Cơ hội rộng mở ở các thị trường FTA

(PLVN) - Kim ngạch xuất khẩu (XK) ước tính năm 2024 đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2023. Kết quả này được đánh giá đến từ việc hàng hóa Việt Nam đã tận dụng tốt các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA).
Dệt may, da giày là 2 ngành hưởng lợi khá lớn từ các hiệp định thương mại tự do. (Ảnh: PV)

Mở FTA đến đâu, doanh nghiệp tận dụng đến đấy

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá: “Không nhiều nước có FTA như Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước rất mạnh dạn mở thị trường cho doanh nghiệp (DN)”. Theo ông Vũ Đức Giang, kim ngạch XK dệt may sang các thị trường có FTA tăng trưởng rất tốt.

Trong đó, đáng chú ý, Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương) - ban đầu vốn là một thị trường gây khó khăn cho DN khi có những yêu cầu khó khăn về xuất xứ nguyên liệu (mặt hàng dệt may được quy định đáp ứng nguồn gốc xuất xứ từ vải trở đi mới được hưởng thuế suất ưu đãi) nhưng DN đã nhanh chóng thích ứng. Sau khi có hiệp định, ngành dệt may Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập vào một số thị trường trong khối CPTPP, đặc biệt là thị trường các nước trong khối Nam Mỹ, Canada, New Zealand, Mexico - những thị trường trước đây dệt may gặp nhiều khó khăn. “Sau khi hiệp định thương mại có hiệu lực, chúng tôi đã đột phá vào những thị trường này và có tăng trưởng cực kỳ tốt” - ông Giang khẳng định.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cho biết, da giày là ngành tận dụng tốt các FTA. Ví dụ như FTA với châu Âu (EVFTA) vì Việt Nam đáp ứng khá tốt quy định về xuất xứ khi chuẩn bị được nguyên liệu đầu vào; hoặc các DN đều tận dụng tốt các FTA khi đa phần thuế suất đều đã bằng 0 (trừ EU hiện đang có mức thuế suất 3,5% và đang trong lộ trình giảm về 0%). “Với EVFTA và CPTPP, kim ngạch XK mặt hàng da giày đều tăng trưởng tốt, dẫn đến kim ngạch của cả năm tăng. Ước tính năm 2024, kim ngạch có thể đạt 27 tỷ USD, tăng 10% và đạt kế hoạch đề ra. Có thể nói cứ mở thị trường FTA đến đâu là ngành da giày đẩy mạnh XK ngay lập tức vào các thị trường đó. Các FTA đã tác động tích cực đối với ngành da giày” - bà Xuân khẳng định.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế năm 2024 được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Khai mở thị trường tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi bằng việc ký kết FTA với UAE trong thời gian đàm phán kỷ lục (16 tháng). Hoạt động xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA.

Cụ thể, tăng trưởng XK của Việt Nam với hầu hết các thị trường đã ký FTA đều tăng như XK sang Hoa Kỳ - thị trường XK lớn nhất của Việt Nam ước đạt 119,7 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch XK, tăng tới 23,4% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 11,3%); XK sang thị trường EU ước đạt 51,6 tỷ USD, tăng 18,3% (năm 2023 giảm 6,8%); XK sang khu vực thị trường ASEAN tăng 13,6%; XK sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,6% (năm 2023 giảm 3,4%); XK sang thị trường Nhật Bản ước đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,5% (năm 2023 giảm 3,7%).

Doanh nghiệp sẽ thuận lợi khi có thêm thị trường FTA trong năm 2025

Bà Phan Thanh Xuân chia sẻ, năm 2025 DN da giày nói riêng, các ngành khác nói chung sẽ đối mặt với khá nhiều thử thách. Đặc biệt phải nhắc đến khó khăn khi sẽ phải chịu tác động từ chính sách mới của Mỹ (thị trường chiếm đến 40% kim ngạch XK của ngành da giày); Bên cạnh đó, các khó khăn cũ vẫn chưa giải quyết được như chi phí logistics khá đắt đỏ vì đa phần đều xuất sang các thị trường xa như Mỹ, EU; Rồi các yêu cầu mới của các thị trường lớn như xanh hóa, lao động. Những khó khăn này sẽ tác động mạnh, yêu cầu nêu cao tính tuân thủ của DN, buộc các DN sẽ phải tái cấu trúc để ổn định đơn hàng.

Ngoài ra, ngành da giày cũng phải đối mặt với việc lao động ngày càng khan hiếm nên DN phải dịch chuyển nhà máy về các vùng xa để bù đắp các chi phí đơn hàng. Đơn giá trong năm 2025 dự báo không tăng, thậm chí còn bị ép giá khi các đối tác lấy giá của Trung Quốc để làm giá cơ sở khi đàm phán; Vùng nguyên liệu dù có tăng trưởng nhưng chưa đảm bảo để tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, theo bà Xuân, thị trường của Việt Nam vẫn hấp dẫn cho việc duy trì các mặt hàng sản xuất da giày vì các DN đầu tư nước ngoài đã đầu tư khá lớn nên sẽ tiếp tục gắn bó, duy trì. Vấn đề là DN da giày phải cải tổ, thay đổi cấu trúc để thích nghi với tình hình mới.

Ông Lương Hoàng Thái thông tin, dự kiến tình hình kinh tế thế giới được dự báo còn khó khăn hơn, thậm chí đe dọa về chiến tranh thương mại có thể xảy ra. Mặc dù vậy, theo ông Thái, dự báo năm 2025, DN Việt sẽ vẫn có nhiều thuận lợi vì có thêm nhiều thị trường FTA để khai phá.

Ví dụ như công tác đàm phán, ký kết các FTA mới đạt được những kết quả tích cực với việc khai mở thị trường tiềm năng tại Trung Đông và châu Phi bằng việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA). Từ FTA này sẽ mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho DN Việt vào thị trường Halal - một thị trường rất rộng lớn. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt hơn 7.000 tỷ USD năm 2024, dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Ngành công nghiệp Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi. Sản phẩm phục vụ thị trường Halal chủ yếu là nông sản, do đó khơi mở được thị trường này sẽ giải quyết cơ bản các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh và Bắc Ai len (UK), điều này sẽ giúp cho việc gia tăng kim ngạch XK sang khu vực CPTPP được hứa hẹn sẽ có nhiều đột biến hơn nữa cho các ngành hàng chủ lực của Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã, đang và sẽ đàm phán hoặc sửa đổi thêm hàng loạt các FTA khác như đàm phán nâng cấp và đàm phán mới các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thực thi FTA giữa Việt Nam và Isarel (VIFTA); Tích cực đàm phán, ký kết triển khai các khuôn khổ pháp lý song phương về kinh tế thương mại với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Úc, New Zealand, Nam Phi, Ả-rập Xê-út… để thiết lập, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng và có nhu cầu XK.

Kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: Hoạt động XK trong năm 2024 đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh XK, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD, ước đạt 783 tỷ USD (XK ước đạt 403 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.

Trong đó, XK tăng đến 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 kim ngạch XK giảm 4,6%). Đây được đánh giá là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Bởi số liệu trong 10 tháng năm 2024 cho thấy, XK của Trung Quốc tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 9,6%, Thái Lan tăng 4,9%, Indonesia tăng 1,33%.

Đáng chú ý, kim ngạch XK tăng trưởng cao ở mức hai con số với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng XK chủ lực; Cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt các nhóm hàng XK chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 25%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 22%; hàng dệt may tăng 11,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20,3%...

Đọc thêm