hưng) mua cổ phần (CP) của Cty Hà Tĩnh.
Theo Cty Đông Hưng thì ngoài số cổ phần theo đối chiếu công nợ nêu trên, họ còn mua CP của Cty Hà Tĩnh thông qua 3 lần nộp tiền mặt. Như vậy, tổng số tiền mà Cty Đông Hưng mua CP của Cty Hà Tĩnh là hơn 7 tỷ đồng, tương ứng 695.600 CP.
Ngày 20/9/2007, Cty Hà Tĩnh đã cấp cho Cty Đông Hưng một “Sổ sở hữu CP” chứng nhận Cty Đông Hưng sở hữu 475.600 CP, sau bổ sung 220.000 CP, nâng số CP của Cty Đông Hưng tại Cty Hà Tĩnh lên đủ 695.600 CP. Trên cơ sở này, Cty Hà Tĩnh đã tính toán tiền lãi cổ tức cho Cty Đông Hưng năm 2007 là hơn 400 triệu đồng, năm 2008 là hơn 1 tỷ đồng (đã chuyển hơn 550 triệu đồng).
Để thực hiện quyền sở hữu CP của mình, Cty Đông Hưng còn có hai Thông báo cho Cty Hà Tĩnh biết việc cử người đại diện thực hiện quyền cổ đông tại Cty này. Cụ thể, Thông báo số 17/TB-ĐH (1/7/2009) cử ông Đào Đức Thanh (Giám đốc Cty Đông Hưng), ông Đoàn Văn Mạnh, bà Thái Thị Bình làm đại diện cho phần vốn và CP của Cty Đông Hưng tại Cty Hà Tĩnh; Thông báo số 124/TB-ĐH ngày 12/4/2010 cử ông Đào Đức Thanh, ông Nguyễn Văn Vinh, Cao Thị Tuyết Minh và bà Thái Thị Bình làm đại diện cho phần vốn và CP của Cty Đông Hưng tại Cty Hà Tĩnh.
Chính vì vậy, ông Đào Đức Thanh đã được Đại hội đồng cổ đông Cty Hà Tĩnh bầu là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ I, II.
Tuy nhiên, do trong quá trình hoạt động, Cty Hà Tĩnh không cho đại diện Cty Đông Hưng thực hiện quyền cổ đông theo điều lệ. Chính vì vậy, Cty Đông Hưng đã khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Cty Hà Tĩnh để Cty Đông Hưng thực hiện quyền cổ đông theo Luật Doanh nghiệp và thanh toán tiền lãi cổ tức còn thiếu hơn 900 triệu đồng…
Bị lợi dụng do đã ký khống?
Không chấp nhận đề nghị trên, Cty Hà Tĩnh lại cho rằng không liên quan đến mua bán CP với Cty Đông Hưng mà chỉ có giao dịch mua bán Cp với cá nhân ông Đào Đức Thanh. Do vậy, 695.600 CP là của cá nhân ông Thanh. Sau đó, ông Thanh đã chuyển nhượng CP cho ông Nguyễn Văn Thiêm (Giám đốc Cty Hà Tĩnh).
Tuy nhiên, ông Thanh đã phủ nhận các giấy tờ chuyển nhượng trên và cho biết thêm, ngày 9/4/2010, ông đang họp HĐND ở huyện Đông Anh (Hà Nội) nên ngày 12/4/2010 không thể có mặt ở Hà Tĩnh để họp HĐQT Cty Hà Tĩnh (có nội dung thông qua việc ông Thanh chuyển nhượng CP cho ông Thiêm). Còn 695.600 CP là của Cty Đông Hưng và ông chỉ là đại diện cho Cty Đông Hưng nộp tiền mua CP, quản lý CP tại Cty Hà Tĩnh nên không có quyền ký giấy chuyển nhượng với tư cách cá nhân cho bất kỳ ai.
Ngoài ra, ông Thanh còn “tố”, ông Thiêm đã lợi dụng một số giấy ký khống của Chủ tịch HĐQT Cty Hà Tĩnh (tức ông Thanh) để lập biên bản, hợp đồng chuyển nhượng CP, biên bản thanh lý hợp đồng… nhằm bịa ra việc ông Thanh chuyển nhượng CP cho ông Thiêm. Chính vì vậy, Cty Đông Hưng đã đề nghị Tòa hủy bỏ giao dịch mua bán Cp giữa ông Thanh và ông Thiêm vì cho rằng giao dịch bất hợp pháp này đã làm mất CP của nguyên đơn.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Cty Đông Hưng. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm TANDTC (nay là TAND cấp cao) đã tuyên sửa bản án sơ thẩm và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tuy nhiên, tại Quyết định giám đốc thẩm (GĐT) vào tháng 11/2016, TANDTC đã hủy cả hai bản án nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Tại Quyết định này, Hội đồng GĐT đã dẫn ra nhiều chứng cứ thể hiện việc Cty Đông Hưng mua CP của Cty Hà Tĩnh và ông Thanh chỉ là người thay mặt cho Cty Đông Hưng nộp tiền. Việc mua bán CP giữa hai Cty tuy không có hợp đồng nhưng Cty Hà Tĩnh đã thanh toán hơn 500 triệu đồng tiền lãi cổ tức năm 2007, 2008 cho Cty Đông Hưng. Trên thực tế, Cty Đông Hưng đã đề nghị ghi sổ chứng nhận CP và được Cty Hà Tĩnh chấp nhận… Giấy đề nghị chuyển tiền của Cty Đông Hưng (có chữ ký ông Thanh) sang chính cá nhân ông Thanh nhưng không tài liệu thể hiện việc HĐQT Cty Đông Hưng đồng ý cho giám đốc làm việc này. Vả lại, giấy đề nghị chuyển tiền này cũng chỉ là hơn 3 tỷ trong số hơn 7 tỷ mà Cty Đông Hưng đã mua CP của Cty Hà Tĩnh…
Đặc biệt, Hội đồng GĐT cho rằng cần phải làm rõ ông Thanh đã đưa cho ông Thiêm bao nhiêu tờ giấy đã ký khống? Ông Thiêm đã sử dụng các tờ giấy mà ông Thanh ký khống vào việc gì? Nếu ông Thiêm tự tạo ra các biên bản, hợp đồng từ những giấy tờ khống này để hưởng lợi nhuận từ CP; hoặc nếu ông Thanh với tư cách cá nhân mà tự ý bán CP của Cty Đông Hưng trong khi hai người khác được Cty ủy quyền đại diện phần vốn góp cho rằng không bán thì hành vi trên của ông Thiêm và ông Thanh có dấu hiệu phạm tội hình sự, cần chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra làm rõ.
Liên quan đến “dấu hiệu hình sự nêu trên”, tại các phiên tòa trước đây, ông Thanh đã xuất trình cho HĐXX “Giấy cam kết” của ông Thiêm ghi ngày 13/4/2010 với nội dung “trả lại 10 tờ khống chỉ Cty Đông Hưng. Những giấy A Thanh ký khống chỉ để đóng dấu Cty Đông Hưng hiện đã sử dụng hết. Nếu có sử dụng trong việc làm sai trái đ/c Thiêm chịu trách nhiệm”.
Từ chứng cứ này, LS Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc) cho rằng, TAND tỉnh Hà Tĩnh cần chuyển hồ sơ để Cơ quan công an làm rõ về “đường đi” của những tờ giấy có chữ ký khống của ông Thanh và xác định trách nhiệm của ông Thiêm trong việc sử dụng những tờ giấy này.