Theo bản án sơ thẩm, vào năm 2013, bị cáo Lệ là giáo viên của một trường tiểu học ở tỉnh Hậu Giang. Lúc này Lệ đã vay tiền của nhiều người để chi tiêu sinh hoạt và tiêu xài cá nhân. Đến tháng 4/2014, khi không còn đủ khả năng chi trả lãi cho các chủ nợ, Lệ đã nói dối là vay tiền cho người khác vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch hoặc cho nguời khác vay để đáo hạn ngân hàng và sẽ trả lại tiền lãi và gốc trong thời gian từ 10 ngày đến 1 tháng.
Tuy nhiên, khi vay được Lệ đã lấy tiền đó trả lãi cho các chủ nợ trước, chi tiêu sinh hoạt và tiêu xài cá nhân. Với thủ đoạn tinh vi trên, trong thời gian từ tháng 4/2014 đến tháng 12/2015 Lệ đã vay của 57 người với số tiền gần 4,3 tỷ đồng và 15,5 lượng vàng dẫn đến mất khả năng chi trả và tuyên bố vỡ nợ. Trong 57 người bị hại có 34 người yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Lệ. Tổng số tiền chiếm đoạt của 34 bị hại hơn 2,3 tỷ đồng và hơn 12 lượng vàng.
TAND tỉnh Hậu Giang xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lệ 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên sau đó, có 2 bị hại đã làm đơn kháng cáo yêu cầu làm rõ vai trò của ông Võ Minh Trận (chồng bà Lệ) trong vụ án và cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng hình thức giảm nhẹ đối với bị cáo Lệ là chưa đúng.
Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định, ông Trận chỉ tham gia ký tên và 2 bên không thống nhất ý kiến trong việc lừa đảo đối với các bị hại. Đồng thời, ông không có mục đích chiếm đoạt và không biết bị cáo dùng tiền vào mục đích trả nợ và ông không sử dụng số tiền này nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm của ông trong vụ việc.Tòa cũng cho rằng việc bị cáo thành khẩn khai báo và tòa sơ thẩm áp dụng hình thức giảm nhẹ là đúng quy định. Từ những điều trên, tòa quyết định không chấp nhận kháng cáo của 2 bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên.