Cơ quan chức năng "làm thinh" vụ lừa gom hàng trăm sổ đỏ

Liên quan đến vụ việc này, điều đáng nói là dù đã có cảnh báo của Bộ NN&PTNT nhưng không chỉ hàng trăm hộ dân mà còn có hàng chục công ty lâm nghiệp, lâm trường trên khắp cả nước trở thành nạn nhân bị lừa gom sổ đỏ phục vụ cho dự án “ma” với tổng số rừng lên tới 1,2 triệu hecta…

Liên quan đến vụ việc này, điều đáng nói là dù đã có cảnh báo của Bộ NN&PTNT nhưng không chỉ hàng trăm hộ dân mà còn có hàng chục công ty lâm nghiệp, lâm trường trên khắp cả nước trở thành nạn nhân bị lừa gom sổ đỏ phục vụ cho dự án “ma” với tổng số rừng lên tới 1,2 triệu hecta…

Số hồ sơ hưởng lợi của các “tư vấn viên” sau khi thuyết phục được các chủ rừng mang sổ đỏ ra kí với ông Quý

Lừa đảo khắp cả nước

Như PLVN đã thông tin, hàng trăm hộ dân đã bị lừa thu gom sổ đỏ thực hiện cái gọi là dự án phi chính phủ về phát triển rừng của Cty CP đầu tư phát triển lâm nghiệp Quý Nhân đóng tại số 17 ngõ 207, đường Lê Lợi -TP.Vinh, do ông Nguyễn Viết Quý (SN 1958, trú tại xã Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ An) làm giám đốc.

Qua tìm hiểu, trước thực trạng nhiều địa phương trên cả nước lâm cảnh bị gom sổ đỏ cho dự án “ma”, ngày 11/5/2009, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có Công văn số 395/LN-VP gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành đề nghị “phòng ngừa hiện tượng lừa đảo kinh tế”.

Công văn nêu rõ: “Hiện đang có một số công ty đã và đang tiếp cận với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước các địa phương để vận động ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết lập dự án đầu tư trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn vay rất lớn có nguồn gốc từ tổ chức phi chính phủ nước ngoài... Bộ NN&PTNT không quản lý và điều hành loại dự án như vậy. Hoạt động của các công ty như đã nêu trên có dấu hiệu lừa đảo về kinh tế”.

Những tưởng sau khi có công văn này, hiện tượng thu gom sổ đỏ sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo vẫn tiếp tục tạo “lòng tin” và hứa nên hết người này đến người khác rơi vào “bẫy”. Vì vậy, ngày 5/2/2013, Bộ NN&PTNT có Công văn số 482/BNN-TCLN gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có hành vi lừa đảo: “Thời gian qua, một số tổ chức, công ty và cá nhân tự giới thiệu là người của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… tổ chức giới thiệu môi giới cho các doanh nghiệp và cá nhân thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sổ đỏ) để lập dự án xin hỗ trợ vốn trồng rừng nhằm mục đích lừa đảo.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này là lợi dụng chính sách của nhà nước đang thực hiện như: chương trình bảo vệ và phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; hoặc tự đặt ra một số tên dự án như: “hành lang xanh”, “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”… hứa hẹn tiền có giá trị lớn, thủ tục đơn giản, đối ứng trước "chi phí" và đề nghị người môi giới được hưởng từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/ha khi dự án được giải ngân. Để ngăn chặn hành vi lừa đảo trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành địa phương có biện pháp, tuyên truyền, phòng ngừa kịp thời; xác minh, điều tra xử lý nghiêm minh đối với người có hành vi lừa đảo”.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng

Theo tìm hiểu của PLVN, tình trạng lừa gom sổ đỏ xuất hiện nhiều nơi, với nhiều đường dây. Riêng đường dây mà PLVN đề cập, được hình thành từ bà Nguyễn Thị Xoan (SN 1958, trú tại Quảng Lĩnh, Quảng Xương, Thanh Hóa) đến các “tư vấn viên” tiếp xúc với chủ rừng mang sổ đỏ về Hà Nội để ký với ông Quý.

Các “tư vấn viên” này, mặc dù  dự án chưa được giải ngân các nhưng vì lòng tham trước món tiền “khủng” được đưa ra làm “mồi nhử” nên đã đổ hết vốn liếng cầm cố, vay mượn để phục vụ việc  gom sổ đỏ. Còn chủ rừng, nếu đúng như lời bà Xoan trình bày, cứ 10 ngàn ha rừng sẽ phải “bôi trơn” 200 triệu đồng. Tuy vậy, số tiền không nhỏ này đã được các “tư vấn viên” rất “hào phóng” chi. Ngoài ra, họ được “đối xử đẹp” nên đồng ý đưa sổ đỏ để ký hợp đồng và cam kết trích ngang không hủy ngang với ông Quý.

Thực tế, không dễ gì để chủ rừng tin vào dự án hỗ trợ trồng rừng không hoàn lại, nhưng bằng mọi cách “tư vấn viên” đã gieo niềm tin cho các chủ rừng. “Để họ (chủ rừng) giao sổ đỏ mấy trăm hecta như vậy cũng vất vả lắm, đến gặp họ phải nói thế nào cho họ lọt tai, rồi ăn uống các thứ, bồi dưỡng cho các chủ rừng, lo vé máy bay, lo chỗ ăn chỗ nghỉ tại Hà Nội, rồi còn phải đưa cho họ tiền để cho các chủ rừng về nữa…” - một “tư vấn viên” tâm sự.

Đáng nói hơn, theo một số thông tin thì không chỉ người dân mà có rất nhiều các công ty lâm nghiệp, các huyện tại nhiều địa phương cũng dễ dàng ký hợp đồng với Cty Quý Nhân, như: huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) với 77.474,3ha; BQL Rừng phòng hộ Núi Vọng Phu (Đăk Lăk) khoảng 33.765,96ha; Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đăk Lắc) chừng 115.545ha; Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn (Lào Cai) 12.037,606ha; huyện Mường La (Sơn La) 73.375,915ha… Một số đơn vị nhà nước biết thông tin về dự án không có thật, đã ráo riết đòi “tư vấn viên” trả lại sổ đỏ; ngoài ra một số tự tìm để “chuộc” sổ đỏ về vì lo sợ bị kỷ luật (?)

Đáng nói hơn, vụ việc nghiêm trọng như vậy, nhưng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chưa thật sự quyết liệt. Có chăng chỉ đang giải quyết phần ngọn là chỉ thu hồi được một ít sổ đỏ để trả cho dân chứ chưa truy đến tận cùng nguyên nhân để triệt bỏ. Hy vọng rằng sau khi nhận được thông tin tố cáo đường dây thu gom sổ đỏ của Cty Quý Nhân, nhất là sau khi đại diện của Cục An ninh nông nghiệp nông thôn (A86) – Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) vào cuộc thì sự việc sẽ được giải quyết triệt để, nhằm thu hồi sổ đỏ của các chủ rừng bị thu gom từ năm 2008 đến nay. Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến vụ việc.

196 tỷ đồng chi phí cho dự án “ảo”

Theo bảng kê của các “tư vấn viên” lập ra và cung cấp cho phóng viên về số tiền họ bỏ ra để chi phí cho các hoạt động trên khắp trên cả nước nhằm mục đích thu gom 1,2 triệu ha rừng lên tới 196 tỷ đồng.

Ngô Toàn - Quang Trung

Đọc thêm