Cơ quan tố tụng Hải Phòng quyết lôi cụ bà 74 tuổi ra tòa

Cho người cháu mượn nhà đất để ở, sau nhiều lần đòi nhưng không được, bà cụ già 74 tuổi quyết định tự ra tay “giải phóng mặt bằng”. Hành vi này cấu thành tội hủy hoại tài sản, tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố các cơ quan tiến hành tố tụng đã để lại những sai sót không đáng có.

Cho người cháu mượn nhà đất để ở, sau nhiều lần đòi nhưng không được, bà cụ già 74 tuổi quyết định tự ra tay “giải phóng mặt bằng”. Hành vi này cấu thành tội hủy hoại tài sản, tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố các cơ quan tiến hành tố tụng đã để lại những sai sót không đáng có.

Bị chiếm nhà, đất

Năm 1982, do kinh tế khó khăn, cụ bà Đồng Thị Tính (SN 1938, HKTT tại xóm 2, xã Tràng Duệ, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) phải ra khu vực đầu làng, nay là con đường liên xã chạy qua để mở quán bàn hàng, tìm kế sinh nhai. Sau nhiều năm, hơn 200m2 đất vốn là bờ thùng, bờ vũng ven con đường “chó ăn đá, gà ăn sỏi” không ai sử dụng cũng được cải tạo thành đất ở, một gian quán rộng chưa đầy 12m2, khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình được dựng lên.

Ban đầu, gian quán được cho cô con gái lớn làm hiệu may; cô chị vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, gian quán được giao lại cho con dâu làm cửa hiệu gội đầu. Vợ chồng bà Tính vẫn quần quật với khu chuồng trại nuôi lợn nuôi vịt.

Năm 2002, thương cảm hoàn cảnh người cháu gái Đồng Thị Xuyến – cháu gọi bà Tính bằng dì ruột - cần chỗ ở tạm, gia đình bà Tính đồng ý cho chị Xuyến mượn tạm gian quán thời hạn ba năm để ở. Quá hạn, chị Xuyến chẳng những không trả mà còn tiếp tục cơi nới, làm thêm một gian quán rộng chừng gần 10m2 để ở.

Từ năm 2007, gia đình bà Tính liên tục đề nghị chị Xuyến trả lại gian quán, thấy người cháu còn khó khăn, gia đình bà Tính thống nhất hỗ trợ cho chị Xuyến 10 triệu đồng - số tiền tạm tính phần chị Xuyến xây dựng thêm để người cháu tìm chỗ ở mới.

Lúc này, người cháu đáo để yêu cầu gia đình bà Tính phải đưa 50 triệu mới chịu di chuyển, trả lại gian quán. Không “đào” đâu được 50 triệu đồng như yêu cầu trái ngược của người cháu quá quắt, bà Tính chỉ biết ngửa mặt than trời.

Phải đáo tụng đình

Cuối năm 2012, bước sang tuổi 73, tuổi gần đất xa trời, bà Tính quyết định quyết liệt một phen để đòi lại gian quán và đất đã cho chị Xuyến mượn để ở từ năm 2002. Việc này được những người trong họ đồng ý, bà Đồng Thị Đan – em bà Tính, là bác ruột chị Xuyến - trực tiếp nhờ một số người tháo dỡ gian quán chị Xuyến đã làm trên đất thuộc quyền sử dụng của bà Tính.

Khoảng 14 giờ ngày 24/3/2012, những người được bà Đan, bà Tính nhờ đã cùng chị Phạm Thị Hồng (SN 1974) – con dâu bà Tính - phá khóa gian quán, chuyển đồ đạc ra ngoài, tháo dỡ vật liệu chị Xuyến đã xây dựng trên diện tích đất gia đình bà Tính đang quản lý.

Vụ việc được chị Đồng Thị Xuyến tin báo tới Công an huyện An Dương. Chị Xuyến còn khai nhận bị mất trộm 25 triệu đồng – là số tiền của chị để dưới đệm ga trong gian quán.

