Cơ hội Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

(PLVN) - Xuất hiện tại Lễ khai mạc chuỗi sự kiện kết nối cung ứng hàng hóa quốc tế, lãnh đạo của các hệ thống phân phối lớn nhất thế giới đều cho rằng Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đón làn sóng tìm kiếm nhà cung cấp mới của chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (thứ 5 từ phải qua) cùng các lãnh đạo cấp cao của các hệ thống phân phối lớn nhất thế giới thực hiện nghi thức khai mạc chuỗi sự kiện. (Ảnh: Bộ Công Thương)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (thứ 5 từ phải qua) cùng các lãnh đạo cấp cao của các hệ thống phân phối lớn nhất thế giới thực hiện nghi thức khai mạc chuỗi sự kiện. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Lợi thế hàng hóa đa dạng, giá cả cạnh tranh

Ngày 13/9, chuỗi sự kiện kết nối cung ứng hàng hóa quốc tế (Vietnam International Sourcing 2023) đã chính thức khai mạc tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của hàng trăm hệ thống phân phối lớn của thế giới.

Tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Vietnam International Sourcing 2023 được tổ chức nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Đáng chú ý, sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Ông Lionel Adenot - Tổng Giám đốc Decathlon Việt Nam cho rằng, thế giới đã phải đối mặt với rất nhiều tình huống khó khăn và bất thường, chuỗi cung ứng của Decathlon đã bị gián đoạn hoàn toàn. 2023 cũng là năm đầy thách thức vì bối cảnh bất ổn, gây ảnh hưởng mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Mức tồn kho khổng lồ và thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu, lạm phát lớn, lãi suất bất lợi… Tình trạng này mang tính toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Lionel Adenot lại cho rằng: “Tình hình này tạo cơ hội lớn để Việt Nam trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng đồ thể thao quốc tế. Decathlon đang tìm kiếm những nhà cung cấp có tính tự chủ và có khả năng tăng năng suất lao động. Ngoài ra, Decathlon cũng muốn sử dụng nhiều hơn lao động địa phương và thực hiện sản xuất giảm thiểu tác động đến môi trường.

“Hiện lượng khí thải CO2 của chúng tôi ở Việt Nam đã giảm 17% so với năm 2019 và 10% so với năm 2021. Đó là một hiệu suất tuyệt vời. Năm 2023, chúng tôi tiếp tục giảm bằng cách chuyển hoàn toàn sang năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và sinh khối. Đây chính là những điều kiện để Việt Nam trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng đồ thể thao quốc tế” - ông Lionel Adenot chia sẻ.

Cần thích ứng với xu hướng sản xuất mới

Ông Yuichiro Shiotani - Tổng Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam nhận định, những năm gần đây, nền kinh tế thế giới đã phải hứng chịu những “đòn tấn công” khủng khiếp của dịch COVID-19. Tiếp đó, những quốc gia là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam phải đối mặt với lạm phát toàn cầu, cũng như tác động từ việc Mỹ tăng lãi suất.

Bên cạnh đó là sự thay đổi của thời đại, khi mà thời đại sản xuất, tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng thời đại chú trọng sự thân thiện với môi trường, hướng tới tương lai như mô hình phát triển bền vững, dấu chân carbon. “Nếu chúng ta chỉ làm những việc giống như trước đây thì nhất định sẽ không thể theo kịp xu thế của thế giới. Do đó, chỉ cần các bạn có thể thích ứng được với thời đại thì sẽ có được những cơ hội rất lớn” - ông Yuichiro Shiotani khẳng định.

Ông Avaneesh Gupta, Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Walmart cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường tìm nguồn cung ứng quan trọng nhất của Walmart và cũng là trung tâm tìm nguồn cung ứng trên khắp Đông Nam Á. Hiện Walmart đã xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam trên toàn cầu, đặc biệt các mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng như giày dép, đồ gia dụng, đồ chơi, xoài, sầu riêng và dừa.

“Chúng tôi mong muốn có các cơ hội tìm nguồn cung ứng nhiều sản phẩm hơn từ Việt Nam cho dù đó là nhãn hiệu riêng của chúng tôi hay cho các thị trường của chúng tôi trên khắp thế giới. Hiện nay, ngoại trừ Hoa Kỳ, các doanh nghiệp của chúng tôi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho 40% dân số thế giới” - ông Avaneesh Gupta phát biểu.

Tuy nhiên, ông Avaneesh Gupta cũng cho biết, để cung cấp liên tục cho khách hàng, Walmart cần tìm nguồn hàng theo cách tối đa hóa cơ hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với nguồn cung của mình, tức là Walmart tìm kiếm các nhà cung cấp phải bảo đảm mục tiêu có sẵn sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hiện Walmart đang nỗ lực tìm kiếm và phát triển các nhà cung cấp mới và đang đầu tư phát triển nhà cung cấp bằng việc tận dụng toàn bộ hệ sinh thái Walmart ở 19 thị trường và nền tảng thương mại điện tử để tìm kiếm, duy trì và phát triển nhà cung cấp.

“Như tôi đã đề cập, Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng của Walmart. Tầm quan trọng này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Chúng tôi đánh giá cao người dân, người lao động, doanh nghiệp, nguồn tài nguyên Việt Nam đã giúp xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất một cách có trách nhiệm và tái tạo trên toàn cầu” - ông Avaneesh Gupta nói.

Đọc thêm