Báo PLVN số 252 ra ngày 9/9/2011, có bài phản ánh bên chuyển nhượng tài sản bị tố cáo Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản..., khiến người trúng đấu giá “dở khóc, dỡ cười” còn Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá và thi hành án dân sự “mắc”.
“Kịch bản” hình sự “đá” dân sự?
Ngày 21/10, TAND tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử và tuyên bị cáo Tô Thành Huy (người chuyển nhượng tài sản) 13 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; buộc bị cáo Huy bồi thường cho người nhận chuyển nhượng tài sản 5 tỷ đồng… Không đồng tình, người nhận chuyển nhượng tài sản là ông Nguyễn Văn Chung, bà Vũ Thị Thắm; người trúng đấu giá là ông Phan Văn Kiệt và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Bình Dương (Trung tâm đấu giá) đã kháng cáo.
Ông Chung đề nghị cấp phúc thẩm xác định lại việc Huy chiếm đoạt của ông Mai Hữu Tín 200 triệu đồng hay 6.606m2 đất; nếu chiếm đoạt 6.606m2 đất như nhận định của cấp sơ thẩm thì giá trị khu đất này theo định giá hơn 11,2 tỷ đồng chứ không phải 200 triệu đồng; còn nếu xác định Huy chiếm đoạt 200 triệu đồng thì 6.606m2 không phải của ông Tín. Bên cạnh đó, HĐXX xác định bị cáo có thêm 1 tình tiết định khung tăng nặng theo Điểm g, Khoản 1, Điều 48 BLHS nhưng Tòa chỉ tuyên Huy 13 năm tù là quá nhẹ.
Theo ông Chung, “việc tòa xác định phần tài sản bị cáo Huy chiếm đoạt là của ông Tín là không có căn cứ vì ông này chưa được cấp sổ đỏ và cũng không có một trong các loại giấy tờ nào theo Điều 50 của Luật Đất đai, mà Tòa chỉ dựa vào một vài lời khai mâu thuẫn cả về nội dung và số tiền ông Tín bỏ ra sang nhượng đất”. Theo ông Chung, việc tòa tuyên bị cáo Huy trả cho ông hơn 5 tỷ đồng chẳng khác nào “bắt” ông “nắm người không tóc”, trong khi ông nhận chuyển nhượng hợp pháp.
Tất cả cùng “khổ”!
Kháng cáo của Trung tâm đấu giá nêu: Việc TAND tỉnh Bình Dương tuyên buộc bị cáo Huy như trên đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Trung tâm đấu giá, ông Phan Văn Kiệt (người trúng đấu giá) và các bên liên quan. Điều này trái với những quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá.
Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm đấu giá: Việc ông Kiệt mua tài sản bán đấu giá là hợp pháp, được pháp luật bảo vệ. “Điều 4, Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Trong trường hợp có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được bán đấu giá, nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó đảm bảo tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá…”.
Ông Thắng viện dẫn thêm Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, TANDTC và VKSNDTC: “…Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị hủy, sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật”. Cần nhắc rằng, hiện Quyết định 09/2009/QĐDS-ST ngày 24/2/2009 của TAND huyện Thuận An không bị hủy và còn hiệu lực thi hành. Như vậy, căn cứ vào các quy định và nội dung vừa nêu, đủ cơ sở khẳng định kết quả bán đấu giá của Trung tâm đấu giá phải được đảm bảo và thực hiện dứt điểm.
Trần Tố