Ghi nhận những thay đổi của Dự luật sau quá trình đóng góp ý kiến của QH, ĐB Trần Du Lịch (Tp HCM) vẫn cho rằng trong dự luật được trình QH lần này, còn phải tiếp tục thay đổi. Theo ông, vấn đề đầu tiên mà dự luật cần thay đổi là phân biệt rõ ràng cơ chế của trung ương và địa phương.
“Trong một khuôn khổ nào đó, mà chúng ta vẫn duy trì sự lồng ghép giữa trung ương và địa phương là tích cực. Tuy nhiên, nếu nghĩ một ngày nào đó phải thoát ly cái này, thì nên thiết kế Luật để hướng tới khi có điều kiện là xóa lồng ghép.”
Theo ông, cần xóa cơ chế lồng ghép, bởi đó là nguyên nhân sâu xa nhất của sự bất cập.
Ông phân tích: Giữa luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có mối quan hệ khăt khít, Ở luật Tổ chức chính quyền địa phương có nói đến cơ chế phân quyền, phân cấp, vậy trong luật Ngân sách, chính quyền địa phương có cơ chế phân quyền hay không? Cần làm rõ khoản nào gắn với cơ chế phân quyền địa phương. Không nên để cơ chế phân cấp nhập nhằng.”
ĐB Trần Du Lịch cũng đề nghị Luật Ngân Sách cần quy định rõ hơn về thẩm quyền của QH trong việc quyết định ngân sách. Vấn đề quyết định chi thu ngân sách hàng năm phải được đưa ra bàn bạc công khai trước toàn thể các ĐB QH, chứ không giới hạn phạm vi của một ủy ban QH.
Trên một khía cạnh khác của việc thu Ngân sách, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt câu hỏi “Tại sao lại có những khoản thu “ngoài ngân sách”, quỹ tài chính “ngoài ngân sách?”
“ Đây là những điều khiến tôi rất băn khoăn, trong khi nguồn lực của chúng ta vốn đã yếu, chúng ta đang làm như thế là phân tán nguồn lực. Luật cần hạn chế đến mức thấp nhất, không muốn nói là khắc phục triệt để vấn đề này.” – ông phát biểu.
Ông đề nghị cần rà soát lại những khoản thu ngoài ngân để bảo đảm nguồn thu ngân sách.
Đề nghị được phát biểu đến 2 lần trong phiên thảo luận, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nhấn mạnh đến câu chuyện thiết lập được kỷ cương trong chuyện thu chi ngân sách.
“Trong những năm qua, chi ngân sách thường vượt lớn. Năm 2013 vượt trên ngàn tỷ, vậy Dự luật ngân sách lần này có hạn chế được tình trạng chi vượt không?”
Theo ĐB Bùi Đức Thụ, nguyên nhân của tình trạng vượt chi là do cơ chế chính sách. Trong khi nguyên nhân đã xác định được mà Dự luật lần này vẫn quy định cơ chế như thế, cho phép ứng trước, cho phép chuyển ngân sách các năm, như vậy là không ổn.
Đồng quan điểm hạn chế bội chi ngân sách, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) hiến kế: Cần phải hạn chế đến mức tối đa việc vay bù đắp bội chi ngân sách. Trước đây, chỉ là bội chi do phát triển, ở luật này, còn chi để trả nợ, như vậy là thụt lùi.
Theo ĐB, chỉ nên quy định vay để đầu tư phát triển. “Một nền kinh tế vĩ mô không thể phát triển nếu thu không đủ chi. Vay để chi thì không thể ổn định. Do đó, tôi đề nghị quay về luật cũ.” ĐB góp ý với Khoản 3, Điều 7 của Dự luật.
Trong câu chuyện chi ngân sách, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) góp ý cần thẩm định ngân sách khi ban hành chính sách mới. “Trong thực thế, nhiều chính sách ban hành nhưng không có ngân sách đảm bảo. Ví dụ chương trình 135, chương trình hỗ trợ nhà cho người có công. Chính sách là vậy, nhưng số lượng được thực hiện chính sách còn rất lớn chưa được hưởng.” – ĐB Thanh đưa ra ví dụ chứng minh./.