Cố nhân xa rồi có ai về lối xưa?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cà phê ở Sài Gòn, nghe giọng ca Thái Thanh hát khúc “Hoài cảm” của nhạc sĩ Cung Tiến, bỗng thấy vang vọng một trời lộng lẫy của mùa cổ điển. Chắc người chủ quán đang tưởng nhớ người nhạc sĩ tài danh vừa tạ từ chúng ta, rời xa trần thế. Lại thêm một người nữa của thế hệ vàng đi về với cố nhân.
Say đắm cùng giai điệu đẹp lộng lẫy đó, để quên đi ngoài kia đang quá xô bồ.
Say đắm cùng giai điệu đẹp lộng lẫy đó, để quên đi ngoài kia đang quá xô bồ.

Với những ai thích nghe nhạc tiền chiến và đặc biệt nghe ca sĩ Thái Thanh hát “Hoài cảm” thì đều cảm thấy thật “đáng sợ”. Cái “đáng sợ” ở đây là cảm giác bạn đang bước vào thế giới của kinh kịch cổ điển với giọng hát “ma quái”, làm run rẩy từng thớ da thịt. “Lòng cuồng điên vì nhớ/Ôi đâu người, đâu ân tình cũ/Chờ hoài nhau trong mơ/Nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa/Một mùa thu xa vắng/Như mơ hồ về trong đêm tối/Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa/Chờ nhau hoài cố nhân ơi/Sương buồn che kín nguồn đời/Hẹn nhau một kiếp xa xôi nhớ nhau muôn đời mà thôi/Thời gian tựa cánh chim bay qua dần những tháng cùng ngày/Còn đâu mùa cũ êm vui/Nhớ thương biết bao giờ nguôi…” (Hoài cảm).

Lời ca đẹp, giọng hát hay kéo người nghe quay lại ký ức, nhớ về mùa cũ, nhớ người tình, nhớ tri âm, nhớ bầu bạn… Thời gian như bóng câu qua thềm, lấy đi của chúng ta biết bao thương nhớ. Từng lời, từng lời hát, nghe như là thở than mà đẹp lắm, thương lắm.

Nhạc Cung Tiến chỉ cần vang lên là ta phải im lặng thổn thức vì nó gợi mở quá nhiều không gian, thời gian, quá nhiều tiếc nuối của Hoài cảm, Hương xưa, Thu vàng… Nhạc của ông như tranh thủy mặc. Một thứ cuốn hút chúng ta về dĩ vãng mà khi đã lỡ nghe khó mà dứt ra được.

Chẳng thế mà nhà báo Phan Lạc Phúc đã từng nhận xét về các ca khúc của Cung Tiến: “Từ khi xuất hiện tới nay trên 40 năm, không lúc nào ngừng tỏa hương thơm. Một hương thơm dịu dàng sâu kín, có để ý mới thấy. Nó không gây ồn ào như một số nhạc thời thượng loại tiền tuyến hậu phương, du ca về nguồn, thân phận, nhưng có một sức sống riêng bền bỉ. Đó là một khu vườn Cung Tiến không lẫn với ai. Nhạc xưa nhưng không cũ bao giờ, càng nghe lâu càng thấm. Nó chịu đựng được sự thử thách của thời gian.

Nghe nhạc Cung Tiến, tôi thường nghĩ tới người con gái đẹp của một thế gia vọng tộc vừa suy tàn, sống ẩn giấu trong một khu vườn hẻo lánh, nhưng luôn luôn mang một nổi tự kiêu thầm kín về gia phong và nếp sống của mình…”.

Có lẽ viết ngợi ca về ông quá thừa, chi bằng đành say đắm cùng giai điệu đẹp lộng lẫy đó, để quên đi ngoài kia đang quá xô bồ. “Ôi những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc hay mơ/Lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mưa/Dù có bao giờ lắng men đợi chờ/Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa/Cung Nguyệt cầm vẫn thương Cô Tô/Nên hồn tôi vẫn nghe trong mưa tiếng đàn đợi chờ mơ hồ/Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó...” (Hương xưa).

Có người nói rằng “âm nhạc là tiếng vọng của cảm xúc”. Con người không thể nghe, nhìn, ngửi, chạm, nếm được cảm xúc mà chỉ có thể cảm nhận. Đôi khi, chúng ta yêu thích một ca khúc nào đó không chỉ vì giai điệu, ca từ mà còn bởi cảm giác mà bài hát đó mang lại. Chúng ta có thể chìm đắm vào bài hát như kể lại câu chuyện cuộc đời mà ta đã từng trải qua và tưởng chừng như đã lãng quên. Đó chính là nhạc Cung Tiến.

Với tôi, hòa mình trong những giai điệu, ca từ của Cung Tiến cũng sẽ giúp xoa dịu được phần nào những nỗi thống khổ của mình trong cuộc sống. Để thấy mình thăng hoa với những xúc cảm trọn vẹn và tuyệt vời nhất. Để thấy bước chân của chính mình như được len lỏi qua từng ngõ ngách sâu thẳm nhất trong tâm hồn đã từng đớn đau…