Bạn đọc Phạm Quang Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi: Tôi đang tham gia BHXH theo cơ quan ở quận Ba Đình, BHYT đăng ký khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc. Nay tôi muốn chuyển nơi đăng ký khám ban đầu về một trong số các Bệnh viện sau cho gần nơi cư trú của gia đình tôi đang sinh sống, như: Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, Bệnh viện Xây Dựng, Bệnh viện 198 Bộ Công an, hoặc Bệnh viện Đống Đa thì có được không? Thủ tục chuyển đổi như thế nào?
BHXH TP Hà Nội cho biết: Căn cứ Điều 9, Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT hướng dẫn đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB BHYT ban đầu tuyến tỉnh, tuyến trung ương như sau:
- Người tham gia BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở KCB BHYT ban đầu tuyến tỉnh, tuyến trung ương và tương đương trong các trường hợp sau đây:
+ Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương và tương đương do Giám đốc Sở Y tế quy định sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài ra, căn cứ Điều 3, mục 3.1, Hướng dẫn liên ngành số 5791/HD-YT-BHXH ngày 26/12/2019 của Liên ngành Sở Y tế và BHXH TP Hà Nội hướng dẫn đăng ký KCB BHYT ban đầu trên địa bàn TP Hà Nội quy định về đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến tỉnh và tương đương, tuyến trung ương và tương đương như sau:
“Người tham gia BHYT được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến trung ương nơi thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là huyện) khi các cơ sở KCB BHYT có số lượng thẻ chưa vượt quá số lượng thẻ quy định”.
Đồng thời căn cứ phụ lục 2, Công văn số 247/BHXH-QLT ngày 21/1/2020 của phòng Quản lý Thu - BHXH TP Hà Nội về việc thông báo số lượng thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu như sau:
- Bệnh viện đa khoa Đống Đa: số lượng thẻ tối đa hướng dẫn đăng ký năm 2020 là 130.000 thẻ, số lượng thẻ đã vượt quá: 429 thẻ.
- Bệnh viện Xây dựng: số lượng thẻ tối đa hướng dẫn đăng ký năm 2020 là 75.000 thẻ, số lượng thẻ đã vượt quá: 52 thẻ.
- Bệnh viện 198: số lượng thẻ tối đa hướng dẫn đăng ký năm 2020 là 100.700 thẻ, số lượng thẻ đã vượt quá: 295 thẻ.
- Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an: số lượng thẻ tối đa hướng dẫn đăng ký năm 2020 là 81.900 thẻ, số lượng thẻ đã vượt quá: 717 thẻ.
Như vậy, các Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, Bệnh viện Xây dựng, Bệnh viện 198 Bộ Công an, hoặc Bệnh viện Đống Đa đều đã vượt trần số thẻ được đăng ký KCB ban đầu nên hiện tại bạn chưa thể đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các cơ sở KCB trên.
Tuy nhiên, bạn có thể đổi nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu về các bệnh viện trên khi có thay đổi, giảm số lượng thẻ BHYT đăng ký KCB BHYT ban đầu. Khi có thay đổi, cơ quan BHXH thành phố sẽ có văn bản thông báo đăng trên cổng thông tin điện tử BHXH TP Hà Nội (địa chỉ: http://hanoi.baohiemxahoi.gov.vn) để cá nhân, đơn vị, bạn đọc quan tâm tham khảo.
Căn cứ khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT hướng dẫn thành phần hồ sơ cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT như sau:
- Đối với người tham gia lao động:
+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
+ Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có).
- Đối với đơn vị:
+ Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Số lượng hồ sơ: 01 bộ, người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu vào tháng đầu quý.
Trên đây là thủ tục liên quan đến việc đăng ký KCB BHYT ban đầu, đề nghị bạn đối chiếu quy định trên để thực hiện hoặc liên hệ với cơ quan BHXH gần nhất để được hướng dẫn cụ thể hơn.