Có nên quy định thu án phí hình sự sơ thẩm?

(PLVN) - Mặc dù khoản án phí hình sự sơ thẩm có giá trị nhỏ tuy nhiên việc tổ chức thi hành án để thu khoản án phí này trong thực tiễn rất khó khăn, nhất là đối với những đối tượng là người phải thi hành án phải chấp hành hình phạt tù, nghiện ma túy…
Hình minh họa
Hình minh họa

Án phí là khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan có thẩm quyền quy định. Mức án phí, lệ phí tòa án được quy định cụ thể tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Theo  quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, mức án phí hình sự sơ thẩm mà người bị kết án phải nộp hiện nay là 200.000đ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014, án phí, lệ phí tòa án là một trong những loại việc cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành. 

Có thể thấy mức án phí hình sự sơ thẩm này chỉ mang tính chất tượng trưng, vì số tiền mà người bị kết án phải nộp (hiện nay là 200.000đ) không đủ để chi phí cho bất kỳ việc xét xử vụ án hình sự nào và cũng không tác động nhiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Xét đến mục đích răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người bị kết án thì với khoản tiền nhỏ đó, tính chất răn đe cũng khó đạt hiệu quả. Mặt khác, khoản án phí này trong nhiều trường hợp cũng làm phát sinh thêm thủ tục hành chính trong việc xóa án tích của người bị kết án.

Mặc dù khoản án phí hình sự sơ thẩm có giá trị nhỏ tuy nhiên việc tổ chức thi hành án để thu khoản án phí này trong thực tiễn rất khó khăn, nhất là đối với những đối tượng là người phải thi hành án phải chấp hành hình phạt tù, nghiện ma túy, sau khi ra tù đi lang thang không về địa phương sinh sống hoặc hoàn cảnh kinh tế quá nghèo… nên không thể có khả năng thi hành.

Để thi hành khoản tiền này, các cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thể thuyết phục vận động đương sự tự nguyện thi hành hoặc vận động người thân của người phải thi hành án nộp thay (thậm chí nhiều trường hợp người phải thi hành án không có người thân thích hoặc người thân thích của họ từ chối nộp thay thì việc thi hành án bị bế tắc). Đối với các việc thi hành án này, chấp hành viên thường không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án do giá trị số tiền phải nộp quá nhỏ, không đủ để chi phí cưỡng chế thi hành án, dẫn đến việc thi hành án bị tồn đọng, kéo dài. 

Trong thực tiễn, số lượng các việc thi hành án hình sự liên quan đến án phí hình sự sơ thẩm là rất nhiều (theo số liệu thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự, chỉ tính riêng trong năm 2018: tổng số việc thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự phải thi hành là 226.902 việc).  Về mặt pháp lý, trình tự thủ tục tổ chức thi hành án đối với một vụ việc có giá trị nhỏ như 200.000đ cũng giống như tổ chức thi hành án đối với các vụ việc thi hành án có giá trị lớn từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Việc thiết lập văn bản, giấy tờ và tống đạt các loại văn bản, giấy tờ theo đúng quy định pháp luật làm tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức của chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Thực tiễn cho thấy các chi phí mà cơ quan thi hành án dân sự phải bỏ ra để tổ chức thu khoản án phí hình sự sơ thẩm này cũng gây tốn kém không ít cho ngân sách nhà nước. Từ đó việc thu khoản án phí hình sự sơ thẩm không những không đạt được mục đích đề ra mà ngược lại, còn gây lãng phí và phản tác dụng. 

Về bản chất, pháp luật hình sự là công việc của Nhà nước nhằm giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, trừng trị những người phạm tội. Do đó thiết nghĩ Nhà nước nên xem xét việc xóa bỏ khoản án phí hình sự sơ thẩm, hoặc yêu cầu đương sự nộp khoản tiền này trước khi xét xử (tương tự như việc nộp tạm ứng án phí ly hôn sơ thẩm) rồi sau đó cơ quan thi hành án tiến hành xử lý, nhập ngân sách nhà nước sẽ góp phần giảm tải một số lượng lớn công việc cho hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí của Nhà nước.

Đọc thêm