Ngày 9/12/2012, Cơ quan CSĐT mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cụ bà Đồng Thị Tính (74 tuổi) và cô con dâu Phạm Thị Hồng để điều tra về tội hủy hoại tài sản.

Việc cụ bà 74 tuổi bị bức xúc nhiều năm do người cháu không chịu trả quán, trả đất lại còn đặt điều kiện đòi hỏi quá đáng dẫn đến vi phạm pháp luật cần lên án, phải được xử lý và trong trường hợp này, chính quyền cũng không thể vô can.

Theo bà Tính, chị Hồng trình bày, rất nhiều lần gia đình đề nghị chính quyền can thiệp, đòi lại quyền lợi chính đáng bị chị Xuyến xâm hại, chính quyền địa phương vẫn “mũ ni che tai” trước lời khẩn cầu của cụ già gần đất xa trời.

Quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng  đã bác việc chị Xuyến có ý định “ăn vạ”, đòi bác, đòi chị dâu phải trả lại số tiền 25 triệu đồng mà chị Xuyến báo bị mất trộm.

Một trong số căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tội hủy hoại tài sản là việc xác định giá trị tài sản bị xâm hại. Theo KLĐT ngày 9/4/2013 của Cơ quan CSĐT, giá trị bị thiệt hại trong vụ án được xác định hơn 9,1 triệu đồng. Theo Cáo trạng của VKS, số tài sản bị thiệt hại chỉ còn hơn 6,7 triệu đồng.

Điều đáng nói, Cáo trạng của VKS ghi nhận số tài sản bị thiệt hại được Hội đồng định giá tư pháp định giá, kết luận vào ngày 16/4, sau ngày Cơ quan CSĐT có KLĐT vụ án.

Việc định giá sau khi có KLĐT là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. KLĐT xác định diện tích đất chị Xuyến đang sử dụng thuộc quyền quản lý của UBND xã.

 Nhận định này là cần nhưng chưa đủ, theo Luật Đất đai, bà Tính sử dụng diện tích đất này từ năm 1982, trước khi Luật Đất đai 1987 – đạo luật về đất đai đầu tiên có hiệu lực pháp luật. Mặc dù bỏ công sức tôn tạo, sử dụng ổn định, bà Tính vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng bởi diện tích đất nằm trong quy hoạch hành lang an toàn giao thông.

Cho dù chưa hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tối thiểu khi Nhà nước sử dụng vẫn phải bồi thường, hỗ trợ cho bà Tính. KLĐT nhận định diện tích đất này do xã quản lý là phiến diện, thiếu căn cứ pháp lý, có thể gây hiểu lầm cho nhiều người, kể cả bị hại trong vụ án.

Tại Cáo trạng, cơ quan công tố đã “cắt” đi phần nhận định “ẩu” này.  

Cơ quan tiến hành tố tụng cũng không xác định nguyên nhân phạm tội của bị can, bị cáo chính là việc vi phạm nguyên tắc yêu cầu giải quyết vụ án một cách toàn diện, khách quan.

Sự cẩu thả của Cơ quan CSĐT còn thể hiện ở chỗ, ngày tháng sinh của bà Tính không được điền trong quyết định khởi tố bị can. Theo KLĐT, bà Tính được xác định có tới hai năm sinh (năm 1938 và năm 1939). Phải chăng với những “sạn” kể trên chứng tỏ một điều, các cơ quan tiến hành tố tụng cố “lôi” bằng được bà Tính “đáo tụng đình”.

Ổn định tình hình trật tự, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giải pháp tốt nhất khi giải quyết những mâu thuẫn xuất phát từ tình làng nghĩa xóm, những mối quan hệ trong cùng một dòng tộc chưa hẳn là đưa những vụ việc không đáng có tới chốn công đường.

Linh Nhâm

Đọc thêm