Có thể làm giàu từ AI được không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Trí tuệ nhân tạo Torus AI nhìn nhận điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam hiện nay là có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Việt Nam cũng đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng sáng chế AI (trí tuệ nhân tạo).
Để trí tuệ nhân tạo AI trở thành “trợ lý” của con người. (Ảnh minh họa nguồn internet).
Để trí tuệ nhân tạo AI trở thành “trợ lý” của con người. (Ảnh minh họa nguồn internet).

AI có thật sự đáng sợ?

GS Nguyễn Tiến Dũng là giáo sư hạng đặc biệt ở Pháp, tác giả của “định luật bảo toàn xuyến”, “định lý tuyến tính hoá groupoid” và những công trình toán học nổi tiếng khác. Năm 2019, ông sáng lập Công ty trí tuệ nhân tạo Torus AI xử lý tự động các thông tin, tín hiệu và hình ảnh trong nhiều lĩnh vực như thiên văn học, y tế (chẩn đoán các bệnh về da, bệnh hô hấp…), nông nghiệp…

Theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, được ban hành theo Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu là đưa AI trở thành công nghệ mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng” về trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.

Tại Tọa đàm “Đầu tư cho AI: Cơ hội nào cho Việt Nam?” tại Hà Nội vừa qua, GS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ tạo ra những cái mới và trở nên quan trọng, cái cũ sẽ dần mất vị thế. Thay vì than phiền thì chúng ta phải nhận thấy rằng trong tiến trình chuyển đổi hiện nay, đâu là cơ hội và phải nắm bắt cơ hội.

Trong thời đại hiện nay, chuyển đổi là điều tất yếu dù chúng ta muốn hay không. Sẽ buộc phải chấp nhận có những công việc mới và công việc cũ mất đi. Thay vì sợ chúng ta cần phải nắm bắt cơ hội do AI tạo ra. Điểm mạnh lớn nhất hiện nay là Việt Nam có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng phát minh sáng chế về AI.

Hiện các trường ở Việt Nam đào tạo nhiều về AI, đây là cơ hội cho các bạn trẻ. Người Việt thông minh, có năng lực và tham vọng. Nếu doanh nghiệp (DN) muốn phát triển AI, DN phải quyết tâm và làm hợp với sức của mình, sau đó mới nâng dần lên bởi đa phần các DN của Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ.

Thực tế cho thấy, Việt Nam và các nước trung bình khác, với nguồn lực đầu tư còn hạn chế, mới chỉ ưu tiên cho nhiều vấn đề trước mắt và cấp bách như giáo dục, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo. Điểm yếu của Việt Nam chính là hạ tầng dữ liệu và tính toán mới đang ở mức sơ khởi, dữ liệu dù có rất nhiều nhưng lại rải rác ở khắp nơi và nếu có dữ liệu thì chủ yếu chỉ ở dạng thô, chưa được xử lý và chuẩn hóa.

Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, muốn được hưởng lợi từ AI phải chi tiền đầu tư vào công nghệ. AI được dự đoán sẽ tạo ra hơn 15 nghìn tỷ USD, tương đương với hơn 10% sản lượng kinh tế thế giới hàng năm kể từ năm 2030.

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng được hưởng giá trị đó như nhau. Chẳng hạn, với Trung Quốc, có tới 26% giá trị thặng dư có được do AI tạo ra. Tỷ lệ này với Mỹ là hơn 11%, châu Âu hơn 10%... Việc đầu tư vào công nghệ đã giúp những quốc gia này được hưởng lợi lớn từ AI. Việt Nam muốn được hưởng lợi nhiều từ AI thì không có cách nào khác phải đầu tư nhiều hơn.

GS cũng chỉ ra 12 khía cạnh của nền kinh tế AI bao gồm: quản trị, toán học, tài nguyên, hợp tác, sức khỏe, sáng tạo, dữ liệu, giáo dục, đầu tư, trí tuệ, an toàn, chuyển đổi.

Như vậy, AI dẫu còn rất mới mẻ, xa lạ và phức tạp khó hiểu so với công chúng xã hội nhưng thực chất vẫn không gì khác hơn là một công cụ mới sắc bén, giúp vận hành nền kinh tế hiệu quả hơn.

Điểm khác biệt của AI chính là ở chỗ, nhờ vào khả năng xử lý thông tin nhanh chóng gấp nhiều lần con người, hoàn toàn có thể xử lý các thao tác lặp đi lặp lại trong sản xuất, đem lại cơ hội vận hành từng ngành nghề với một năng suất, hiệu quả cao chưa từng thấy. Trong đó giáo dục và y tế là hai ngành hưởng lợi nhiều nhất, khi 84% giá trị thặng dư mới trong ngành Giáo dục sau 10 năm tới là do AI mang lại, hay ngành Y tế nhờ sử dụng AI với dữ liệu chuyên gia về bệnh đa dạng phong phú để có cơ hội hỗ trợ các bác sĩ thực hiện ước mơ y học chính xác, chẩn đoán hiệu quả và chính xác hơn nhiều lần so với trước đây.

AI đã chứng minh là công nghệ giúp tăng năng suất lao động, thậm chí, còn đe dọa thay thế một số công việc như nhân viên ngân hàng, người làm nội dung… AI len lỏi sâu vào cuộc sống là xu thế không thể chối bỏ. Việc ứng dụng công nghệ này càng sớm sẽ giúp DN và mỗi người nâng cao giá trị của mình để không bị thay thế.

Do đó, không nhất thiết phải đầu tư AI nhưng phải biết tận dụng AI, dẫu bạn có là giáo viên, nhạc sĩ… để tăng hiệu quả công việc và những sản phẩm do mình làm ra. Nếu không ứng dụng AI sẽ giảm cạnh tranh so với những người khác. Một nghiên cứu cho thấy ngay cả lập trình viên dùng AI cũng tăng năng suất 50%, hay những người lái taxi cũng dùng AI làm việc hiệu quả hơn.

Trí tuệ nhân tạo đã từng đánh thắng nhà vô địch cờ vua thế giới, vì nếu người chỉ nghĩ trước 3 nước nhưng AI có thể nghĩ được 10 nước. Đây là điểm học tập khác biệt của AI, AI hiện có khả năng học tập rất nhanh vì nó tổng hợp kiến thức từ nhiều chuyên gia, nhiều nguồn.

Với các ngành khoa học cơ bản, AI đem đến một góc nhìn mới, giúp các nhà khoa học khám phá nhiều hơn. GS.TS Trương Nam Hải, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) cho biết: “Với sự hỗ trợ của các thiết bị giải trình tự gene ngày một tiên tiến, chúng tôi có hàng triệu triệu gene. Do đó, những nghiên cứu về gene mà không có AI giúp đỡ thì hiệu quả thu về rất kém bởi nếu người làm bằng tay thì không thể nào làm xuể được. Chúng tôi rất cần công cụ AI để khai thác”. Thậm chí, theo ông, sử dụng AI, xử lý dữ liệu lớn và internet vạn vật chắc chắn là công nghệ nền của cách mạng 4.0, là phương thức sản xuất mới để khai thác tri thức và là tương lai của loài người.

GS Nguyễn Tiến Dũng tại Tọa đàm Đầu tư cho AI: Cơ hội nào cho Việt Nam. (Ảnh PV)

GS Nguyễn Tiến Dũng tại Tọa đàm Đầu tư cho AI: Cơ hội nào cho Việt Nam. (Ảnh PV)

Liệu có tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro?

