“Sức bật” của hạ tầng
Mới đây, tại giải thưởng du lịch uy tín nhất thế giới World Travel Awards 2020, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ,… để được xướng tên trong các hạng mục: “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á”.
Không chỉ vậy, ở nhiều hạng mục khác, Việt Nam đều có xếp hạng ấn tượng. Ở hạng mục “Cảng tàu khách hàng đầu Châu Á”, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cũng vượt qua 7 đối thủ khác, bao gồm Cảng biển Kai Tak của Hongkong (Trung Quốc), Cảng biển Laem Chabang của Thái Lan, Cảng biển Phú Mỹ – Việt Nam, Cảng biển Osaka của Nhật Bản, Cảng biển Sanghai của Trung Quốc và “đương kim vô địch” năm 2019 – Cảng du thuyền Singapore.
Ở lĩnh vực hàng không, sân bay Vân Đồn được nhận hai danh hiệu cho “Phòng chờ sân bay hàng đầu châu Á”, và “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á”. Hay ở lĩnh vực giải trí, Sun World Fansipan Legend được trao giải “Điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam”; Sun World Ba Na Hills vinh dự là “Công viên chủ đề hàng đầu Châu Á”; InterContinental Danang Sun Peninsula Resort được trao giải “Khu nghỉ dưỡng trăng mật hàng đầu Việt Nam”…
|
Sân bay Vân Đồn. |
Có thể thấy những giải thưởng ngành du lịch Việt Nam nhận được năm nay đều có dấu ấn rõ ràng của sự phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
Đơn cử, các chuyên gia đánh giá hạng mục “Cảng tàu khách hàng đầu Châu Á” trên các tiêu chí khắt khe về thiết kế tổng thể cảng biển; kiến trúc của nhà ga; mức độ an toàn; chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của hành khách cũng như sự thuận tiện trong quy trình, thủ tục với đối tác.
Là cảng tàu khách du lịch chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, trải qua hơn một năm, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã đón 78 chuyến siêu du thuyền quốc tế với khoảng 121.050 khách và 36.260 chuyến tàu nội địa, đưa 887.124 lượt khách tham quan vịnh Hạ Long, trong đó có nhiều siêu du thuyền từ khắp nơi trên thế giới.
Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, yếu tố then chốt giúp du lịch Việt Nam nâng tầm vị thế, không ngừng thăng hạng chính là việc đầu tư bài bản, toàn diện, quy mô quốc tế cho hạ tầng du lịch, với sự góp sức đầu tư của các tập đoàn tư nhân lớn như Sun Group, Vingroup…
Các điểm đến như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… trước đây còn thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng, giờ đây đã có nhiều điểm đến đẳng cấp và hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Ghi nhận những điều này, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Trong đợt Covid-19 vừa qua, các tập đoàn lớn đã cùng với chính quyền địa phương chủ động tạo nên những “ngôi sao mới”, giúp du lịch Việt Nam nâng tầm vị thế”.
Thách thức cơ sở hạ tầng xanh
Sau những nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch trong nhiều năm qua, bước tiếp mà các nhà chức trách, các nhà quản lý và kinh doanh du lịch hướng tới chính là hệ thống cơ sở hạ tầng bền vững, thân thiện với môi trường.
“Môi trường xanh”, “giải pháp kiến trúc xanh”, “công trình xanh”, hay “kiến trúc bền vững” đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới, vừa để ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với hiện trạng bê tông hoá thiên nhiên hiện nay, vừa để giải quyết được các vấn đề liên quan đến môi trường sống và kinh doanh của cư dân tại các khu vực.
Tuy nhiên tại Việt Nam, công trình xanh vẫn là khái niệm mới. Hiện chỉ có số ít người dân Việt Nam hiểu về công trình xanh và lợi ích của nó. Thậm chí nhiều người chỉ cho rằng công trình xanh đơn giản là công trình có nhiều cây xanh.
|
Sun World Ba Na Hills. |
Các chuyên gia cho biết, công trình xanh được thiết kế, xây dựng và vận hành trong cả vòng đời theo hướng sử dụng tài nguyên hiệu quả, đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng, giảm tác động đến môi trường, đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.
Số lượng công trình xanh hiện nay tại Việt Nam tập trung đa phần vào ngành công nghiệp. Theo số liệu của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), năm 2018 có khoảng 50 dự án xây dựng được chứng nhận công trình xanh theo tiêu chuẩn Lotus.
Cụ thể, Lotus được tập trung phát triển phù hợp dựa trên các nguyên tắc chung của các hệ thống đánh giá công trình xanh khác, đánh giá dựa trên các tiêu chí như sử dụng năng lượng và nước hiệu quả, nguyên vật liệu bền vững, giảm chất thải và ô nhiễm, tăng cường sức khỏe và tiện nghi, phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, hệ thống đánh giá Lotus được đánh giá là một hệ thống mang tính tự nguyện theo định hướng thị trường chỉ được xây dựng riêng cho môi trường xây dựng Việt Nam.
Ngoài Lotus, tại Việt Nam còn có 2 hệ thống đánh giá công trình xanh khác được sử dụng là LEED và BCA Green Mark. Trong đó, hệ thống LEED đươc xem là tiêu chuẩn có những yêu cầu khắt khe nhất (theo tiêu chuẩn của Mỹ). Chứng chỉ LEED được công nhận trên toàn cầu là một chứng nhận cao cấp về công trình xanh.
Theo đó, các công trình được thẩm định cho những dự án kiến trúc từ khâu thiết kế, xây dựng và vận hành, hướng đến việc cải thiện hiệu suất, sự thoải mái về nhiệt - ánh sáng, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, chất lượng môi trường không khí trong nhà, giảm lượng khí thải CO2; đến hiệu quả kết nối giao thông công cộng, địa điểm bền vững, tác động đến việc bảo vệ môi trường…
Các chuyên gia đánh giá, ở góc độ quản lý nhà nước, vẫn còn thiếu các cơ chế chính sách khuyến khích hầu hết các nhà đầu tư công trình xanh; bao gồm các ưu đãi về nhiều mặt về tài chính, vốn vay, thuế, thủ tục hành chính, các hệ số quy hoạch, đơn giá thiết kế và xây dựng…
Trong khi đó, vẫn chưa nhiều chủ đầu tư chủ động tiên phong tìm hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh trong nước và quốc tế vào công trình xây dựng mình thực hiện. Mặt khác, cần sự đóng góp, hợp lực của các nhà cung cấp, các đơn vị tổng thầu, các đơn vị tư vấn, để tạo nên nhiều công trình xanh cho các thế hệ tương lai.