Thụ lý đơn tố giác tội phạm nhưng quá trình điều tra không tìm ra “tội phạm”, CQĐT Công an tỉnh Nam Định... làm luôn việc của Tòa án.
Một căn nhà bán 2 lần
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lan và ông Nguyễn Ngọc Khê sở hữu căn nhà và quyền sử dụng rộng 95m2 đất số 33 Thành Chung, TP Nam Định. Tháng 7/2010, bà Lan bán căn nhà này cho vợ chồng chị Cao Thị Hằng và anh Phạm Quang Tuyến giá 5 tỷ đồng. Hai giấy viết tay việc mua bán thể hiện ngày 3/7 và ngày 15/7/2010, vợ chồng chị Hằng đã giao cho bà Lan đủ 5 tỷ đồng. Cũng trong giấy tờ mua bán và nhận tiền trên, bà Lan cam kết sẽ giao nhà, giấy tờ liên quan vào ngày 16/1 âm lịch, tức ngày 18/12/2011 cho vợ chồng chị Hằng.
|
Nhà 33 Thành Chung, TP.Nam Định |
Đến hẹn, vợ chồng chị Hằng đến nhận tài sản thì “ngả ngửa” người khi thấy vợ chồng chị Trần Thị Vân và anh Trần Thu Đông đang làm lễ về nhà mới. Lúc này, chị Hằng mới biết căn nhà trên đã được bà Lan bán cho vợ chồng chị Vân từ tháng 4/2010 với giá 3,6 tỷ đồng và giao nhà ngày 8/2/2011. Việc mua bán này cũng chỉ thực hiện bằng giấy viết tay, không có công chứng của cơ quan có thẩm quyền.
Thấy vậy, vợ chồng chị Hằng tố cáo hành vi “lừa đảo” của bà Lan đến CQĐT tỉnh Nam Định; Còn vợ chị Vân thì đề nghị CQĐT “giải quyết” cho được quyền sử dụng ngôi nhà. Cùng lúc đó, bà Lan cũng có tố cáo gửi CQĐT cho rằng vợ chồng chị Hằng đã cho vay nặng lãi và ép bà viết giấy bán nhà và đề nghị khởi tố chị Hằng.
Cơ quan điều tra phán quyết thay tòa
Cùng một lúc có 3 đơn tố cáo nên sau gần 8 tháng điều tra, ngày 4/10/2011, CQĐT có kết luận về vụ việc và quyết định không khởi tố vụ án theo yêu cầu của các đương sự. Điều lạ lùng hơn, CQĐT còn có những văn bản “quyết” thay Tòa án khiến đương sự bất bình.
Theo Kết luận Điều tra số 58/PC45 của CQĐT Công an tỉnh Nam Định, việc mua bán nhà giữa bà Lan và vợ chồng chị Vân là có thật, phù hợp với nguyện vọng của các bên. Việc mua bán nhà của bà Lan với vợ chồng chị Hằng “còn nhiều mâu thuẫn”. Vì thế, CQĐT kết luận không có cơ sở xác định bà Lan “lừa đảo” vợ chồng chị Hằng, cũng không có cơ sở cho thấy bà Lan bị “ép” viết các giấy bán nhà và nhận tiền với vợ chồng chị Hằng; không việc chị Hằng cho bà Lan “vay nặng lãi”.
Mặc dù không thể kết luận gì về quan hệ mua bán nhà giữa bà Lan và chị Hằng, nhưng trong công văn gửi các cơ quan có chức năng công chứng và đăng ký giao dịch nhà đất, CQĐT đề nghị các cơ quan này thực hiện xác nhận việc mua bán nhà đất nếu đương sự (bà Lan và vợ chồng chị Vân) có yêu cầu, đồng thời cho rằng vợ chồng chị Hằng “không có quyền lợi liên quan” đến ngôi nhà 33 Thành Chung.
Với văn bản này, CQĐT đã thay tòa phán xét về vụ tranh chấp và “loại” vợ chồng chị Hằng ra khỏi tranh chấp, tạo điều kiện cho chị Vân hoàn tất thủ tục mua bán nhà…đang có tranh chấp. Việc CQĐT đi quá xa trong giải quyết tin tố giác tội phạm, thay tòa giải quyết tranh chấp là trái pháp luật.
Khi được CQĐT “cho phép”, các cơ quan có thẩm quyền có thể công chứng hợp đồng và chuyển đổi chủ sở hữu căn nhà có tranh chấp này không? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Minh Hải về vấn đề này. Thưa ông, CQĐT có thẩm quyền kết luận giải quyết một tranh chấp dân sự giữa các công dân hay không? Theo quy định của pháp luật, CQĐT không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự nên đương nhiên không có thẩm quyền quyết định quyền và nghĩa vụ đối với các bên liên quan đến vụ việc dân sự, không được kết luận tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nào. Đối với các đơn tố cáo, tố giác tội phạm, khi xác minh rõ mà không đủ cơ sở khởi tố vụ án thì CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án, đồng thời thông báo cho người tố giác tội phạm để giải quyết theo thủ tục khác. Việc kết luận vụ việc là cần thiết nhưng không thể đưa quan điểm giải quyết tranh chấp vào trong kết luận đó vì CQĐT không có thẩm quyền. Các đương sự liên quan có thể thực hiện việc công chứng hợp đồng và chuyển quyền sở hữu nhà khi CQĐT “bật đèn xanh” không? CQĐT có quyền yêu cầu không thực hiện việc công chứng giao dịch mua bán và chuyển quyền sở hữu khi thực hiện việc điều tra. Nhưng, khi việc điều tra của CQĐT đã kết thúc, trách nhiệm giải quyết thuộc cơ quan khác nên việc chuyển quyền phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong vụ việc này, nhà 33 Thành Chung vẫn có tranh chấp, không thể giao dịch được. Việc CQĐT cho rằng bà Hăng không liên quan đến tranh chấp, đồng thời báo cho các cơ quan liên quan biết để công chứng và chuyển quyền là vượt thẩm quyền, tạo sự hiểu lầm cho đương sự, thậm chí cả cơ quan nhà nước. Xin cảm ơn ông! |
Xuân Bính