Cơ quan có trách nhiệm “chỏi nhau”, người dân khổ

Các bên chỉ khư khư nắm lấy lợi ích cục bộ của mình chứ không quan tâm đến lợi ích của người dân. Chính điều này khiến người dân chịu cảnh trớ trêu với hiện tượng điện chất lượng cao chạy o o ngay bên cạnh mà không được dùng, thậm chí phải trả rất nhiều tiền cho loại điện kém chất lượng.

Hệ thống lưới điện nông thôn được lắp đặt cách đây nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp nên hiện nay hàng chục hộ dân tại đội 4, thôn Trà Bình Tây, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) phải sử dụng nguồn điện chập chờn, không đảm bảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất…

Dù điện đã “chạy” o o suốt ngày trong trạm biến áp mới do Điện lực Bình Định lắp đặt nhưng đến nay người dân ở đội 4 vẫn chưa được sử dụng
Dù điện đã “chạy” o o suốt ngày trong trạm biến áp mới do Điện lực Bình Định lắp đặt nhưng đến nay người dân ở đội 4 vẫn chưa được sử dụng

Người dân thiệt

Trước tình trạng này, Điện lực Bình Định đã kéo đường dây, lắp trạm biến áp mới để phục vụ nhu cầu người dân. Nhưng do ngành điện và HTX kinh doanh điện chưa có “tiếng nói chung” nên đến nay các hộ dân vẫn chưa thể sử dụng nguồn điện đảm bảo chất lượng.

“Điện đài gì đâu mà chập chờn lúc yếu, lúc mạnh; lúc không cần thì sáng trưng, khi cần lại tối om. Không biết người dân chúng tui phải chịu cảnh “ăn đèn, ngủ điện” đến bao giờ nữa”, ông Trương Minh Thể - một người dân ở đội 4, thôn Trà Bình Tây, tỏ ra bức xúc khi đề cập đến nguồn điện sinh hoạt tại đây.

Từ trước đến nay, người dân ở đội 4 sử dụng nguồn điện do Hợp tác xã Nông nghiệp 2/3 (HTXNN 2/3) Mỹ Hiệp cung cấp. Tuy nhiên, do hệ thống lưới điện lắp đặt cách đây nhiều năm nên đã xuống cấp, hư hỏng; dẫn đến hiện tượng nguồn điện chập chờn, không đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ông Đặng Văn Thông, một người dân địa phương, cho biết: Do đường dây điện bị xuống cấp nên tỉ lệ hao hụt điện năng rất lớn; có thời điểm, người dân ở đây phải trả 5.000 đồng/kwh điện. Chưa hết, các trạm hạ thế điện có công suất nhỏ, lại xuống cấp nên nguồn điện bị chập chờn, gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Vào khoảng thời gian từ 5 giờ chiều trở đi, người dân ở đây hầu như không thể sử dụng điện để phục vụ việc thắp sáng, cũng như nấu cơm.

“Ở địa phương chúng tôi, muốn dùng điện cho thoải mái phải tầm 9 giờ tối trở đi. Đa số dân nông thôn vào giờ đó đều đã đi ngủ nên chúng tôi mới dùng câu “ăn đèn, ngủ điện” để chỉ cho tình trạng này”, ông Thông, chia sẻ.

Khoảng năm 2010, ngành điện tiến hành lắp đặt hệ thống đường dây và trạm biến áp mới ngay tại đội 4, thôn Trà Bình Tây với mục đích khắc phục tình trạng trên; phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của người dân nơi đây. Đến thời điểm hiện nay, đường dây điện và trạm biến áp mới đã được đấu nối dòng điện. Điện “chạy” o o suốt ngày trong trạm biến áp nhưng người dân đội 4 vẫn chưa được dùng, hàng ngày phải sử dụng nguồn điện chập chờn do HTXNN 2-3 Mỹ Hiệp cung cấp.

Vì cơ quan chức năng thiếu tiếng nói chung

Xảy ra tình trạng trên là do giữa HTXNN 2-3 Mỹ Hiệp và ngành điện chưa có được “tiếng nói chung”. Theo lý giải của một lãnh đạo HTX: HTX đã liên hệ với Điện lực Phù Mỹ để ký hợp đồng hòa lưới điện thì được Điện lực Phù Mỹ cho biết sẽ bán điện theo giá bán điện khu tập thể, cụm dân cư chứ không bán theo giá bán lẻ điện nông thôn.

Nếu HTX mua điện theo giá bán điện tại khu tập thể, cụm dân cư như Điện lực Phù Mỹ thông báo thì mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra rất thấp, không đủ tiền để HTX quản lý, duy tu, sửa chữa hệ thống điện. Vì lý do này nên HTX không thể ký hợp đồng mua bán điện với ngành điện, dẫn đến việc hiện nay người dân ở đội 4 chưa thể sử dụng nguồn điện mà ngành điện đã kéo tới đây.

Về vấn đề này, ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp, cho biết: “Thực tế, thời gian gần đây, việc kinh doanh điện của HTXNN 2-3 Mỹ Hiệp không mang lại hiệu quả. Do không hiệu quả nên nguồn vốn để duy tu, sửa chữa đường dây điện cũng gặp khó khăn; dẫn đến lưới điện bị xuống cấp, nguồn điện chập chờn và hao hụt điện năng lớn. Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức họp bàn, xem xét việc chuyển giao hệ thống lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý”.

Có thể thấy, chỉ vì các đơn vị chức năng có liên quan “bất đồng chính kiến” với nhau trong vấn đề đơn giá mua bán điện mà người dân thôn Trà Bình Tây phải sử dụng nguồn điện không đảm bảo chất lượng. Đáng nói hơn, không riêng gì xã Mỹ Hiệp, hiện nhiều địa phương khác tại huyện Phù Mỹ cũng đang “đau đầu” với tình trạng ngành điện và HTX mua bán điện không tìm được “tiếng nói chung”.

Các bên chỉ khư khư nắm lấy lợi ích cục bộ của mình chứ không quan tâm đến lợi ích của người dân. Chính điều này khiến người dân chịu cảnh trớ trêu với hiện tượng điện chất lượng cao chạy o o ngay bên cạnh mà không được dùng, thậm chí phải trả rất nhiều tiền cho loại điện kém chất lượng.

C.Luận

Đọc thêm