Lưu code vé như đi máy bay
Trong giai đoạn đầu triển khai dự án, hệ thống bán vé điện tử đã cung cấp dịch vụ cho người dân có nhu cầu đi lại bằng phương thức đặt chỗ và thanh toán qua website, đồng thời cung cấp dịch vụ thu tiền vé tàu tại 2.544 bưu cục của TCty Bưu điện Việt Nam và 53 điểm giao dịch của Ngân hàng Quốc tế (VIB) tại 3 tỉnh, thành phía Nam.
Theo TCty Đường sắt Việt Nam, hệ thống vé tàu điện tử, hóa đơn điện tử là bước phát triển tiếp theo của hệ thống nói trên trong giai đoạn 2 đã được “Tổng” này triển khai từ tháng 9/2015; vì thế, toàn bộ quy trình mua vé đã có thể thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến.
Theo kế hoạch, trong tháng 1/2016, TCty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng thêm một số tính năng mới của hệ thống vé tàu điện tử cho phép cung cấp đầy đủ thông tin cho hành khách đi tàu bằng nhiều phương thức khác nhau như email, thông tin trên bảng LED điện tử, thông tin trên website bán vé, kiot đặt tại các nhà ga.
Đặc biệt, hệ thống còn cho phép hành khách cài đặt ứng dụng mua vé tàu trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Theo đó, ứng dụng này sẽ tự động điền thông tin cá nhân của chủ tài khoản khi đặt mua vé tàu, thông báo về giờ tàu, giá vé khi có sự thay đổi và được ưu tiên nhận các thông báo ưu đãi.
Được biết, với ứng dụng này, hành khách có thể lưu thông tin về vé đã đặt mua ngay trên điện thoại cá nhân và có thể xuất trình code vé (mã vé) với bộ phận kiểm soát vé mà không cần in vé giấy như đi máy bay.
Để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận với hệ thống vé điện tử, nhà cung cấp dịch vụ cho TCty Đường sắt Việt Nam sẽ có ứng dụng cho các dòng máy điện thoại chạy hệ điều hành Androi và cả IOS dự kiến sẽ cho triển khai rộng rãi trước cao điểm vận tải tết năm nay.
“Cò” hết đường làm ăn
Ngoài những ứng dụng giúp hành khách đi tàu có thể mua vé từ xa, “nhà tàu” cho hay, một loạt kiot in vé tự động cũng sẽ được lắp đặt tại các ga lớn có lưu lượng hành khách lên, xuống nhiều như: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Yên Bái, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đồng Hới, Quảng Ngãi, Nha Trang, Biên Hòa...
Các kiot này sẽ giúp hành khách chủ động tra cứu thông tin giờ tàu, giá vé, mã đặt chỗ, in thẻ lên tàu, mua vé online ngay tại các kiot.
“Hiện tại, ngành Đường sắt đang tổ chức lắp đặt và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng hệ thống từ ngày 15/1/2016. Hệ thống nói trên sẽ tạo thuận tiện cho khách hàng, giảm thời gian chờ đợi, xếp hàng tại các cửa vé, nhất là vào các dịp cao điểm khi lượng khách tại các ga tăng đột biến”, ông Đỗ Hồng Lâm, Phó Chánh Văn phòng TCty Đường sắt Việt Nam nói.
Ngoài ra, với hệ thống quản lý thông tin khách hàng hiện đại, sắp tới ngành Đường sắt sẽ có chính sách phân loại, chăm sóc khách hàng phù hợp (đặc biệt là khách hàng thường xuyên), từ đó đưa ra các chương trình ưu đãi đặc biệt hoặc khuyến mại giảm giá đối với khách đi tàu như các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác.
Đáng nói, việc ứng dụng hệ thống bán vé điện tử không chỉ gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng, công khai lượng vé, tiết kiệm nhân lực, thời gian cho “nhà tàu” mà còn giúp đẩy lùi nạn “phe” vé, “cò” vé tại các trung tâm vận tải đường sắt lớn như Hà Nội, Sài Gòn.
“Kể từ khi ứng dụng công nghệ này, sân ga Hà Nội “thoáng” hơn trước vì “cò” vé không có chỗ để làm ăn do vé tàu không được “cò” mua đi bán lại như trước vì vé của ai phải gắn với thông tin, giấy tờ tùy thân của người đó thì mới được lên tàu.
Còn đối với phòng vé thì tiết kiệm được thời gian, bởi có ngày cao điểm, một lượng lớn vé bán ra là do khách hàng tự thao tác đăng ký, thanh toán và tự in vé chứ không cần đến ga xếp hàng, trả tiền lấy vé như trước”, bà Trần Thanh Hương - Đội trưởng Đội vé, Trạm Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết.