Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra ngoại ngữ trong đó phải là “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học” và kèm theo một số điều kiện khác (có ngân hàng đề thi; phương án tổ chức kỳ kiểm tra trình độ ngoại ngữ; không vi phạm các quy định về tuyển sinh).
Trong văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) góp ý cho dự thảo Thông tư này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đã đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc lại các tiêu chí này.
Về tính pháp lý, trước hết, Luật Du lịch không trao quyền cho Bộ VH-TT&DL quy định về tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ (khoản 4 Điều 59 Luật Du lịch chỉ trao quyền cho Bộ trưởng quy định về “tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ” mà thôi). Vì vậy, quy định về tiêu chí này là chưa phù hợp với Luật Du lịch.
Thứ hai, tiêu chí quan trọng và cơ bản nhất mà Dự thảo nêu “là cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học”. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì không có khái niệm “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học”. Các trường đại học chỉ đào tạo ngoại ngữ trong khuôn khổ chương trình đào tạo đại học/sau đại học của mình, cho các sinh viên của mình. Còn các cơ sở đào tạo ngoại ngữ hoạt động dưới hình thức “trung tâm ngoại ngữ”, có thể do bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện thành lập – ngay cả khi trung tâm ngoại ngữ được thành lập bởi một trường đại học thì trung tâm đó cũng vẫn là một thực thể pháp lý độc lập với trường đại học. Hoàn toàn không phải là “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học”.
Quy định này cũng cần phải được xem xét lại tính hợp lý, bởi, về tiêu chí “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học” (cứ giả sử tiêu chí này được hiểu theo nghĩa “trung tâm ngoại ngữ do trường đại học thành lập”), theo suy đoán thông thường thì có thể các trung tâm ngoại ngữ thành lập bởi các trường đại học có chuyên môn tốt hơn. Mặc dù vậy, đó chỉ là suy đoán không có căn cứ bởi về mặt pháp lý thì điều kiện thành lập các trung tâm ngoại ngữ (bao gồm cả điều kiện về nhân lực, chuyên môn, cơ sở vật chất) là như nhau, không có gì bảo đảm là cơ sở do trường đại học thành lập sẽ tốt hơn (nhất là khi trường đại học đó không phải là trường chuyên ngành về ngoại ngữ).
Về tiêu chí “có ngân hàng đề thi đáp ứng quy định về trình độ ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế”: Hiện không có bất kỳ tiêu chuẩn đặc thù nào với ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Luật Du lịch cũng chỉ đề cập tới việc hướng dẫn viên phải “thành thạo ngoại ngữ” chứ không yêu cầu phải thành thạo ngôn ngữ du lịch. Hơn nữa, trên thực tế cũng không có nhóm ngôn ngữ du lịch đặc thù nào, bởi thuật ngữ du lịch phần lớn là ngôn ngữ đời thường, không có đặc thù nào. Vì vậy, quy định về đề thi đặc thù cho hướng dẫn viên là không hợp lý. “Ngay cả khi có đề thi như vậy thì không rõ làm thế nào cơ quan quản lý du lịch để biết ngân hàng đề thi đáp ứng tiêu chuẩn này? Ai sẽ là người đánh giá ngân hàng đề thi đó đáp ứng hay không đáp ứng? Đánh giá dựa trên căn cứ nào?” – Văn bản của VCCI nêu rõ.
Về các tiêu chí “có phương án tổ chức kiểm tra…”, theo quy định của pháp luật giáo dục thì các trung tâm ngoại ngữ để thành lập và hoạt động đã phải đáp ứng các điều kiện tương tự. Do đó, việc đặt thêm tiêu chí này là không cần thiết.
Trên thực tế, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ sẽ đào tạo và cấp chứng chỉ cho tất cả các học viên có nhu cầu và đủ vượt qua bài kiểm tra mà không quan tâm tới việc học viên sẽ dùng chứng chỉ này làm gì. Vì vậy, rất có khả năng là các cơ sở này sẽ không thực hiện việc đăng ký với cơ quan du lịch – khi đó vô hình trung tiêu chuẩn “có chứng chỉ sử dụng thành thạo ngoại ngữ” sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn, tất cả các hướng dẫn viên du lịch quốc tế sẽ hoặc phải tốt nghiệp đại học, hoặc phải tốt nghiệp cao đẳng ngoại ngữ, hoặc phải học cao đẳng ở nước ngoài, hoặc phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều này, nếu xảy ra sẽ dẫn tới rủi ro lớn cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch hiện nay. Trong khi với dịch vụ hướng dẫn du lịch quốc tế, vấn đề ngoại ngữ gắn với chất lượng dịch vụ và là vấn đề của thị trường. Khi đó, hướng dẫn viên không đủ năng lực ngoại ngữ sẽ tự động bị đào thải mà Nhà nước không cần phải can thiệp quá mức.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ Điều 14 và sửa khoản 5 Điều 13 theo hướng quy định rõ chứng chỉ sử dụng thành thạo ngoại ngữ bằng cách bổ sung Phụ lục (ví dụ bằng C tiếng Anh…), đồng thời chấp nhận chứng chỉ của tất cả các cơ sở đào tạo ngoại ngữ đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập hoạt động theo quy định của pháp luật giáo dục.