Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) phân tích: Sau khi sử dụng rượu bia lái xe rất nguy hiểm. Tài xế lúc này không làm chủ được tay lái, thị lực giảm, phán đoán điều khiển không chuẩn xác, dễ vi phạm giao thông và gây ra tai nạn.
Một nữ lao công cần mẫn, một nghệ sĩ tận tâm, cô giáo tràn đầy tinh yêu cuộc sống... đã không thể về với gia đình trong đêm vì những kẻ cố uống thêm vài ly rượu, bia…
Chế tài xử phạt hành chính với người lái xe vượt nổng độ cồn vẫn chưa quá nghiêm khắc, mang tính cảnh cáo, chứ chưa thực sự phải là biện pháp ngăn chặn để người uống rượu bia không được tiếp tục lái xe.
Điều đó dẫn tới tình trạng say bia rượu lái ô tô "tung tăng" trên đường vẫn còn quá nhiều. Thậm chí nhiều người coi thói quen sau giờ làm hẹn hò ăn nhậu như là thú vui giải trí, quyết "không say không về".
Theo luật hiện hành, khung hình phạt cao nhất cho tài xế chiếc Mercedes tông chết 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên (Hà Nội) vào rạng sáng 1/5 cũng chỉ 10 năm tù - quá nhẹ khi hai mạng người mất đi, hai gia đình chia cắt đau đớn, chả có gì bù đắt được.
Thống kê mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có 15.000 người chết vì TNGT, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến say xỉn. Có tới 70% số người sau khi uống rượu, bia tại các nhà hàng vẫn tiếp tục tự lái xe, với tỷ lệ vi phạm các quy tắc an toàn giao thông rất cao: 36% chuyển hướng không đúng quy định, 26% đi ngược chiều, 17% không bật đèn xe...
Trước thực tế lái xe lạm dụng bia rượu, gây những tai nạn thảm khốc, khiến xã hội bức xúc trên, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc đặt vấn đề tăng nặng hình phạt với tài xế uống rượu bia khi lái xe là cần thiết.
Ông đề nghị nghiên cứu đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế uống rượu bia rồi lái xe gây tai nạn chết người, bên cạnh các hình phạt chính như phạt tiền, phạt hình sự.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc Hội, ông Bùi Văn Xuyền cũng đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Pha, là ngoài việc xử lý hình sự nên tước bằng vĩnh viễn với tài xế vi phạm. Theo ông Xuyền, cần nghiên cứu kỹ để có tổng kết, đánh giá, đồng thời, có tham khảo kinh nghiệm xử lý của các nước. "Phải thận trọng vì việc này liên quan đến quyền con người, quyền công dân", ông Xuyền nói.
Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, uống rượu, bia khi phải cầm lái, vẫn cầm lái sau khi uống rồi gây tai nạn chết người thì đó là hành vi tội ác, tội "cố ý giết người".
“Anh đã biết khi say rượu lái xe sẽ rất nguy hiểm, nhưng anh vẫn cố tình cầm lái và khi nhấn ga tông chết người thì đó hành vi cần xử lý theo tội “cố ý giết người”. Đây không thể biện minh cho số phận hay nhầm ga. Sự nguy hiểm đã cảnh báo nhưng anh vẫn cố tình làm thì không thể bao biện”, Luật sư Bùi Quang Thu nhấn mạnh.
Theo Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, có tới 65 đến 70% các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, để giảm gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội do lạm dụng rượu, bia, cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một cặp hành động, đó là tuyên truyền và xử phạt. Không chỉ trông chờ vào ý thức tự giác, cơ quan chức năng phải trang bị đủ quyền, phương tiện cho lực lượng bảo vệ pháp luật thực thi nhiệm vụ xử lý vi phạm. Kết quả xử phạt nghiêm những người say vi phạm giao thông sẽ là cách tuyên truyền hiệu nghiệm nhất.
Cùng với đó, nên công khai hình ảnh của những người uống rượu, bia lái xe gây tai nạn hoặc có hành vi chống đối để cả xã hội lên án. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của những người kinh doanh bia, rượu.
Người kinh doanh phải quan tâm đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng và của cộng đồng. Các hãng bia, rượu, nhà hàng hãy tích cực, chủ động gửi cho khách thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.