Đề nghị không bố trí đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách cấp xã

(PLO) - Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương chiều qua 1/6, nhiều Đại biểu Quốc hội  đề nghị quy định rõ tỷ lệ Đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân cụ thể hơn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cũng như cơ cấu cấp Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể đại trà…
Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thường (Thái Bình) phát biểu tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thường (Thái Bình) phát biểu tại hội trường
Trưởng, Phó ban HĐND phải hoạt động chuyên trách
Tại phiên thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) đồng tình với Dự thảo quy định giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng đều có HĐND và UBND nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị. 
ĐB Dương Thanh Thụy (Bình Định) đánh giá cao quy định mới của Dự thảo theo hướng tăng cường cán bộ chuyên trách của HĐND, tuy nhiên đề nghị “cần quy định có 2 lãnh đạo HĐND tham gia cấp ủy để tương xứng với UBND - cơ quan chấp hành của HĐND, nếu không sẽ không phát huy được hiệu quả hoạt động của HĐND”. 
Đồng thời, ĐB cũng lưu ý cần cân nhắc các quy định về tiêu chuẩn đại biểu HĐND “nếu không đủ tiêu chuẩn thì xử lý ra sao, thẩm quyền thuộc về ai. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm của đại biểu HĐND, tránh việc đánh bóng tên tuổi, hứa nhiều mà vượt quá khả năng”.
Cùng chung mối quan tâm về tiêu chuẩn đại biểu HĐND, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) nêu ý kiến: “Một trong những tiêu chuẩn đại biểu HĐND là “phấn đấu vì mục tiêu dân chủ”, nhưng tiêu chí này dựa trên cơ sở nào. Nên quy định mang tính định lượng, không nên định tính, dễ tạo sự tùy nghi”.
Nêu bật vai trò của các đại biểu chuyên trách trong quyết định hiệu quả hoạt động của HĐND, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhấn mạnh “việc để đại biểu HĐND kiêm nhiệm quá nhiều dẫn đến “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tuy nhiên ĐB này băn khoăn vì theo quy định của Dự thảo, đại biểu “có thể chuyên trách”, như vậy dẫn đến hình thức. “Cần quy định cấp tỉnh tỷ lệ đại biểu chuyên trách là 30% , cấp huyện 20%  và 15% chuyên trách cấp xã”. 
ĐB này đề nghị cần xem xét các chức danh hoạt động chuyên trách, đơn cử như Trưởng ban, Phó ban của HĐND cả cấp tỉnh và huyện đều phải hoạt động chuyên trách. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại có quan điểm trái ngược. ĐB này tỏ ra lo ngại khi tăng số lượng đại biểu chuyên trách dẫn đến con số rất lớn (khoảng 12.600 người), chưa kể việc chia tách địa giới hành chính trong khi chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế. Do đó, ĐB nhấn mạnh “không nên bố trí chuyên trách ở cấp xã. Cấp tỉnh, huyện chỉ quy định Trưởng ban chuyên trách, còn Phó thì không nhất thiết”.
Băn khoăn quy định cơ cấu Phó Chủ tịch UBND
Về cơ cấu tổ chức UBND, tiếp thu ý kiến của các ĐB và ý kiến của nhiều địa phương về số lượng Phó Chủ tịch UBND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định UBND cấp tỉnh có 03 Phó Chủ tịch UBND; đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND. UBND cấp huyện có 02 Phó Chủ tịch UBND; UBND cấp xã có 01 Phó Chủ tịch UBND.
ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng, quy định nói trên chưa phù hợp bởi mỗi đơn vị có tính đặc thù riêng về dân số, địa lý, diện tích… khác nhau. Việc quy định số Phó Chủ tịch có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động điều hành chung, do vậy nên để Chính phủ quy định chi tiết theo hướng tùy theo đặc điểm của các đơn vị hành chính, nên tối thiểu cấp tỉnh 3 Phó Chủ tịch, cấp huyện là 2 và cấp xã là 1.
ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), Triệu Là Pham (Hà Giang) cũng đều chung nhận định quy định về cấp Phó UBND như Dự luật là cứng nhắc, khó thực hiện, nhất là với các tỉnh vùng sâu, vùng xa, nơi nhiều đồng bào thiểu số. Do đó, cần quy định theo hướng mở để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp thực tế.
Liên quan đến số lượng thành viên UBND các cấp, nhiều ĐB đồng tình nên tăng về số lượng, tuy nhiên một số ĐB không đồng tình với quy định các thành viên là người đứng đầu cơ quan thuộc UBND quá nhiều, nên chỉ “khoanh vùng” với một số sở, ngành, với tỉnh có nhiều đồng bào thiểu số quy định có thành viên UBND là Ban Dân tộc.
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương, nhiều ĐB đề nghị Dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp được phân cấp, ủy quyền, hình thức phân quyền, phân cấp, ủy quyền và xác định rõ trách nhiệm của các bên trong vấn đề này, tránh tình trạng cấp trên dồn việc cho cấp dưới hoặc khi có vấn đề thì không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm. 
Hôm qua, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều ĐB đồng tình: Việc không quy định cứng số lượng, tên gọi các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong Luật sẽ tạo điều kiện chủ động hơn trong việc Quốc hội quyết định cơ cấu của Chính phủ, bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu tổ chức bộ máy của Chính phủ từng thời kỳ phát triển của đất nước. 
Đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội sẽ quyết định cụ thể số lượng, tên gọi của các Bộ, cơ quan ngang Bộ cho nhiệm kỳ đó theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 95 của Hiến pháp: “cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định” .

Đọc thêm