Hãy cùng chuyên gia pháp lý, cộng tác viên của Pháp luật Việt Nam - Luật sư Đỗ Thúy Phượng (Đoàn Luật sư Hà Nội) mổ xẻ các khía cạnh pháp lý của vấn đề.
Thưa luật sư, sau khi thực hiện hành vi đánh hội đồng, làm nhục bạn nữ học cùng lớp, mặc dù nhóm đối tượng hành hung bạn đã bị đuổi học nhưng dư luận cho rằng biện pháp kỷ luật đó vẫn còn nhẹ, chưa phát huy được tác dụng răn đe phòng ngừa. Có ý kiến cho rằng cần phải phải xử lý hình sự nhóm đối tượng, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Luật sư Đỗ Thúy Phượng: Vụ bạo lực học đường xảy ra ở trường Phù Ủng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Tôi rất chia sẻ với nỗi đau đớn, tổn thương của cháu bé nạn nhân cũng như hiểu sự bức xúc của dư luận. Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp hình phạt nào thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.
Tôi có theo dõi vụ việc qua báo chí, qua thông tin cuộc họp báo và thấy rằng, hành vi của nhóm nữ sinh đánh đập, hành hung, lột quần áo bạn có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích và Làm nhục người khác.
Tuy nhiên, nhóm nữ sinh thực hiện hành vi trái pháp luật đó mới đang học lớp 9, nghĩa là ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi. Theo quy định tại khoản 2 điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 thì “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.”
Vậy hành vi của nhóm đối tượng hành hung bạn đã là rất nghiêm trọng chưa? Trong vụ việc này, tính chất sự việc đương nhiên là rất nghiêm trọng rồi, vì nó liên quan đến đạo đức xã hội, ảnh hưởng rất xấu đến môi trường giáo dục, học đường.
Tuy nhiên, trong pháp luật hình sự, cụ thể là đối với hành vi cố ý gây thương tích, để đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi thì phải căn cứ vào tỉ lệ thương tích đã gây ra cho nạn nhân. Trong vụ việc này, ngoài những sang chấn về tâm lý đã gây ra cho nạn nhân (khó có thể đo đếm được) thì tỉ lệ thương tật của nạn nhân có lẽ cũng không lớn.
Từ sự phân tích trên, tôi cho rằng rất khó để xử lý hình sự nhóm đối tượng, ngoài việc xem xét yếu tố tỉ lệ thương tật của nạn nhân thì còn phải căn cứ vào ý chí của phía nạn nhân có yêu cầu khởi tố hình sự nhóm đối tượng hay không vì pháp luật quy định khoản 1 của tội Cố ý gây thương tích và Làm nhục người khác đều khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Nếu không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự thì liệu có căn cứ để áp dụng biện pháp đưa nhóm đối tượng trên vào trường giáo dưỡng, thưa luật sư?
- Luật sư Đỗ Thúy Phượng: Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ hết sức bức xúc rằng việc áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học tập với nhóm nữ sinh đánh bạn là quá nhẹ, không phát huy được tác dụng giáo dục vì thực tế, bị đuổi học ở trường này, các nữ sinh kia sẽ xin sang học ở trường khác. Với hình thức kỷ luật “giơ cao đánh khẽ” như thế, ai dám chắc hành vi bạo lực không tái diễn?
Như tôi đã phân tích, do hành vi của các đối tượng khó có thể xử lý bằng biện pháp hình sự nên loại trừ khả năng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của Bộ luật Hình sự. Vậy có thể áp dụng biện pháp đưa nhóm nữ sinh hành hung bạn vào trường giáo dưỡng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính được không? Tôi cho rằng hành vi của nhóm đối tượng trên cũng không thuộc trường hợp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp được áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong các trường hợp sau:
“1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
4. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 2 lần trở lên trong 6 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.
Vậy biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được pháp luật quy định cụ thể như thế nào, thưa luật sư?
- Luật sư Đỗ Thúy Phượng: Trong hệ thống pháp luật hiện hành, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được quy định cả trong Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự quy định: đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp do Tòa án quyết định, áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với họ, nhưng do tính chất của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần phải đưa người đó vào trường giáo dưỡng.
Theo Luật Xử lý Vi phạm hành chính, đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, có hành vi vi phạm luật hành chính nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Xin luật sự cho biết sự khác biệt trong trường hợp áp dụng biện pháp hình sự đưa vào trường giáo dưỡng với biện pháp xử lý hành chính như thế nào?
- Luật sư Đỗ Thúy Phượng: Xét về bản chất pháp lý, đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của Bộ luật Hình sự là biện pháp tư pháp (ngoài các hình phạt) do Tòa án áp dụng đối với người phạm tội. Còn đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của Luật Xử lý Vi phạm hành chính là biện pháp xử lý hành chính được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm.
Xét về đối tượng áp dụng: Đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với bị cáo từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của Luật Xử lý Vi phạm hành chính được áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong các trường hợp cụ thể được quy định tại Điều 92 Luật Xử lý Vi phạm hành chính như trên đã trích dẫn.
Bên cạnh đó, thủ tục đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của Bộ luật Hình sự được thực hiện qua thủ tục xét xử vụ án hình sự. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án ra Quyết định thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Ngay sau khi nhận được quyết định thi hành biện pháp giáo dưỡng của Toà án, cơ quan Công an cùng cấp có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định của Toà án.
Xin cảm ơn luật sư!