Cô đỡ thôn, bản cánh tay nối dài để phổ biến chính sách của ngành Y tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được ví như cánh tay nối dài của ngành Y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều năm qua vai trò của đội ngũ cô đỡ thôn, bản đã được cộng đồng ghi nhận.
Hình minh hoạ (Ảnh: suckhoedoisong.vn).
Hình minh hoạ (Ảnh: suckhoedoisong.vn).

Nguồn nhân lực quan trọng

Công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc khi tỉ số tử vong mẹ toàn quốc của Việt Nam đã giảm từ 68/100.000 trẻ đẻ sống năm 2000 xuống còn 43/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2017. Tuy nhiên, sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ theo dân tộc và khu vực còn rất lớn, tỉ số tử vong mẹ ở các nhóm dân tộc thiểu số còn cao ở mức 100-150/100.000 trẻ đẻ sống.

Những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Đảng và Nhà nước đã có chính sách để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn, bản. Đội ngũ này đã góp phần rút ngắn khoảng cách trong việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh dân tộc thiểu số ở những nơi xa xôi nhất của đất nước. Đồng thời làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại miền núi.

Cô đỡ thôn bản đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: baodantoc.daklak.gov.vn)

Cô đỡ thôn bản đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: baodantoc.daklak.gov.vn)

Để trở thành cô đỡ thôn, bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất là 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời. Kể từ khi những cô đỡ đầu tiên được đào tạo cách đây hơn 30 năm, đến nay, cả nước đã có 3.077 cô đỡ thôn, bản được đào tạo, phát triển tương đối toàn diện ở tất cả vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trên địa bàn cả nước.

Phát huy vai trò cô đỡ thôn, bản

Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân bấp bênh, chất lượng cuộc sống thấp do đó công tác chăm sóc sức khoẻ còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Dự án 7 về việc "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em" huyện Phong Thổ đã củng cố hệ thống mạng lưới y tế tại các xã khu vực III.

Trong đó, đội ngũ cô đỡ thôn, bản tại các xã, bản đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới. Hiện nay, huyện biên giới Phong Thổ có 34 cô đỡ thôn, bản được đào tạo, từ năm 2022 đến nay đã thăm khám, tư vấn cho phụ nữ mang thai, trẻ em với trên 570 lượt, trong đó có 10 bà mẹ sinh con tại nhà được cô đỡ hỗ trợ trực tiếp.

Cô đỡ thôn bản ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Ảnh: TTXVN)

Cô đỡ thôn bản ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo của Sở Y tế Lai Châu, trên địa bàn tỉnh có 175 cô đỡ thôn, bản đã được đào tạo tại các xã thuộc vùng hai, vùng ba, trong đó có 79 người đang hoạt động hiệu quả. Năm 2022, toàn tỉnh có trên 5.600 lượt phụ nữ có thai được khám định kỳ, vận động hơn 950 bà mẹ đến đẻ tại cơ sở y tế; có hơn 260 bà mẹ đẻ tại nhà do cô đỡ thôn, bản hỗ trợ trực tiếp.

Những năm qua, đội ngũ cô đỡ thôn, bản đã và đang nỗ lực hết mình trong công việc, được ví như cánh tay nối dài của Chính phủ, ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, chế độ đối với đội ngũ cô đỡ thôn, bản hiện vẫn chỉ mang tính động viên, khuyến khích. Do đó, việc bổ sung các chính sách, chế độ phù hợp dành cho các cô đỡ thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa này là rất cần thiết.

Đọc thêm