Cơ hội cho người bắt đầu thực hiện ước mơ làm ông chủ

(PLO) - Theo PGS.TS Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), trước kia ai có nhiều của cải; nhiều đất, nhiều nhà máy, nhiều tiền thì được cho là giàu. Còn nay người giàu là người nắm bắt được nhiều thông tin, am hiểu công nghệ thông tin (CNTT). Và trong cuộc cách mạng số này, các starup Việt đang có rất nhiều cơ hội…
“Thắp lửa” khởi nghiệp cho các bạn trẻ
“Thắp lửa” khởi nghiệp cho các bạn trẻ

Và trong cuộc cách mạng số này, các starup Việt đang có rất nhiều cơ hội…

Thời của doanh nghiệp số

Dẫn chứng về sự giàu có thời nay, Chủ tịch Trương Gia Bình nhắc đến 1,5 tỷ người đã dùng liên lạc thường xuyên qua facebook và dự kiến con số này còn tăng lên nữa, một loạt công ty, thậm chí có cả công ty bất động sản hình thành và phát triển mạnh nhưng không có đến một m2 đất hay là công ty vận tải lớn, nhưng không sở hữu riêng một chiếc xe nào như Uber…

Ông Bình cũng cho rằng, trong tương lai các bác sĩ có thể thua máy móc bởi công nghệ trong y học ngày càng phát triển, mà việc khám chữa bệnh của bác sĩ lại phụ thuộc quá nhiều vào máy móc, công nghệ. “Một thế giới mới đang được hình thành, mọi ngân sách sẽ trở thành ngân sách số.Mọi nhà lãnh đạo sẽ trở thành lãnh đạo số.Mỗi một công dân đều có thể trở thành doanh nghiệp(DN) số”, – Ông Bình nhận định về xu hướng.

Trường hợp Nguyễn Hà Đông với sản phẩm Flappy Bird đã được biết đến khắp mọi nơi trên thế giới trong khi ở Việt Nam chưa ai nói đến cũng được ông Bình đề cập.Ông quả quyết cuộc cách mạng số này cho phép mỗi một công dân trở thành một DN số, thậm chí có thể trở thành một DN số hoành tráng như trường hợp Nguyễn Hà Đông.

Con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy Việt Nam đang có 1.500 DN đang startup, trong đó DN CNTT có con số vượt trội hơn so với các DN trong lĩnh vực khác “Google cũng đã thông báo, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới trong khối các nước phát triển có số người sử dụng internet lớn hơn một nửa dân số. Viện Phát triển Chính trị đánh giá Việt Nam là nước đứng đầu về phát triển ứng dụng app mobile. Thế hệ ấy cực kỳ mạnh, do đó nếu được tạo điều kiện thì lực lượng này sẽ phát triển mạnh mẽ…”, Chủ tịch Bình quả quyết.

Thắp lửa…

CNTT không phải mới bắt đầu ở Việt Nam mà đã là dòng chảy hơn 10 năm, với những thương hiệu đầu tiên khởi nghiệp trong lĩnh vực này như FPT, Vina Game, Vcorp, Vật giá cho đến Tiki, Vietnamwork... Và cho đến nay, các sản phẩm thương mại điện tử, trang giáo dục, việc làm, ăn uống, mua sắm, thiết bị công nghệ… đã dần quen thuộc với người tiêu dùng.

Một loạt câu hỏi được đặt ra cho các “anh cả” khởi nghiệp mà phần lớn trong số đó đều có sự khởi đầu không dễ dàng. Giám đốc Công ty cổ phần (CTCP) Vật giá Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Điệp nghẹn ngào nhớ lại cảnh “ăn như lợn, ngủ như lợn” của những thành viên đầu tiên trong một căn gác xép; Còn Chủ tịch HĐQT CTCP MISA, Phó Chủ tịch VINASA ông Lữ Thành Long  cũng bồi hồi nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp chỉ có 1 giờ để ngủ, tiền không có, đội khởi nghiệp gần như không có lương. “Mặc dù đã có niềm tin là thành công nhưng thực tế diễn ra rất khó khăn.Một ngày 24 giờ, song vẫn cảm thấy thời gian chưa đủ để giải quyết công việc…”, ông Long nhớ lại.

“Điều quan trọng nhất để tạo nên ý chí khởi nghiệp là bắt nguồn từ tình cảm. Nếu bạn yêu gia đình mình, bạn bè mình, quê hương mình… thì đó là động lực thôi thúc bạn khởi nghiệp”,Chủ tịch FPT quả quyết. Theo ông, văn hóa khởi nghiệp đòi hỏi hành động.Người lập nghiệp cứ đứng nhìn, chọn hướng và bước đi chậm.Còn người khởi nghiệp thì nghĩ đâu làm đấy.“Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thì phải hành động và hành động. Nếu các bạn thực sự khởi nghiệp, các bạn phải rất tự chủ, sáng tạo và đam mê…”, ông Bình đưa ra lời khuyên.

Còn vì sao là CNTT chứ không phải lĩnh vực nào khác, ông Nguyễn Ngọc Điệp- Giám đốc CTCP Vật giá Việt Nam cho biết đơn giản vì ông rất thích tìm hiểu về CNTT. “CNTT cũng như các lĩnh vực khác, khi khởi nghiệp chỉ cần bạn đam mê, cố gắng hết sức thì chúng ta có thể thành công rất cao”, ông Điệp quả quyết..

Theo CEO của CTCP Misa Lữ Thành Long, để khởi nghiệp cần vô số thứ để chuẩn bị, nhưng cần nhất là 5 việc: Biết lập kế hoạch kinh doanh; được cố vấn phản biện về ý tưởng; biết cách thuyết phục và tìm nhà đầu tư để gọi vốn; biết thủ tục pháp lý để thành lập DN; và cuối cùng là biết cách tổ chức DN để hoạt động.

Thông tin về đề án công nghệ sinh thái khởi nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quỹ đầu tư Thiên thần của Silicon Valley đã đặc biệt thu hút các starup Việt. Theo Giám đốc Việt Nam Silicon Valley, bà Thạch Lê Anh, Mỹ là nơi đầu tư mạo hiểm, trong đó ngành CNTT chiếm 70% vốn đầu tư.

Năm 2014, ở Mỹ đầu tư mạo hiểm đã thu hút 50 tỷ USD, riêng Silicon Valey chiếm một nửa. “Những nước phát triển họ đều có Silicon Valley của riêng họ.Còn tại Việt Nam, sau khi Chính phủ phê duyệt sẽ có một phần kinh phí để đầu tư cho các bạn. Các bạn có thể lên website của chương trình để tìm hiểu và download thông tin về đề án này”, bà Lê Anh thông tin thêm.

Cũng theo bà Lê Anh, năm 2014, quỹ các nhà đầu tư thiên thần có đầu tư cho 4 nhóm khởi nghiệp và đa phần ở nước ngoài vì ở Việt Nam vẫn chưa quen với việc này. “Tôi hy vọng sau khi đề án này duyệt sẽ đánh động được nhiều nhà đầu tư hơn nữa, góp phần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam nói riêng phát triển mạnh mẽ..”.  – bà Lê Anh kỳ vọng.

Đọc thêm