Ngay tại thời điểm hiện nay, khó ai có thể tưởng tượng hết được lợi ích mà nguồn dữ liệu mở có thể đem lại cho cộng đồng, cho các cơ quan quản lý và chính các doanh nghiệp thiết kế AI nhưng nhìn vào đầu tư cho dữ liệu mở ở một số quốc gia là những con số khó tưởng. Theo TS. Lưu Vĩnh Toàn, Công ty Move Digital AG, Thụy Sĩ - một chuyên gia về dữ liệu tại Đan Mạch, sau 8 năm, nguồn địa chỉ mở được hình thành từ năm 2002 đã có hơn 1.000 DN và tổ chức sử dụng, mang lại giá trị trực tiếp ít nhất là 62 triệu Euro. Một nhân viên chỉ mất 15 phút để giúp Chính phủ Anh tiết kiệm hàng triệu bảng Anh nhờ việc phát hiện các khoản chi tiêu trùng lặp trong dữ liệu chi tiêu công của chính phủ. Phân tích nguồn dữ liệu mở về các ca phẫu thuật ở Anh giúp giảm bớt hàng nghìn ca tử vong vì phẫu thuật tim mỗi năm…

Trong lịch sử, Việt Nam thường đi sau và học hỏi bài học kinh nghiệm của các nước đi trước. Nhưng đây là thời đại mà Việt Nam đi song song với thế giới từng ngày, từng giờ, lần đầu tiên Việt Nam có cơ hội lịch sử để nghiên cứu công cụ này, cho những vấn đề của riêng Việt Nam, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam. Nhưng để làm được điều đó, phụ thuộc rất nhiều vào mức độ đầu tư công cho dữ liệu mở.

Trên thực tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 55.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường, nhưng chỉ có 30% trong số này có thể làm các công việc liên quan tới AI. Và để thực sự đáp ứng được cấp bậc chuyên gia trong AI, quá trình học tập và đào tạo chuyên sâu còn phải kéo dài hơn nữa. Số nhân lực ra trường và có thể đi làm được luôn là rất hiếm. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên vẫn là vấn đề muôn thuở của giáo dục trong nước khi việc đào tạo tại trường khác xa so với ứng dụng thực tế, đặc biệt là ở lĩnh vực cần thực hành và tiếp xúc công nghệ cao như AI. Hơn thế nữa, ngôn ngữ cũng là rào cản lớn khiến sinh viên khó tiếp cận với những tài liệu AI vốn quá chuyên ngành, từ đó hạn chế năng lực nghiên cứu.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ, nếu người Việt chỉ có thể sử dụng chứ không thể xây dựng hệ thống AI thì người Việt đang “cho không” dữ liệu cho các DN nước ngoài mà không thể có kho dữ liệu mở của riêng mình, phục vụ cho chính lợi ích của người dân, DN và cả quốc gia.

Ở góc độ khác, nhiều DN lo ngại việc ứng dụng AI sẽ làm tăng nguy cơ “tin tặc” xâm nhập. Theo vị chuyên gia này, AI và an toàn thông tin tương đối độc lập. Đương nhiên AI làm cho việc ăn cắp thông tin phức tạp hơn nhưng trước khi có AI, các hacker đã hoạt động. GS Dũng cho biết: “Chi phí cho an toàn thông tin ngang với chi phí đầu tư cho AI. Công ty tôi bị tấn công hàng ngày, phải lắp đủ trạm ngăn chặn và có quy trình kiểm soát thông tin, ví dụ nhân viên không được coppy dữ liệu từ máy chủ về máy cá nhân. Đương nhiên luôn có lỗ hổng, công ty phải luôn có phòng ban an toàn thông tin”.

Theo GS Dũng, hiện các giải pháp AI chưa có nhiều, giá thành đắt đỏ. Nhưng nhiều startup đang nghiên cứu các giải pháp AI trong nhiều lĩnh vực, khi được ứng dụng rộng rãi hơn thì giá thành sẽ rẻ đi và chất lượng giải pháp tốt hơn. Quan trọng là DN nào nhanh chân hơn trong việc ứng dụng AI thì sẽ có lợi thế hơn so với người khác.

Đánh giá nền kinh tế AI hứa hẹn mang lại một xã hội thịnh vượng và tiện lợi hơn cho con người, GS Nguyễn Tiến Dũng đồng thời cho rằng AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người. Nếu AI bắt chước con người, chúng ta lại tiếp tục sáng tạo, thay đổi, đổi mới. Có như vậy, AI sẽ không thể theo kịp con người. Nhưng điều này cũng đòi hỏi mỗi người phải có nền tảng kiến thức vững chắc và không ngần ngại thay đổi…