Xử lý sao cho đồng bộ?
Liên quan đến vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, đa số đại biểu (ĐB) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp với việc kỷ luật của Đảng.
ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, khi cán bộ đã nghỉ hưu thì họ hết chức vụ, không còn trong biên chế và đã về địa phương, không hưởng lương ngân sách mà hưởng bảo hiểm.
“Trong Báo cáo cũng nêu vấn đề với cán bộ bị xoá tư cách, tôi nghĩ xem xét hệ quả vật chất chúng ta chỉ có thể tước bỏ của họ những phụ cấp đặc thù hoặc là quyền lợi khám sức khoẻ, còn lương hưu của họ hưởng theo chế độ bảo hiểm xã hội thì không thể cắt được”, ĐB Vân băn khoăn.
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, việc dự thảo quy định hình thức xử lý xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm là chưa thật hợp lý. Lý giải quan điểm của mình, ĐB Hiển phân tích: Cần khẳng định việc rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm sự thống nhất đồng bộ giữa xử lý kỷ luật Đảng với xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước là cần thiết.
Tuy nhiên, thống nhất đồng bộ không có nghĩa là bên Đảng có hình thức kỷ luật nào thì bên Nhà nước cũng phải có hình thức kỷ luật như vậy. “Thống nhất đồng bộ ở đây cần được hiểu là sự thống nhất đồng bộ để tính chất và mức độ nghiêm khắc của chế tài xử lý kỷ luật chứ không phải là có chế tài xử lý kỷ luật với tên gọi giống nhau, vì giữa xử lý kỷ luật, giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý cũng có những đặc thù khác nhau”, ĐB Hiển nói.
Chính vì thế, ông Hiển cho rằng, việc quy định hình thức xử lý kỷ luật xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm có nhiều điểm bất hợp lý.
Cụ thể, thứ nhất, việc xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm về mặt pháp lý rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ. Trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có chỗ nào dùng từ khái niệm là “tư cách chức vụ”.
Thứ hai, quy định hình thức xử lý kỷ luật trên không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đương chức.
Thứ ba, theo quy định trên sẽ tạo nên sự tranh cãi không cần thiết về hệ quả pháp lý, về xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm như ĐB Vân vừa nêu, những văn bản quyết định của người này ký có còn hiệu lực pháp lý hay không.
Dẫn chứng kinh nghiệm của Đức là giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn, đồng thời người bị kỷ luật không còn quyền giới thiệu và được giới thiệu là nguyên bộ trưởng, thứ trưởng… ĐB Hiển cho rằng, đây là cách làm logic về pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, và sẽ tránh việc vướng mắc, sa đà vào câu chuyện người này bị kỷ luật thì những văn bản, quyết định của người này còn có hiệu lực hay không.
“Từ những phân tích trên, tôi cho rằng dự thảo không nên quy định hình thức xử lý kỷ luật xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, mà thay vào đó là hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn; kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách hiện đang được hưởng bao gồm cả lương hưu, các danh hiệu, huân, huy chương, các danh xưng như nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng...”, ĐB Hiển đề nghị.
Làm gì để người tài có đất dụng võ?
Liên quan đến quy định chính sách với người có tài trong hoạt động công vụ được nêu tại Điều 6 của dự thảo luật, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, trong thực tế cho thấy có một số quy định pháp luật không đi vào cuộc sống, có quy định chỉ được thể hiện trên giấy, không hoặc chậm triển khai trong thực tiễn, có quy định bị vận dụng không đúng gây bức xúc trong đội ngũ tạo nên dư luận xã hội không tốt.
“Chúng ta đã từng nghe dư luận xã hội phản ánh không tin vào việc người tài được trọng dụng, cho rằng vào được bộ máy nhà nước, làm được cán bộ, công chức nhà nước là phải có những thứ như: “Tiền tệ, hậu duệ, quan hệ””, ĐB Hương cho rằng, để điều luật thực sự đi vào cuộc sống, cần quy định xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện đảm bảo chính sách đối với người có tài năng. Đặc biệt, cần quy định minh bạch cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với người đứng đầu để người có trí tuệ, có tài năng có đất để dụng võ.
Đồng quan điểm, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), điều trước tiên cần làm, phải thay đổi việc sử dụng cán bộ, công chức; người sử dụng cán bộ, công chức mới là người có quyền tuyển dụng.
“Lâu nay có rất nhiều cơ quan và địa phương do cơ quan, tổ chức cấp trên tuyển dụng, người sử dụng chỉ biết tiếp nhận về sử dụng. Trong quá trình sử dụng cán bộ, công chức đó thấy không thực sự phát huy được hiệu quả hay là không phù hợp nhưng cũng không có quyền làm gì cả, không thể cho người ta nghỉ việc, thậm chí với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật cũng không có quyền kỷ luật. Tôi nghĩ không nên quy định theo những cách như thế mà phải thay đổi”, ĐB Cương nói.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, ngay từ kỳ họp trước khi cho ý kiến về dự thảo này ông đã đề nghị bóc tách vấn đề này ra thành một đạo luật riêng: “Hôm nay có một số ĐB cũng đồng thuận với ý kiến này. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta phải tính đến chuyện ban hành một đạo luật riêng như là chiếu cầu hiền thời nay”.
Theo ĐB Vân, kinh nghiệm các quốc gia phát triển, họ luôn coi nhân tài là số một. “Cha ông ta nói rằng “lập quốc thì dĩ giáo học vi tiên”, tức là khi mở nước phải coi chính sách giáo dục là hàng đầu. Chúng ta có xoá nạn mù chữ là vì vậy; và kiến quốc, tức là xây dựng đất nước “dĩ nhân tài vi bản”, là trọng dụng nhân tài. Hơn lúc nào hết tôi thiết tha đề nghị Quốc hội phải bàn nghiêm túc vấn đề này để thực hiện được chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII”, ĐB Vân nói.